Người đầu tiên duyệt đánh giá tác động môi trường của Formosa lên tiếng
- 07:03 02-08-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trước những băn khoăn của dư luận trong thời gian gần đây, TS Nguyễn Khắc Kinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), người ký phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đầu tiên của dự án Formosa Hà Tĩnh - cho rằng cần phải làm rõ vấn đề điều chỉnh địa điểm xả thải của Formosa từ ra sông Quyền ra vịnh Sơn Dương xem có thỏa đáng hay không.
TS Nguyễn Khắc Kinh
- Gần đây có nhiều ý kiến cho rằng Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với dự án Formosa mà ông ký phê duyệt trên cương vị Vụ trưởng Vụ Thẩm định và Đánh giá tác động môi trường năm 2008 quá sơ sài, qua quýt?
- Người ta không hiểu nên cứ đem báo cáo ĐTM ngày xưa ra để bàn luận, mổ xẻ, đánh giá. Báo cáo ĐTM năm 2008 đã quá lạc hậu rồi vì đã bị thay thế từng phần hoặc toàn bộ rồi.
Năm 2008 tôi ký phê duyệt hai báo cáo ĐTM của Formosa: Một cái về sản xuất thép, một cái về xây dựng cảng Sơn Dương. Theo những thông tin tôi được biết, ngay sau khi tôi đã về hưu (cuối tháng 8/2008) thì nội dung của báo cáo ĐTM về sản xuất thép đã thay đổi khá nhiều rồi, trong đó có nội dung thay đổi được cơ quan thẩm quyền ra văn bản chấp thuận, có nội dung đã phải làm báo cáo ĐTM bổ sung và đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt; nội dung của Báo cáo ĐTM về cảng Sơn Dương còn thay đổi nhiều hơn nên đến năm 2013 đã làm lại báo cáo ĐTM khác để thay thế và đã được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Điều đó có nghĩa là báo cáo ĐTM và quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM về cảng Sơn Dương năm 2008 đã hết hiệu lực; còn báo cáo ĐTM năm 2008 về sản xuất thép đã không còn mấy tính thời sự nữa.
Nếu cứ khai thác, mổ xẻ cái đã hết hiệu lực hoặc đã quá lạc hậu, vừa làm mất thời gian của người đọc hoặc làm người đọc hiểu sai, vừa không giúp ích gì cho việc định hướng giải quyết những vần đề bức xúc trước mắt và vấn đề lâu dài có liên quan, thậm chí tôi thấy đã có biểu hiện định hướng chưa chuẩn xác từ các phía khác nhau.
- Ông đánh giá thế nào về việc ĐTM của một dự án lớn như Formosa lại thay đổi chóng mặt như vậy?
- Việc thay đổi, điều chỉnh ĐTM của các dự án nói chung, của Formosa nói riêng, là rất bình thường, bởi vì ĐTM thực ra là dự báo, đã dự báo thì làm sao có thể chính xác hoàn toàn. Như dự báo bão ấy, dù khá đầy đủ thông tin và các điều kiện cần thiết khác nhưng chỉ với thời hạn dự báo ngắn thôi (trước đây là 24, hiện tại là 48 giờ đồng hồ) mà kết quả còn phập phù, sai lệch như thế; trong khi dự báo tác động môi trường của một dự án có khi là 1 năm, là 3 năm, là 5 năm, là 10 năm, thậm chí hơn 10 năm; ví dụ của Formosa là từ năm 2008 tới giờ, vậy thì làm sao lại vẫn cứ giữ nguyên như trước được? Trên thế giới cũng thế thôi.
Việc nhiều người nói báo cáo ĐTM ban đầu của dự án sơ sài tôi cũng biết, nhưng ban đầu thông tin chỉ có ở mức sơ bộ (thông tin là một yếu tố vô cùng quan trọng trong dự báo, nó quyết định đến việc áp dụng phương pháp dự báo, quyết định đến mức độ chi tiết và độ tin cậy của dự báo) thì kết quả dự báo tác động cũng chỉ ở mức sơ bộ mà thôi. Sau này có thay đổi thì phải có cách ứng xử và giải quyết cho phù hợp và thỏa đáng chứ!
- ĐTM dự án Formosa đã được điều chỉnh nhiều lần để hoàn thiện hơn nhưng tại sao hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm trong xả thải vẫn diễn ra?
- Hậu quả là một điều khác, còn việc thực hiện đúng pháp luật hay không lại là chuyện khác. Phải xem xét thế này: Người cho điều chỉnh có xem xét một cách thỏa đáng, có đúng các quy trình và quy định; người thực hiện điều chỉnh có thực hiện đúng những gì mà cơ quan có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hay không? Việc cho phép thay đổi, làm ĐTM bổ sung hay làm lại ĐTM là theo quy định của pháp luật hiện hành chứ không ai tự “bịa” ra cả. Giờ cần phải bàn và xem xét như thế thì mới có thể tìm ra những vấn đề khác cần tìm.
Theo kinh nghiệm thế giới, việc xây dựng một dự án có nhiều bước khác nhau, từ đó ĐTM cũng có những bước khác nhau tương ứng; kết quả ĐTM của bước trước là một trong các căn cứ để triển khai tiếp bước sau, và cuối cùng là quyết định có đầu tư hay không đầu tư dự án. Có thế thôi.
Khi đã quyết định đầu tư dự án rồi thì báo cáo ĐTM trở thành tài liệu lịch sử và người ta sẽ phải có các công cụ khác thay thế (ví dụ, kế hoạch quản lý môi trường, kiểm toán môi trường …) để quản lý môi trường trong các giai đoạn triển khai dự án tiếp theo, đặc biệt là quản lý cơ sở sản xuất/kinh doanh/dịch vụ (sau giai đoạn dự án) chứ không ai người ta dùng cái báo cáo ĐTM (một tài liệu phản ảnh kết quả dự báo) để quản lý môi trường cho dự án và cơ sở nữa.
Tôi đã nói nhiều lần rồi, kể từ 20 năm về trước, rằng đến thời điểm như hiện tại sẽ rất có thể xảy ta tình trạng mọi người đều chấp hành pháp luật, mọi cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đều tuân thủ pháp luật, mọi chất thải đều được xử lý theo đúng quy định… nhưng môi trường ở một số nơi nào đó vẫn có thể vẫn cứ bị ô nhiễm, cứ bị suy thoái.
Lý do tại sao? Tại vì sức chịu tải của môi trường ở đó chỉ có hạn mà lại không biết trước, mà vẫn cứ tiếp tục cho các dự án vào thực hiện, đến khi nó bị quá tải thì ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường đương nhiên sẽ xảy ra thôi. Cái này đáng phải bàn hơn nhiều so với mấy chuyện trước mắt vừa qua.
Việc đánh giá, dự báo sức chịu tải của môi trường là rất khó, nhưng vẫn có cách để làm và nhất định phải làm cho bằng được. Báo chí và các chuyên gia nên tập trung xoáy vào vấn đề đó để mọi người cùng biết, cùng bàn và cùng hiến kế thì sẽ tốt biết bao. Bản thân tôi cũng đã nói nhiều rồi, nhưng chưa thấu, vì vậy, cần có nhiều tiếng nói hơn nữa.
Mới đây UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đưa vào hoạt động Trung tâm quan trắc tự động nối trực tiếp từ điểm xả thải của Formosa đến Trung tâm giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này. Ngoài ra, Tổng cục Môi trường cũng vừa triển khai lắp đặt các thiết bị hiện đại để kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường tại Formosa
- Thưa ông, hiện nay dư luận vẫn chưa rõ kết luận của cơ quan nhà nước xung quanh việc điều chỉnh cho Formosa xả thải từ sông ra biển là đúng sai thế nào, xử lý trách nhiệm ra sao? Điều này đòi hỏi Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm lên tiếng rõ ràng về chuyện này?
- Như tôi đã nói, việc điều chỉnh địa điểm xả thải là chuyện bình thường, đặc biệt xả thải từ sông ra biển cũng là chuyện bình thường. Lúc này người ta thấy xả thải ra sông là tốt nhưng sau đó thấy chỗ đó nó không phù hợp hoặc cảm thấy nó khó có thể chịu nổi tải như dự kiến ban đầu thì có thể hoặc buộc phải thải ra chỗ khác, chứ không nên cứng nhắc mà có khi còn gây hâu quả nghiêm trọng hơn nữa. Quan trọng là phải tính toán thải ra vị trí nào là phù hợp, là tốt nhất.
Thông thường, người ta tối kỵ thải ra những khu vực có tính nhạy cảm cao về môi trường. Ví dụ, nơi có các hệ sinh thái nhạy cảm bậc nhất đã được thừa nhận trên thế giới (hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái cỏ biển...), nơi sinh đẻ của các loài thủy sinh, nơi là sinh cảnh (habitat) của các loài động vật quý hiếm, có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng….
Tôi được biết nhiều tháng nay Bộ Tài nguyên và Môi trường rất đau đầu xung quanh chuyện cấp phép cho Formosa chuyển từ thải ra sông sang thải ra biển; Bộ cũng đang tiến hành xem xét, kiểm điểm nội bộ để xử lý các vấn đề liên quan, trong đó có vấn đề cán bộ, nhưng tôi không biết cụ thể ra sao; chắc là chưa rõ nên chưa công bố mà thôi.
Tôi chỉ có thể khẳng định rằng việc chuyển chỗ thải trong trường hợp này là vấn đề hệ trọng và phải được xem xét một cách bài bản, kỹ lưỡng.
- Theo ông, vị trí mà Formosa xả thải ra có nhạy cảm?
- Tôi không có thông tin nên không thể có ý kiến cụ thể; tuy nhiên, về nguyên tắc, việc thải ra biển thường tốt hơn thải ra sông vì sức chịu tải cũng như khả năng tự làm sạch của biển thường tốt hơn sông rất nhiều, nhưng chỉ có điều tối kỵ là thải ra những vị trí có nhiều yếu tố nhạy cảm như tôi đã nêu trên.
- Xin cảm ơn ông!
Tác giả bài viết: Thế Kha (thực hiện)