Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Anh Sơn: Tập trung phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu - mùa

Vụ hè thu - mùa năm nay, huyện Anh Sơn gieo cấy được 2700 ha lúa với cơ cấu các loại giống ngắn ngày như TH35, Thiên nguyên ưu 16, VTNA2, thiên ưu 8... Hiện diện tích lúa hè thu đang ở giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng, lúa mùa đang đẻ nhánh. Tuy vậy, các loại sâu bệnh như sau cuốn lá lứa 5, rầy nâu… đã và đang phát sinh gây hại, đòi hỏi các biện pháp phòng trừ tích cực.

Hiện đang là thời điểm lúa hè thu bước vào giai đoạn cuối đẻ nhánh, làm đòng. Theo tổng hợp của trạm trồng trọt và BVTV huyện Anh Sơn, sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 đang gây hại, với mật độ phổ biến từ 1-3 con/m2, nơi cao 8-12 con/m2, tập trung ở các xã như Hội Sơn, Đức Sơn, Lạng Sơn… Các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại cục bộ tại một số diện tích của xã Đức Sơn. Toàn huyện hiện có 463/2700 ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ.
 

Sâu cuốn lá lứa 5 gây hại trên lúa


Ông Nguyễn Xuân Vân – trạm trưởng trạm trồng trọt và BVTV huyện Anh Sơn cho biết: Nhiều đối tượng gây hại cho lúa hè thu đã xuất hiện ở Anh Sơn. Thời gian qua, các địa phương ở Anh Sơn đã tổ chức phun trừ trên các trà lúa có mật độ sâu cao. Tuy nhiên, theo dự báo, trong những ngày tới sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 sẽ  tiếp tục gây hại trên trà lúa mùa thời kỳ đẻ nhánh - đẻ rộ và trên trà lúa hè thu giai đoạn đứng cái - làm đòng, làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và năng suất lúa. Rầy nâu, rầy lưng trắng sẽ tiếp tục tích lũy số lượng và gây hại với mật độ cao hơn  trên lúa hè thu - mùa. Đặc biệt, thời gian tới cây lúa sẽ chuyển sang thời kỳ đứng cái - làm đòng, là điều kiện ưa thích cho chuột phát sinh gây hại, một số diện tích có thể bị chuột phá hại nặng ảnh hưởng đến năng suất.
 

Rầy nâu xuất hiện cục bộ tại xã Đức Sơn


Để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh trên cây lúa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh, ngành nông nghiệp huyện Anh Sơn đã có nhiều giải pháp, trong đó chỉ đạo cho các địa phương hướng dẫn nông dân phòng trừ trên những diện tích có mật độ sâu non từ 50 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ đẻ nhánh và 30 con/m2 trở lên đối với lúa ở thời kỳ làm đòng trở đi bằng các loại thuốc đặc hiệu như Ammate 150SC, 30WDG, Prevathon 5SC, Clever 150SC, Takumi 20WG, Virtako 40WG,... theo liều lượng khuyến cáo.
 

Cán bộ trạm trồng trọt và BVTV huyện Anh sơn thường xuyên bám đồng, kiểm tra tình hình sâu bệnh


Đối với các đối tượng rầy nâu, rầy lưng trắng, khi phát hiện có mật độ rầy cao từ 1.000 con/m2 trở lên, cần hướng dẫn bà con sử dụng các loại thuốc có tác dụng nội hấp như Chess 50WG, Oshin 20WP, Elsin 10 EC, Dantosu 16WSG,... để phun trừ. Khi phun thuốc cần chú ý đảm bảo lượng nước thuốc theo khuyến cáo và phun ướt đều toàn bộ thân, lá lúa.

Tác giả bài viết: Hoài Chung