Nghệ An: Bác sĩ, y sĩ, nhân viên… bãi công vì bệnh viện nợ lương 8 tháng
- 07:42 02-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hai ngày qua, gần 200 người lao động chủ yếu là bác sĩ, y sĩ, nhân viên… ở bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn ở đường Lý Thường Kiệt, TP Vinh (Nghệ An) đã tiến hành ngừng làm việc tập thể để phản đối việc lãnh đạo bệnh viện này bị nợ lương từ tám tháng nay.
Người lao động bãi công đòi lương.
Trong sáng ngày 1/8, gần cả trăm người lao động bao gồm y bác sỹ, các nhân viên phục vụ vẫn tập trung trong khuôn viên của bệnh viện để tiếp tục phản đối ban lãnh đạo của bệnh viện này chưa trả lương cho họ đã hơn 8 tháng qua. Khi phóng viên có mặt, không có lãnh đạo nào bệnh viện có mặt tại nơi làm việc, chỉ có vài nhân viên hành chính “xuất hiện”.
Khung cảnh bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn ngoại trừ nơi tập trung phản đối ở mặt trước, còn lại hoàn toàn vắng vẻ, các phòng chức năng đều được khóa lại, hoàn toàn không có hoạt động khám hay chữa bệnh nào được diễn ra. Các phòng nơi người bệnh lưu trú hoàn toàn trống trơn.
Cán bộ y bác sĩ, điều dưỡng, công nhân viên BVĐK Thành An - Sài Gòn đình công đòi trả lương.
Gần trưa, vẫn có khoảng 30 người lao động vẫn tiếp tục nán lại trong sân chờ bệnh viện để gặp ban lãnh đạo, trước đó vào đầu giờ sáng, số người tụ tập đông hơn gấp 2,3 lần. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng cộng với sau nhiều giờ chờ đợi không gặp được những người có chức trách của bệnh viện, một số người lao động đã bỏ ra ngoài.
Một y tá đang kiên nhẫn ngồi đợi, phản ánh: “Chúng tôi muốn chờ để gặp xem ban giám đốc phản hồi lại yêu cầu trả lương cho nhân viên như thế nào. Chúng tôi đã chờ 8 tháng rồi. Ai cũng chỉ có nguyện vọng là được trả lương để duy trì cuộc sống. Gần 200 con người ai cũng bị nợ cả…”.
Một kỹ thuật viên nói tiếp: “Bệnh viện nói là do tình hình khó khăn nên không có tiền trả, bao giờ họ cũng nói vậy. Cứ hứa hết lần này sang lần khác, nhiều lắm rồi. Hôm thứ 7 tuần vừa rồi, ban giám đốc có gặp để tiếp tục yêu cầu nhân viên đi làm, vì trước đó họ hứa tháng 7 này là sẽ trả lương, nhưng gặp thì họ không trả lương mà lại hẹn đến 20/8 sẽ trả. Chúng tôi không muốn bị họ lừa nữa nên ngừng làm việc tập thể”.
Chúng tôi hỏi: Thế công đoàn của bệnh viện hiện đang ở đâu và đã làm gì để bảo vệ quyền lợi người lao động? Đa số người có mặt đều cho rằng công đoàn của đơn vị này thực chất không hề tồn tại. Không đứng ra bảo vệ và cũng không thông báo cho liên đoàn lao động các cấp.
Ngoài việc nợ lượng nhân viên trong 1 thời gian dài, bỏ mặc việc duy trì cuộc sống cho người lao động tự lo. Thì ban lãnh đạo bệnh viện Thành An - Sài Gòn mà trực tiếp là giám đốc Nguyễn Đình Khang còn bị các nhân viên mới vào phản ánh là thu số tiền nhận việc nhưng không trả theo hợp đồng sòng phẳng.
Để vào làm điều dưỡng tại BVĐK Thành An - Sài Gòn, chị Trang đã phải đặt cọc 70 triệu đồng.
Ông Lâm và chị Trang có mặt tại BVĐK Thành An - Sài Gòn để đòi lương hơn 8 tháng mà phía bệnh viện vẫn chưa chịu chi trả.
Theo phản ánh của các nhân viên mới vào, có người bệnh viện thu 50 triệu, 70 triệu, thậm chí để có việc làm, có nhân viên phải nộp 100 triệu đồng. Và số nhân viên này, nhận vào thời điểm năm 2015, có số lượng nhận vào rất ồ ạt, theo thống kê chưa đầy đủ thì gần 100 người.
Y sỹ Phan Trọng Toàn, làm việc tại khoa Đông y, sau khi nộp 100 triệu đồng đã được nhận vào làm việc từ đầu tháng 5/2015. Theo hợp đồng thỏa thuận, tiền lương Toàn được nhận 1,7 triệu đồng/tháng, tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, và mỗi tháng bệnh viện phải trả lãi cho nhân viên 1% trên số tiền 100 triệu đã nộp, khoảng 1 triệu đồng. Theo cách tính này, mỗi tháng y sỹ Toàn nhận tổng cộng 4,2 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa có tháng nào y sỹ trẻ này được nhận đầy đủ.
Vào làm việc từ đầu tháng 5, thì các tháng 5, sáu, 7, số tiền 1% Toàn được bệnh viện trả đúng hẹn, nhưng sau đó thì ngừng hẳn. Khoản tiền hỗ trợ 1,5 triệu đồng, thì bị bớt đi 500 ngàn vì phải học chương trình tiếng Trung do bệnh viện đặt hàng. Còn tiền lương 1,7 triệu đồng, theo Toàn, anh cũng không được nhận.
Toàn tính: “Ngoại trừ 3 tháng đầu được trả tiền 1%, thì tính ra mỗi tháng tôi chỉ nhận được từ bệnh viện Thành An - Sài Gòn đúng 1 triệu đồng. Với 26 ngày công/tháng thì tính ra mỗi ngày tôi nhận được suýt soát 40 ngàn đồng”. Vì tình cảnh quá khó khăn, y sỹ Phan Trọng Toàn hàng tháng đều phải nhận sự trợ giúp của gia đình.
Anh Phan Văn Sáu, quê xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An đang chờ xe đến đón để về lại quê khi mới vào bệnh viện này được máy ngày rồi bị "đuổi".
“Tôi học trường y học cổ truyền ra mong muốn được phục vụ trong ngành y lâu dài, nhưng giờ đây đã mất hi vọng ở ban lãnh đạo bệnh viện Thành An - Sài Gòn này. Giờ tôi muốn họ trả đầy đủ những tháng lương còn thiếu. Và cái quan trọng nhất là yêu cầu họ trả lại số tiền gần 100 triệu mà tôi đã nộp khi được nhận vào làm” - anh Toàn cho biết nguyện vọng của mình.
Đứng cạnh y sỹ trẻ là một nữ kỹ thuật viên đã có tuổi, xin giấu tên, cho biết: Cô đã nghỉ hưu và vào bệnh viện Thành An - Sài Gòn để làm thêm. Hiện đang làm ở khoa Nhiễm khuẩn, mức lương mà bệnh viện hứa trả là 3,2 triệu/tháng. Tuy nhiên cũng như những người khác, từ tám tháng nay, cô không nhận số tiền đáng lẽ được nhận.
BVĐK Thành An - Sài Gòn không hoạt động.
Tương tự, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang, trú tại huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh cũng “nạp” vào cho BVĐK Thành An - Sài Gòn 70 triệu đồng và bù lại chị chỉ nhận được mỗi tháng hơn 1,7 triệu đồng. Chị Trang nói: “Em nạp tiền đặt cọc từ 1/4/2015, đến nay mới chỉ nhận được 4 tháng, nhưng tháng đủ tháng thì thiếu. Còn lại vẫn chưa nhận được gì thêm. Bệnh viện đang nợ hơn 8 tháng lương của tôi nữa”.
Cùng đi với con từ Hà Tĩnh ra để gặp lãnh đạo bệnh viện này đòi tiền, ông Nguyễn Hữu Lâm (bố chị Trang) cho biết: “Để cháu nó (Trang - PV) được vào làm điều dưỡng ở BVĐK Thành An – Sài Gòn gia đình tôi phải vay ngân hàng 100 triệu. Trong đó, 70 triệu đồng đặt cọc cho bệnh viện, còn 30 triệu chúng tôi phải đưa “cò mồi”. Giờ đây bệnh viện không hoạt động nữa, đòi lại tiền lại càng khó hơn không biết sao nữa”.
Tại sảnh chờ của bệnh viện Thành An - Sài Gòn, chúng tôi bắt gặp gia đình bệnh nhân Phan Văn Sáu, quê xã Viên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, họ đang chờ xe đến đón để về lại quê.
Trong khi người lao động tại đây nghỉ việc, thì một số người dân vẫn không hề hay biết vào để khám bệnh... Nhưng khi được bảo bệnh viện đã chấm dứt, nghỉ khám chữa bệnh nên họ quay xe ra về.
Anh Phan Lệ Sáng, cháu của bệnh nhân Sáu cho biết: “Gia đình đưa ông Sáu vào khám và nhập viện từ hôm thứ 6 tuần vừa rồi vì bệnh tê liệt chân trái. Nhưng từ hôm chủ nhật đã không thấy có y bác sỹ nào đến thăm khám.
Chúng tôi được họ sắp xếp ở tầng 5, cũng không có nhân viên nào lên thông báo hay chỉ dẫn gì về việc bệnh viện ngừng hoạt động cả. Chúng tôi mãi mới biết được lý do. Chưa bao giờ thấy bệnh viện nào như bệnh viện này, giống cái chợ vậy, thích lúc nào hoạt động lúc đó. Nên sáng nay chúng tôi đưa ông về lại huyện Yên Thành để chữa trị”.
Khoảng 2 ngày nay, bệnh viện Thành An - Sài Gòn đã không còn nhận bệnh nhân vào thăm khám chữa trị. Tuy nhiên do nhiều người dân không biết thông tin trên nên vẫn đến và phải ngạc nhiên ra về.
Tại các quầy làm thủ tục ở sảnh đón tiếp của bệnh viện Thành An - Sài Gòn, chúng tôi ghi nhận tình trạng các bàn làm việc ngổn ngang, giấy tờ phương tiện bị bỏ vương vãi, thậm chí những con dấu vẫn nằm trên mặt bàn. Các phòng chức năng thì bị khóa lại, trên các ổ khóa, những mảnh giấy “niêm phong” được dán lên ghi thời gian và cả tên của Công ty TNHH Minh Khang là đơn vị đã đầu tư nên bệnh viện Thành An - Sài Gòn.
Chỉ còn vài nhân viên bảo vệ và một nhân viên hành chính có thể được gọi là vẫn đang làm việc, ban lãnh đạo của bệnh viện này hoàn toàn không ai biết cụ thể đang ở đâu.
Những người lao động tụ tập cũng ngơ ngác không biết đến bao giờ mới đòi lại được quyền lợi chính đáng của mình và được làm việc trong một môi trường lành mạnh. Số lượng người bị liên lụy lên đến hàng trăm, với hàng trăm câu chuyện cuộc sống phải tự lo, trách nhiệm của ban giám đốc bệnh viện đa khoa Thành An - Sài Gòn có thể khẳng định là không hề nhỏ.
BVĐK Thành An - Sài Gòn rất "hoành tráng" được dự lên ở một khu đất vàng gần như Trung tâm thành phố Vinh. Nhưng nay nó đang trở nên không có bệnh nhân, người lao động thì lao đao, lãnh đạo bệnh viện nợ lương.
Khu vực điều trị không một bóng người.
Bệnh viện lưa thưa vài ba người là lao động đến để đòi nợ lương.
Nơi đăng ký khám bệnh không một bóng người.
Quầy phát thuốc bảo hiểm cũng đã bị đóng cửa, niêm phong.
Một băng ca vận chuyển cấp cứu được vứt ở sảnh.
Một phòng máy hiện đại cũng đã được niêm phong.
Một phòng máy hiện đại cũng đã được niêm phong.
Các phòng liên quan đã được niêm phong chặt chẽ.
Các phòng liên quan đã được niêm phong chặt chẽ.
Các phòng chức năng thì bị khóa lại, trên các ổ khóa, những mảnh giấy “niêm phong” được dán lên ghi thời gian và cả tên của Công ty TNHH Minh Khang là đơn vị đã đầu tư nên bệnh viện Thành An - Sài Gòn.
Các phòng chức năng thì bị khóa lại, trên các ổ khóa, những mảnh giấy “niêm phong” được dán lên ghi thời gian và cả tên của Công ty TNHH Minh Khang là đơn vị đã đầu tư nên bệnh viện Thành An - Sài Gòn.
Một số ít người lao động đến ngồi chờ ở khu vực sảnh để đòi lương...
Phía ngoài cổng một nhóm người khác cũng đang chờ để đòi lương.
Không còn người điều trị, rác thải vứt bừa bãi ở sảnh...
Mới vào bệnh viện được vài ngày, nay nhiều bệnh nhân phải ra viện bắt đắc dĩ.
Anh Phan Lệ Sáng, cháu của bệnh nhân Sáu cho biết: “Gia đình đưa ông Sáu vào khám và nhập viện từ hôm thứ 6 tuần vừa rồi vì bệnh tê liệt chân trái. Nhưng từ hôm chủ nhật đã không thấy có y bác sỹ nào đến thăm khám".
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc.
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy - Danh Thắng