Đền Hồng Sơn – một điểm tham quan tại Thành phố Vinh
- 14:07 04-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Quang cảnh Đền Hồng Sơn
Theo sách xưa ghi lại, ban đầu Đền thờ vị tướng võ là Quan Vân Trường nên có tên là miếu Quan công hay là Võ Miếu, cũng có lúc đền được gọi là đền Nhà Ông. Sau này, vì Đền Nhà Ông thuộc phường Hồng Sơn có tên là đền Hồng Sơn.
Đền Hồng Sơn có nét kiến trúc cổ kính nhưng không kém phần tráng lệ với 19 công trình gồm cả bảo tồn và xây dựng mới. Trong đó, tam quan, tạc môn, tháp, gác trống, gác chiêng và các tòa trung điện, thượng điện đã có từ thời Nguyễn. Còn những phần như: hạ điện, các lối hữu vu, tả vu, tả hiền, hữu hiền, sân giữa, bờ tường bao quanh mới được xây dựng sau này. Cách bố trí các công trình kiến trúc ở đây tuân thủ theo sự đăng đối từng cặp một và được nâng dần lên từ ngoài vào trong. Tòa nhà cao nhất là thượng điện, tạo cho đền một quần thể kiến trúc vững chãi, thâm nghiêm.
Bàn thờ các vị trong Đền
Hạ điện rộng 274m2, tuy mới được trùng tu năm 1998 nhưng nó đã lấy lại được phong cách kiến trúc của thời xưa. Trong đó, đặt các hương án bày khám thờ sơn son thiếp vàng, đính các câu đối, các bức đại tự cùng trống, chiêng, gươm, giáo bằng gỗ, là nơi thờ vọng chào rước các vị thành thần đi vào trung và thượng điện. Hạ điện cũng dành khoảng không gian cho việc hành lễ, tế lễ trong những ngày lễ trọng.
Trung điện rộng 65m2, là nơi tập trung những đặc sắc nghệ thuật về kiến trúc, các rường bẫy uốn cong có xoi lồng những búp sen cùng chim, cá sống động. Các giao điểm giữa cột và xà bẫy có chạm trổ tứ linh xen với các cành lá, hoa trái trông khá hài hòa. Đồ thờ và các bức câu đối đại tự cũng được chọn lọc, trần thiết trưng bày kỹ lưỡng hơn.
Thượng điện rộng102m2, mái cao xếp 4 tầng, các góc đều uốn cong và đắp những rồng, phượng. Ở đây, trên cao đặt tượng Ngọc hoàng Thượng Đế, kế đến là tượng và bài vị các tướng Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Dã Tượng, Trần Quốc Toản… Hiện nay tại đền Hồng Sơn, bên trong các miếu điện là công trình kiến trúc cổ kính, mỹ lệ, còn lưu giữ được 383 hiện vật với chất liệu quý gồm nhiều loại hình phong phú, có giá trị nghệ thuật cao, là nơi hội tụ những văn hóa tế khí hiếm có ở tỉnh Nghệ An.
Tại ngôi Đền này mỗi năm có 3 kỳ lễ lớn gồm: Giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), Giỗ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (20/8 âm lịch) và Giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh (03/3 âm lịch)… Cùng với Thành cổ Vinh, Lâm viên núi Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh, nếu có dịp ghé qua Nghệ An, du khách hãy một lần đến Đền Hồng Sơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc cổ kính, một trong những quần thể di tích danh thắng của TP Vinh.
Tác giả bài viết: Nguyên Bình