Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chủ tịch VFF xót tiền, VPF vẫn “máu” du học

Kế hoạch “du học” Đức của VPF không nhận được sự đồng thuận từ lãnh đạo VFF, cổ đông lớn nhất tại công ty này. Kinh phí dự trù cho chuyến đi Đức gói ghém, có thể tổ chức đủ cho… 3 giải bóng đá trẻ.
Theo công văn do VPF phát ra, hôm nay (29-7) là hạn chót để các đội bóng quyết định gật hay lắc với chuyến học tập kinh nghiệm tại Đức do VPF tổ chức vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, trước khi các đội bóng đưa ra quyết định, VPF đã không nhận được sự đồng thuận từ VFF- cổ đông lớn nhất tại công ty này. Thông tin của VietNamNet cho hay, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng đã không đồng ý với phương án tổ chức chuyến du học Đức của VPF, ngay khi VPF đưa ra phương án trên.
 

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng không đánh giá cao hiệu quả từ kế hoạch du học của VPF

Ông Dũng băn khoăn với kế hoạch du học châu Âu bởi tính hiệu quả khi áp dụng vào thực tế bóng đá Việt Nam. Trong khi đó, chi phí bỏ ra để tổ chức chuyến đi đến Đức (và một nước gần Đức) là quá lớn, không hợp lý trong thời điểm này. Không chỉ Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng mà các thành viên khác của Thường trực VFF cũng hoài nghi về tính hiệu quả khi VFF quyết định “đầu tư” một con số kinh phí lớn để tổ chức chuyến du học.

Theo tính toán của VPF, thành phần đoàn du học tại Đức là khoảng 30 người, bao gồm 6 lãnh đạo VFF và VPF, 24 người còn lại là Chủ tịch hoặc Giám đốc điều hành các CLB bóng đá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thực tế của 2 chuyến du học Nhật Bản, Hàn Quốc, quy mô đoàn thường lên tới trên 40 người bởi còn có bộ phận “ăn theo” đoàn, bao gồm phiên dịch và kênh truyền thông là đối tác “ruột” của VPF. Năm ngoái, VPF chi tiền cho cả công ty truyền thông hiện đang phụ trách mảng truyền thông trên internet cho đơn vị này.
 

Lãnh đạo VPF trong chuyến du học Hàn Quốc năm ngoái

Với lực lượng đông đảo như trên, một khi thực hiện chuyến đi sang Đức tham quan và học tập sẽ gây tốn kém khoảng hơn 4 tỷ đồng. Con số này thật sự là đáng phải cân nhắc, bởi nó ngốn gần ½ số tiền tài trợ mà VPF có thể kiếm được từ tài trợ giải hạng Nhất quốc gia. Trong khi đó, đối với VFF trong cảnh thóc cao, gạo kém lúc này, số tiền trên nếu gói ghém, tiết kiệm đủ sức tổ chức được 3 giải trẻ toàn quốc.

Theo khảo sát sơ bộ, các CLB ủng hộ ý tưởng tham quan, học tập các nền bóng đá tiên tiến do VPF tổ chức. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, VPF không nên dùng phương án khấu trừ tiền hỗ trợ do CLB đạt được nhờ thứ hạng vào cuối mùa. Ông Nguyễn Trọng Hoài, Giám đốc điều hành CLB FLC.Thanh Hóa, cho rằng VPF nên kiếm từ nguồn khác chứ hỗ trợ cho CLB thực chất là thành quả từ nỗ lực, phấn đấu trong cả mùa giải của tập thể đội bóng.

Tác giả bài viết: Khắc Hoàng