Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


4 thói quen "máu thịt" giúp Jeff Bezos - tỷ phú giàu thứ ba thế giới - thành công

Jeff Bezos - “ông trùm” Amazon là một trong những tượng đài thành công trong lĩnh vực công nghệ. Cùng với gia tài khổng lồ ước tính lên tới 57 tỷ USD, ông nổi tiếng là một kẻ lập dị và quyết đoán.

Không chỉ là “ông trùm” lĩnh vực bán hàng trực tuyến, Jeff Bezos còn là một kẻ liều lĩnh, người "bán giấc mơ" vĩ đại nhất trong ngành thương mại điện tử.

Tháng 9/2000, Jeff chi tiền “khủng” cho giấc mơ khám phá vũ trụ khi bí mật thành lập Blue Origin - một công ty chuyên nghiên cứu công nghệ du hành không gian. Blue Orgin trở thành một trong những công ty thương mại đầu tiên phóng thành công tên lửa có thể tái sử dụng.

Không dừng lại ở đó, tháng 8/2013, Jeff Bezos mua lại The Washington Post với giá 250 triệu USD, với mục đích biến tờ báo thành một sản phẩm của Amazon. Rõ ràng, tham vọng của Jeff Bezos không chỉ dừng lại ở thương mại điện tử hay hàng không vũ trụ.

Cùng tài trí quyết đoán, Jeff biến The Washington Post lột xác và tăng trưởng ngoạn mục, vượt qua tờ Thời báo New York Times về lượng truy cập website hồi tháng 10/2015. Thậm chí, một cựu giám đốc điều hành đã mô tả sự xuất hiện của CEO Amazon tại Washington Post “giống như việc một đội bóng rổ bỗng có được sự tham gia của siêu sao Michael Jordan”.

 


Để thành công như ngày hôm nay, Jeff Bezos đã có một quá trình nỗ lực không mệt mỏi. Đồng thời, ông không bao giờ từ bỏ 4 thói quen “máu thịt” – theo Entrepreneur.

Táo bạo và trung thành với ý tưởng tiềm năng

Bezos là một chuyên gia dữ liệu ưa mạo hiểm. Đây là sự kết hợp tuyệt vời để đưa ra những quyết định. Năm 1994, ông trùm Amazon từ bỏ vị trí Phó chủ tịch cấp cao của D.E. Shaw & Co - một quỹ đầu tư khá thành công thời điểm đó - để tham gia “canh bạc” thương mại điện tử và sách.

Sau khi lướt wed để tìm kiếm các liên doanh mới cho D.E. Shaw & Co đầu tư, ông vô tình phát hiện ra tầm quan trọng của Internet. Tìm hiểu những thông tin thống kê trên World Wide Web, Jeff ngạc nhiên khi biết, số người sử dụng mạng tăng chóng mặt, tới mức 2300%/tháng. Không bỏ lỡ cơ hội, ông lóe ra ý tưởng bán hàng trực tuyến và soạn ra danh sách 20 sản phẩm sách “hot” nhất trên Internet, bao gồm cả đĩa CD và phần mềm.

Thời điểm đó, công việc thuận lợi đến mức, tốc độ tăng trưởng doanh số bán hàng tăng nhanh hơn nguồn cung cấp sách. Thậm chí, Bezos đã phải mua sách từ Barnes & Noble - trung tâm phát hành sách lớn nhất thế giới - để theo kịp các đơn đặt hàng.

Đầu tư dài hạn

Trung thành đầu tư ở Blue Origin 16 năm - trước khi đối thủ Elon Musk tạo ra "con quái vật" SpaceX, Bezos từng chi khủng 500 triệu USD mỗi năm cho “giấc mơ khám phá vũ trụ” này. Tháng 6 vừa qua, Blue Origin đã phóng thử nghiệm thành công tàu không gian New Shepard với tên lửa đẩy có thể tái sử dụng. Theo công ty, đây là thời điểm thích hợp để lên kế hoạch chốt danh sách khách hàng muốn khám phá quỹ đạo trái đất.

“Chúng tôi nghĩ, sẽ bắt đầu đưa hành khách bay vào năm 2017," Rob Meyerson, chủ tịch Blue Origin cho hay. “Trước tiên, các kỹ sư sẽ kiểm tra kỹ càng. Sau đó, chúng tôi sẽ bán vé. Tôi tưởng tượng Jeff và tôi sẽ khám phá quỹ đạo vào năm 2018”.

Tạo ra những quy tắc riêng

Bezos không bao giờ làm PowerPoint. Thay vào đó, ông có cách tiếp cận độc đáo hơn để nảy sinh ý tưởng sáng tạo trong cuộc họp và khuyến khích nhân viên trình bày chúng.

Theo Business Insider, Bezos thường yêu cầu nhân viên viết một câu chuyện khoảng 4-6 trang trước cuộc họp và phát cho tất cả những người có mặt đọc trong 20 phút đầu tiên. Sau đó, bất cứ ai cũng có quyền đưa ra các câu hỏi.

Với phương pháp độc đáo này, Bezos tin, các nhân viên buộc phải xem xét cẩn thận các ý tưởng trước khi đưa cho ông - điều mà một bài thuyết trình PowerPoint không thể đạt được.

“PowerPoint, dù thuyết trình thế nào đi nữa, cũng có thể che đậy, làm lu mờ tầm quan trọng và mất sự liên kết của các ý tưởng đó”, ông viết trong một bản ghi nhớ vào năm 2004 để giải thích lý do “tẩy chay” PowerPoint tại Amazon.

Lúc đầu, chủ tịch của Blue Origin, ngài Meyerson cũng miễn cưỡng tham gia vào quyết định này. Tuy nhiên, từ những kết quả có được, ông thừa nhận đó là một sự “chuyển đổi hoàn hảo”.

Chấp nhận rủi ro để phát triển

“Có chuyện gì nguy hiểm mà không phải để phát triển” - Jeff Bezos từng quả quyết trong một cuộc phỏng vấn. Câu thần chú này ông luôn tâm niệm trong đầu, ngay cả khi quyết định mua lại The Washington Post vào năm 2013. Mặc dù khi đó, tờ báo đang gặp khó khăn về tình hình kinh doanh cũng như lượng độc giả sụt giảm nghiêm trọng.

Chấp nhận rủi ro, đây là điều mà Zeff Bezos đã làm khi đứng trước những cơ hội lớn. Bezos phát hiện ra, các trang web có lượt truy cập khổng lồ thông qua cách tổng hợp lại các bài báo từ nhiều nguồn. Nhờ đó, Jeff biến The Washington Post lột xác và tăng trưởng ngoạn mục, vượt qua tờ Thời báo New York Times về lượng truy cập website hồi tháng 10/2015.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nguyễn