7 đặc sản nổi tiếng miền Tây làm quà cực hay
- 10:35 03-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
1. Mắm cá
Mắm cá rất dễ tìm thấy ở miền Tây nhưng ở Châu Đốc (An Giang) là nổi tiếng nhất. Chúng có vị hơi ngọt, bên trong thì mặn nên không chỉ chuẩn khẩu vị của người miền Tây mà dân ở vùng khác ăn cũng dễ hơn. Chỉ cần một chén cơm trắng còn bốc khói nóng hổi ăn kèm với mắm là đủ. Món này được bán nhiều nhất ở chợ Châu Đốc và chân núi Sam.
Mắm cá thì ở đâu tại miền Tây cũng có nhưng ngon nhất là Châu Đốc (Ảnh: Internet)
2. Quả mây gai
Tiếp tục là một đặc sản của An Giang, quả này có xuất xứ ở Thái Lan rồi du nhập về đây sau đó trở thành món ăn được dân bản xứ ưa thích. Nhìn bề ngoài có thể thấy quả này sù sì gai nhỏ nhưng lại rất dễ bóc vỏ, khi ăn thì thấy rõ vị chua ngọt và mùi thơm. Nếu bạn ở xa thì tốt nhất là nên mua những quả còn sống sẽ để được lâu hơn, vì quả đã chín rồi phải ăn ngay chứ không để được lâu.
Vẻ ngoài sần sùi nhưng khi bóc ra lại rất hấp dẫn, khi ăn quả này cò múi giống mùi mít (Ảnh: Internet)
3. Kẹo dừa
Bến Tre nổi tiếng khắp nơi là xứ dừa nên đến nếu bạn có dịp đến Bến Tre mua kẹo dừa là tốt nhất. Mặc dù ở đâu trong tỉnh Bến Tre cũng có thể tìm thấy loại kẹo đặc sản này nhưng ngon nhất vẫn là kẹo ở Mỏ Cày. Kẹo dừa khi ăn hơi dính răng nhưng lại ngòn ngọt với mùi dừa và thoang thoảng mùi sữa, càng ăn kẹo càng mềm nên trẻ nhỏ cũng dễ ăn được.
Kẹo dừa có mùi thơm rất đặc biệt càng ăn càng thích (Ảnh: Internet)
4. Sầu riêng
Mặc dù không phải ai cũng có thể ưng được mùi vị sầu riêng nhưng chắc chắn ai đã chịu được rồi thì cứ nhắc tới là họ sẽ nghĩ ngay đến vị bùi béo cùng mùi thơm đặc trưng vô cùng quyến rũ của nó. Sầu riêng miền Tây được trồng nhiều nhất ở Tiền Giang nhưng đúng mùa thì bất kỳ ở tỉnh thành nào bạn cũng có thể dễ dàng tìm thấy do người miền Tây cực chuộng món này. Lưu ý là có nhiều phương tiện di chuyển không cho mang sầu riêng lên nên bạn hãy tìm hiểu kỹ trước khi quyết định mua nhé!
Sầu riêng khá kén người ăn nhưng ăn được rồi sẽ ghiền (Ảnh: Internet)
5. Bánh pía
Bánh pía là đặc sản số 1 tại Sóc Trăng. Sự hấp dẫn từ những lớp vỏ chồng vào nhau cầu kỳ đến phần nhân đậu xanh hoặc khoai môn cùng sầu riêng và trứng muối thơm lừng, bùi béo đã khiến cho bất kỳ người miền Tây nào khi đã mê món này cũng sẽ nhớ hoài không thôi. Bánh pía Sóc Trăng thơm ngon đến mức có nhiều hãng sản xuất và đóng gói công nghiệp nhưng chỉ cần mở lớp giấy bao ngoài cùng thì hương thơm đặc trưng của bánh pía cũng khiến nhiều người thèm thuồng.
Bánh pía là món truyền thống, khi ăn mềm mại và rất ngon (Ảnh: Internet)
6. Bánh tráng sữa
Món này cũng được bắt nguồn từ Bến Tre nhưng nhanh chóng trở thành thức ăn vặt từng một thời mà bất kỳ ai đi lại trong các vùng miền Tây cũng muốn mua về cho gia đình đặc biệt là trẻ nhỏ. Được làm từ những nguyên liệu thơm béo như đường, bột gạo, bột sắn, mè, đậu xanh, lá dứa, sầu riêng với tỉ lệ nhất định... cùng cách đổ bánh khéo léo nhanh nhẹn mà người dân miền Tây đã tạo ra món bánh tráng mềm mại, thơm lừng một mùi giống sữa nhưng lại không phải là sữa vô cùng đặc biệt mà càng ăn càng thấy ngon.
Bánh tráng sữa dai dai mềm mềm ăn xong mùi sữa vẫn còn thoang thoảng (Ảnh: Internet)
7. Nem
Cùng với bánh tráng sữa hay bánh pía, nem là một món đặc sản nổi tiếng được ưa chuộng khắp nơi kể từ xa xưa. Còn nhớ ngày xưa khi phà là phương tiện di chuyển quan trọng thì bất kỳ ai đi qua các bến phà cũng muốn mua bánh tráng sữa và nem về nhà. Nhưng ngon nhất và nổi tiếng nhất chắc chắn là nem Lai Vung (Đồng Tháp). Khi ăn vào nem vừa chua chua, ngòn ngọt, cay cay vừa còn những thớ bì rất ngon miệng.
Nem Lai Vung có màu đỏ hấp dẫn (Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)
Tác giả bài viết: Ba Mốt