Economist: Việt Nam là tấm gương cho các quốc gia muốn phát triển
- 15:10 05-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quốc gia châu Á nào đã tăng trưởng suốt 25 năm qua, giúp hàng triệu người thoát nghèo? Nền kinh tế châu Á nào, dù tỷ lệ người dân nông thôn còn cao, sẽ là động cơ tăng trưởng tiếp theo của châu lục? Phần lớn mọi người sẽ trả lời là Trung Quốc cho câu hỏi đầu tiên, và Ấn Độ cho câu tiếp theo. Thế tức là họ đều bỏ qua một đất nước nổi bật cả về thành công trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai.
Theo Economist, đó chính là Việt Nam. Với dân số hơn 90 triệu người, tính từ năm 1990, Việt Nam đã trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng trên đầu người cao nhì thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Nếu có thể duy trì tốc độ 7% này trong thập kỷ tới, Việt Nam sẽ đi theo đúng quỹ đạo như các con hổ châu Á khác là Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Economist đánh giá đây là một thành tựu lớn với một quốc gia phải trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, thậm chí có lúc nghèo như Ethiopia.
Không như Trung Quốc hay Ấn Độ, Việt Nam thiếu nhiều lợi thế để trở thành một nền kinh tế quy mô châu lục. Vì thế, bài học về sự vươn lên của Việt Nam dễ áp dụng hơn nhiều cho các nước đang phát triển khác, đặc biệt là các quốc gia lân cận.
Việt Nam được Economist ca ngợi nhờ thành tựu trong quá khứ và tiềm năng trong tương lai. Ảnh: Nguyễn Thanh Vân
Bên cạnh đó, sự phát triển của tự động hóa trong nhà máy luôn làm dấy lên lo ngại các nước nghèo sẽ không thể tận dụng lợi thế trong các ngành sản xuất cần nhiều nhân công. Tuy nhiên, Việt Nam đã chứng minh được rằng mô hình này vẫn có tác dụng.
Thêm nữa, rõ ràng nhất là, việc mở cửa với kinh tế toàn cầu đã mang lại hiệu quả. Các chuyên gia của Economist cho rằng Việt Nam may mắn nằm ngay cạnh Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty cần tìm địa điểm sản xuất giá rẻ để thay thế. Nhưng các quốc gia Đông Nam Á khác, dù cũng có vị trí thuận lợi tương tự, lại không thu về nhiều lợi ích như Việt Nam.
Từ thập niên 90, Việt Nam đã tích cực đơn giản hóa các quy tắc thương mại. Thương mại hiện tương đương 150% GDP, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào có cùng mức thu nhập. Chính phủ cũng đã cấm việc buộc công ty nước ngoài mua vật liệu đầu vào trong nước. Ở Indonesia thì hoàn toàn ngược lại. Việc này đã khiến các công ty nước ngoài đổ xô đến Việt Nam, đóng góp hai phần ba xuất khẩu hằng năm.
Ngoài mở cửa, Việt Nam còn áp dụng chính sách linh hoạt. Chính phủ đã khuyến khích cạnh tranh giữa 63 tỉnh thành. TP HCM đi đầu với các khu công nghiệp, Đà Nẵng có các khu công nghệ cao và miền Bắc đang thu hút các hãng sản xuất khi họ rời Trung Quốc. Kết quả là Việt Nam trở thành một nền kinh tế đa dạng có thể chống chịu các cú sốc, trong đó có đợt vỡ bong bóng bất động sản năm 2011.
Bên cạnh đó, cũng như Trung Quốc, Việt Nam hiểu rõ về hướng đi họ phải theo và hiện tập trung vào giáo dục. Học sinh 15 tuổi của Việt Nam có thể làm toán và hiểu khoa học tương đương học sinh Đức. Việt Nam cũng chi nhiều hơn cho các trường học, so với hầu hết các nước có cùng mức độ phát triển. Các yếu tố nền tảng - khuyến khích học sư phạm và đào tạo giáo viên cũng được chú trọng.
Những sự đầu tư này rất cần thiết để tận dụng các cơ hội thương mại. Các nhà máy có thể tự động hóa nhiều hơn, nhưng vẫn cần người vận hành. Vì thế, công nhân phải biết chữ, thạo số và có khả năng nắm vững các chỉ dẫn phức tạp. Việt Nam đang tập trung vào những kỹ năng đúng đắn, mà Thái Lan, Indonesia và Malaysia còn chưa theo kịp.
Việt Nam hiện là quốc gia có thu nhập trung bình, và phải đi đường dài nữa để lên thu nhập cao. Con đường này còn rất nhiều thách thức. Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vẫn gặp khó ở Mỹ. Các công ty quốc doanh vẫn hoạt động kém hiệu quả. Sự cạnh tranh giữa các tỉnh thành giờ lại thành gánh nặng khi cơ sở hạ tầng chồng chéo nhau. Việt Nam cũng đang rất vất vả gây dựng chuỗi cung ứng nội địa và sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Dù vậy, thành tựu trong 25 năm qua cũng có nghĩa Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội. Ít ra, Việt Nam đã bắt đầu cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Họ cũng đang đàm phán nhiều hiệp định thương mại với châu Á và châu Âu. Việc tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất mà không khiến công ty nước ngoài phật ý cũng đang được lên kế hoạch.
Việt Nam đang là hình mẫu cho các nước muốn đặt chân lên bậc thang phát triển. Với một chút may mắn, Việt Nam còn có thể là tấm gương cho các quốc gia muốn tiến lên.
Tác giả bài viết: Hà Thu