Vỡ mộng lũ lượt rủ nhau vượt biên trái phép sang Lào, hy vọng đổi đời
- 14:08 05-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Với ước mơ đổi đời, nhiều gia đình người Mông ở Kỳ Sơn (Nghệ An) lũ lượt bồng bế nhau vượt biên trái phép sang Lào. Ở bên kia, cái đói, nghèo vẫn đeo bám. Họ trở về với đôi bàn tay trắng, khi mà nhà cửa, ruộng nương đã không còn. Có người phải bỏ mạng...
Ông Và Lỳ Công ngồi thất thần bên bếp lửa, nuối tiếc vì đã vượt biên
Cay đắng hơn, có những người đã phải bỏ mạng trong hành trình di cư.
Vượt biên như… đi chợ
Ở Kỳ Sơn, người Mông có vô vàn lý do để vượt biên. Từ chuyện vụn vặt như anh em trong nhà xích mích, tranh chấp đất nương, bị lôi kéo hay đơn giản theo cái lý của họ thích thì vượt biên thôi.
Tôi tìm về xã Huồi Tụ, dù đây không phải xã biên giới, nhưng nhiều năm qua lại là điểm nóng về tình trạng vượt biên trái phép. Anh Hạ Bá Lỳ, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, tính riêng từ đầu năm đến nay, Huồi Tụ có tới 10 hộ với 45 nhân khẩu đã vượt biên sang các tỉnh Bô Ly Khăm Xay, Xiêng Khoảng và huyện Viêng Thông (tỉnh Hủa Phăn) để sống.
Theo Công an xã, hiện có 18 gia đình với 92 nhân khẩu đang “nhấp nhổm” bán tài sản, chờ cơ hội sang Lào. Khắp các bản Huồi Mũ, Na Ni, Huồi Lê, Huồi Ức… đều có các hộ lọt vào “tầm ngắm” của chính quyền xã.
Tuy nhiên, anh Lỳ khẳng định, di cư tự do đã ăn sâu vào phong tục, tập quán của người dân. Chính quyền xã không thể ép buộc họ định cư ở đâu mà chỉ có thể làm công tác vận động tư tưởng, khuyên nhủ là chủ yếu.
Huồi Ức 2 từng là bản “điểm” về vượt biên trái phép của xã Huồi Tụ. Năm 2010, ba anh em ruột là Và Lỳ Công (SN 1961), Và Nhìa Chả (SN 1963), Và Lỳ Xa (SN 1967… rủ nhau đồng loạt dẫn vợ con vượt biên sang tỉnh Xiêng Khoảng. Tôi hỏi Và Lỳ Công, đang ở bản yên ổn sao lại kéo nhau đi. Nghĩ ngợi một lát, ông Công thủng thẳng, do đi làm nương ở chỗ đang tranh chấp đất đai với xã khác, bố buồn thì bố đi thôi.
Nói là làm, Và Lỳ Công nhất quyết bán cả nhà, lợn, gà, trâu bò… lấy tiền dẫn vợ và 3 con đi tìm cuộc sống mới. Số tiền tất thảy được 28 triệu đồng. Sau nhiều ngày chạy trốn chui lủi, ông Công và vợ cũng sang được nơi dự tính. Thế sang đó, bố làm gì?, tôi hỏi.
“Thì vẫn làm nương, rẫy thôi. Bên đó đất họ còn rộng, nhiều rừng, người lại ít. Bố dựng một cái nhà hết 7 triệu đồng, số tiền còn lại mua đồ ăn cho gia đình”, ông Công kể. Tôi lại hỏi, thế cuộc sống bên đó sướng hơn bên mình không mà bố quyết tâm đi vậy. Gãi gãi đầu, ông Công bảo, chả sướng hơn đâu, lúc nào cũng nơm nớp bị biên phòng bắt bỏ tù.
Số gạo cứu đói mùa giáp hạt của gia đình ông Công
Căn nhà của Và Nhìa Chả thì “xịn” hơn, làm bằng gỗ dổi, bán được 35 triệu đồng. Số tiền bán đôi trâu, mấy con lợn cộng lại được gần 100 triệu đồng. Với từng ấy tiền, Chả dắt díu vợ với 5 đứa con cùng anh trai lên đường. Nghe theo hai anh, Và Lỳ Xa cũng bán nhà, dẫn vợ là Lầu Y Lỳ, 4 con nhỏ vượt biên.
Khi sang tới đất Lào, Lỳ sinh cho Xa thêm một đứa nhỏ. Một lần Xa vào rừng săn bắn rồi từ đó vĩnh viễn không trở về. Lỳ ở nhà ôm con chờ chồng đến héo hon mòn mỏi vẫn bặt vô âm tín. Một số người trong bản bảo với Lỳ, thằng Xa đi vào rừng, chẳng may gặp phỉ bị chúng bắn chết rồi.
Gặp đúng đợt biên phòng nước bạn Lào mở đợt truy quét những đối tượng vượt biên, đại gia đình Và Lỳ Công được trao trả về nước. Riêng Và Lỳ Xa vĩnh viễn nằm lại nơi đất khách quê người. Toàn bộ tài sản như nhà cửa, ruộng nương xây dựng, khai phá được đều bị tịch thu. Cả đoàn người lầm lũi về nước với đôi bàn tay trắng.
Vỡ mộng
Và Lỳ Công ngồi bên bếp lửa, chống cằm, thiểu não và mệt mỏi. Căn nhà, mảnh đất xưa đã bán, gia đình ông được bản bố trí nơi mới, dựng căn nhà tạm để ở. Dẫn tôi về thăm lại căn nhà cũ, ông Công đứng tần ngần một lúc rồi lặng lẽ trở ra.
Rất may, có sự đùm bọc của chính quyền và dân bản, ông được cấp một ít đất nương để lấy kế sinh nhai. Còn hiện tại, cả gia đình 4 miệng ăn (1 con gái mới đi lấy chồng) phụ thuộc hoàn toàn vào gạo cứu đói của Nhà nước. Mỗi bữa, cả nhà chỉ nấu một bát gạo, còn lại độn sắn để ăn cho qua mùa đói giáp hạt. Vì từ nay cho tới tháng 11, mảnh ruộng trên nương mới bắt đầu cho thu hoạch những hạt thóc đầu tiên.
Màn đêm buông xuống, bản Huồi Ức càng trở nên tối tăm, lạnh lẽo vì điện lưới chưa tới. Một vị khách lạ như tôi, thèm nghe một tiếng tivi hay đài radio cũng là điều xa xỉ.
8h tối, chị Lầu Y Lỳ mới trở về từ trên nương. Lỳ nổi lửa, luộc tạm mấy bắp ngô cho con ăn. Đứa nào đứa nấy hau háu như thèm lắm. Khi tôi sang, đứa bé nhất đã ngủ quay, quên cả cơn đói. Lỳ không nói được tiếng Kinh, hỏi gì cũng “Chi pâu” (không biết). Qua người phiên dịch là vợ của trưởng bản, Lỳ bảo, cũng hối hận lắm khi vượt biên, giờ chỉ mong sao chồng trở về.
Chị Lầu Y Lỳ chuẩn bị bữa tối cho đàn con nhỏ
Bữa tối của cả gia đình chị Lỳ
Tờ mờ sáng hôm sau, tranh thủ lúc Và Nhìa Chả chưa lên nương, tôi nhờ trưởng bản Và Xỉ Mùa dẫn sang nhà trò chuyện. Trong căn nhà tối như hũ nút, Chả ngồi co ro bên nồi sắn đang sôi sùng sục trên bếp củi. Hỏi chuyện di cư, ông Chả bảo, giờ thì hối hận rồi, cho đi cũng chẳng dám đâu.
Ông Và Nhìa Chả lo lắng về cuộc sống sau này
Ông tiếc nhất là căn nhà làm bằng gỗ dổi, bao năm đi rừng mới xây cất được. Ngày trở về, ông tính trả người ta 60 triệu để mua lại nhưng họ không đồng ý. Thế là đành ngậm ngùi đi vay mượn gỗ dân bản, dựng tạm căn nhà trú nắng mưa. Ông Chả rủ rỉ bảo, tội nhất là mấy đứa nhỏ, bỏ học lâu quá, giờ về không theo kịp chương trình, cứ đà này thì ở nhà đi làm nương thôi.
Trưởng bản Và Xỉ Mùa bảo, cũng mấy lần sang thử xem người dân mình vượt biên sang sống thế nào. Thực tế, cũng có người đủ ăn, nhưng đa phần là thiếu thốn, luôn phải trốn tránh lực lượng chức năng nước bạn Lào. Một khi bị bắt và trao trả, toàn bộ tài sản phải để lại, mang được tính mạng trở về là may mắn lắm rồi.
Bà Cụt Thị Hợi, Trưởng phòng Dân tộc Kỳ Sơn cho biết, tập quán di cư của người Mông ở đây thực sự rất khó để thay đổi dù được tuyên truyền, vận động thường xuyên. Trên thực tế, cứ vào mùa phát rẫy làm nương, người dân lại kéo nhau vượt biên. Kỳ Sơn có 20 xã thì 12 xã có hiện tượng di cư trái phép. Anh Vi Văn Sơn, chuyên viên Phòng Dân tộc khẳng định, con số này không những giảm mà ngày một tăng lên, trong khi các ngành chức năng vẫn loay hoay tìm hướng giải quyết.
+ Ông Và Lỳ Công bảo, trong nhà giờ tìm mỏi mắt cũng không có một đồng tiền nào đâu. Bữa cơm chủ yếu có rau rừng chấm muối. Mỗi năm, cả nhà chỉ 1-2 lần được ăn miếng thịt từ việc bán gừng, thảo quả. Ngày Tết cũng chẳng có thịt đâu, nấu đĩa cơm nếp cúng tổ tiên thôi. + Theo bà Cụt Thị Hợi, Trưởng phòng Dân tộc Kỳ Sơn, huyện đã lên phương án về việc sắp xếp, ổn định nơi ở cho những gia đình trở về từ Lào với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chưa có kinh phí, phương án này vẫn chỉ là những con số trên giấy. |
Tác giả bài viết: Phạm Kế Toại