Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thầy giáo tố thêm “chiêu” bắt học trò đi học thêm ở các trường phổ thông

Để “hợp pháp hóa” việc tổ chức dạy thêm, học thêm không đúng quy định, một số trường học thuộc bậc học Phổ thông đã sử dụng những chiêu bài rất sáng tạo.
LTS: Tiếp tục bàn luận về vấn đề dạy thêm, học thêm ở các trường, thầy giáo Trần Đăng Anh đã gửi đến tòa soạn bài viết đi sâu phân tích các chiêu bài các cấp học đang sử dụng để quyết tâm “làm lấy đủ, làm lấy được” nhằm thu tiền dạy thêm của học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!


Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm đã quy định rất rõ ràng về nguyên tắc dạy thêm, học thêm (Điều 3) và các trường hợp không được dạy thêm (Điều 4).

Căn cứ vào Thông tư này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành văn bản quy định chi tiết về dạy thêm, học thêm trên địa bàn quản lý.

Trong đó nhiều tỉnh đã quy định rất rõ ràng, cụ thể như: không được tổ chức dạy thêm vào ngày lễ, ngày nghỉ theo quy định của Nhà nước; không tổ chức dạy thêm các môn văn hóa vào dịp nghỉ hè; việc phụ đạo cho học sinh yếu kém, bồi  dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu thuộc trách nhiệm của nhà trường, không thu tiền của học sinh.

Cấp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông không được tổ chức dạy thêm, học thêm quá 3 buổi/tuần; không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh Tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống; ...

Quy định là vậy nhưng nhiều trường đã “lách luật” hoặc “lờ quy định” để tổ chức dạy thêm, học thêm với những “chiêu bài” rất hiệu nghiệm để “tránh” và “né” các cơ quan quản lý giáo dục các cấp.

Sau đây là những chiêu bài thường thấy ở các cấp học:

Với các trường Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông

- Trong một tuần dạy thêm 3 buổi đối với tất cả học sinh (đúng quy định, được thu tiền), dạy thêm 3 buổi nữa để bồi dưỡng học sinh giỏi (đây là việc nhà trường phải làm, không phải là dạy thêm, học thêm và không được thu tiền, nhưng trường vẫn thu tiền sai quy định).

Tất nhiên, hồ sơ dạy thêm, học thêm thì chỉ làm 3 buổi đối với tất cả học sinh (thường gọi là dạy thêm đại trà) cho hợp lý.

Đứa cháu tôi học tại một trường Trung học Cơ sở kể rằng, cháu đi học thêm 6 buổi trên tuần, 3 buổi học thêm cùng các bạn cả lớp với 3 môn Toán, Văn, Anh; 3 buổi học bồi dưỡng học sinh giỏi (cháu tham gia 2 môn Văn và Anh) cùng các bạn trong đội dự tuyển.

Tôi hỏi cháu là nhà trường có thu tiền 3 buổi học bồi dưỡng học sinh giỏi không, thì cháu đáp rằng thu tiền đủ cả 6 buổi.

- Thành lập các Câu lạc bộ môn học nhưng thực ra là dạy thêm các kiến thức nâng cao một vài môn học nào đó, thường là các môn Văn, Toán, Lý, Hóa, Anh và đối tượng học thêm là những học sinh khá, giỏi nhưng không nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường.

Có trường còn lập riêng một lớp học thêm, gọi là “lớp học tự nguyện” (học vào chiều thứ bảy hoặc ngày chủ nhật) nội dung là học nâng cao 3 môn Toán, Văn, Anh do phụ huynh phối hợp với nhà trường mở.

- Hướng dẫn học sinh năng khiếu tham gia các cuộc thi (thực chất là dạy thêm vì có thu tiền). Việc này giống như việc bồi dưỡng học sinh giỏi ở ở cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông nên theo quy định thì  sẽ không được thu tiền học sinh nhưng các trường vẫn thu tiền dưới hình thức đóng góp hoặc nhận hỗ trợ, tài trợ của phụ huynh học sinh theo kiểu “nhà trường và phụ huynh cùng làm”.

 
77
Một lớp dạy thêm tại nhà của giáo viên (Ảnh nguồn: thanhnien.vn).

- Hướng dẫn sinh hoạt Câu lạc bộ môn học vào ngày nghỉ (thứ bảy, chủ nhật), vì học sinh đã học 2 buổi trên ngày nên không thể bố trí vào ngày làm việc theo quy định.

Các môn chủ yếu mà học sinh được các thầy cô giáo “hướng dẫn sinh hoạt” là Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh có kèm theo chút “gia vị” là  một vài tiết  Âm nhạc, Mĩ thuật hoặc Thể dục (thể thao, võ thuật). Đây thực chất là “chiêu” biến tướng nhằm “hợp pháp hóa” việc dạy thêm, học thêm sai quy định ở các trường đã dạy 2 buổi trên ngày.

Có anh bạn đồng nghiệp dạy ở một trường Tiểu học có tiếng ở một tỉnh miền núi có trao đổi với tôi rằng, muốn có chất lượng thì phải dạy thêm, học thêm, không làm được cách này thì ta làm cách khác.

Anh bảo rằng ở trường anh dạy đã thành lập các câu lạc bộ môn học để dạy kiến thức nâng cao cho học sinh có nhu cầu, đây thực chất là dạy thêm, học thêm vì có dạy, có học và có thu tiền học sinh.

 Anh còn trách tôi sao không tham mưu cho Ban giám hiệu nhà trường tôi dạy để áp dụng cái cách, mà theo anh, là “linh hoạt” và “vẹn cả đôi đường vì vừa nâng cao được chất lượng, vừa có thêm thu nhập” này.

- Dạy thêm, học thêm hè dưới vỏ bọc là các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống, nhưng thực tế vẫn là dạy thêm, học thêm các môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh là chủ yếu.

Mặc dù trong hồ sơ dạy thêm, học thêm là nội dung về nghệ thuật hoặc thể dục thể thao hoặc kĩ năng sống (nhiều khi các nội dung này chỉ được thể hiện trên giấy trong kế hoạch, giáo án và thời khóa biểu hoặc có được dạy thì cũng không đáng kể, trừ khi để đối phó với đoàn kiểm tra).

Ngoài ra,việc dạy thêm, học thêm ở một số trường Phổ thông còn có những “chiêu” khá bi hài như: Nhà trường rất “tận tình, chu đáo” giúp phụ huynh, học sinh làm đơn xin học thêm, in ấn và phát đến từng học sinh về cho bố mẹ điền tên và ký.

Có trường còn muốn đơn phải viết tay cho nó có tính “khách quan” nên nhà trường đã cho mẫu đơn và yêu cầu học sinh về bảo bố mẹ chép lại và nộp cho nhà trường (có lần, đứa con trai của tôi, học tại một trường Trung học Cơ sở, viết sẵn đơn xin học thêm đưa để bố ký, tôi bực quá hỏi cháu rằng ai bảo con làm như vậy thì cháu đáp là cô giáo đọc cho cả lớp chép rồi bảo mang về nhà cho bố mẹ ký).

Nội dung quan trọng nhất trong đơn xin học thêm là gia đình cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định của nhà trường, mặc dù có quy định không đúng quy định, như thu tiền học bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém chẳng hạn.

Nhiều trường tuy dạy thêm không đủ buổi theo kế hoạch nhưng vẫn thu đủ tiền theo kiểu “trọn gói”. Có trường, có những buổi chiều là học bù cho buổi học chính khóa buổi sáng nghỉ nhưng vẫn tính là buổi học thêm (vì nhiều phụ huynh hiểu cứ học buổi chiều là học thêm).

Có trường lại thực hiện “chiêu hai trong một” để bù cho đủ số buổi dạy thêm còn thiếu, tức là cộng thêm thời gian mỗi buổi học khoảng trên dưới 1 giờ đồng hồ nữa, rồi tính thành 2 buổi học thêm (mặc dù nhiều tỉnh có quy định mỗi buổi dạy thêm, học thêm không được quá 3 tiết).

Lại có trường (vì nhiều lí do khác nhau) thiếu nhiều buổi dạy thêm, học thêm quá so với kế hoạch mà tiền thì thu đủ “một cục” của học sinh rồi (lại không muốn trả lại cho học sinh) nên cuối tháng 5, sau khi học sinh đã hoàn thành các kiểm tra cuối năm học, vẫn “cấp tập” tổ chức dạy thêm bù cho đủ buổi. “Chiêu” này thì đúng là rất lạ, quyết tâm “làm lấy đủ, làm lấy được”!

Tóm lại là, nhiều trường tổ chức dạy thêm, học thêm đã vận dụng rất hiệu quả chiêu thức chung “hồn Trương Ba, da hàng thịt” nên nhiều khi các cơ quan chức năng cũng “khó” xử lý.

Không ít trường hợp, các trường vi phạm chỉ bị Đoàn kiểm tra và cơ quan quản lý cấp trên nhắc nhở là cần phải “kiểm điểm nghiêm túc” và “rút kinh nghiệm sâu sắc”, rồi năm học sau thì “đến hẹn lại lên”.

Cần làm tốt công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm vi phạm

Để giải quyết hiệu quả “vấn nạn” này, theo tôi cũng không phải là quá khó khăn nếu như chính quyền các cấp và ngành Giáo dục thực hiện một số biện pháp sau:

Thứ nhất là, các cấp chính quyền và ngành Giáo dục cần vào cuộc bằng sự quyết tâm, quyết liệt, đã làm phải làm thường xuyên, triệt để, đến nơi đến chốn không nên chỉ làm theo phong trào hoặc theo kiểu “bắt cóc bỏ đĩa”.

Thứ hai là, phải xử lý kịp thời, nghiêm minh với các trường tổ chức dạy thêm, học thêm sai quy định, kể cả với các kiểu ngụy trang, trá hình. Đặc biệt cần xử lý nghiêm khắc đối với Hiệu trưởng của các trường vi phạm, có thể cách chức, giáng chức như một số tỉnh đã làm.

Thứ ba là, cần làm tốt công tác tuyên truyền đến phụ huynh học sinh và toàn xã hội để đông đảo người dân thấy được việc dạy thêm, học thêm không phải lúc nào cũng có tác dụng như kỳ vọng.

Thứ tư là, ngành Giáo dục cần rà soát lại chương trình, kịp thời  điều chỉnh nội dung kiến thức cho phù hợp với từng cấp học để học sinh không phải cần học thêm vẫn đạt được kết quả tốt. Đặc biệt là, không gây áp lực về thành tích về học sinh giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh đạt giải trong các cuộc thi cho các trường.

Là một giáo viên của bậc học Phổ thông, tôi xin được nêu lên mấy ý kiến như trên theo góc nhìn của một cá nhân (ít nhiều còn chủ quan), rất mong nhận được sự trao đổi, góp ý, phản biện của các nhà trường, các thầy cô giáo trên cả nước trên tinh thần thẳng thắn, chân thành và xây dựng để giáo dục nước nhà ngày càng phát triển, đáp ứng được sự mong đợi của nhân dân.

Tác giả bài viết: Trần Đăng Anh