Thị trường trái cây nhập khẩu: Giá cao chưa chắc đã yên tâm
- 10:25 28-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu năm 2016, tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả của Việt Nam là 351 triệu USD, tăng mạnh so với mức 246 triệu USD cùng kỳ năm 2015. Tạm tính 7 tháng, chi nhập khẩu có thể lên con số 400 triệu USD. Tốc độ tăng nhập khẩu trái cây vẫn đang tiếp diễn khi nhiều người tiêu dùng có tâm lý tin tưởng khi dùng hàng nhập khẩu.
“Chúng tôi dự kiến từ nay đến cuối năm 2016 sẽ mở thêm khoảng 7 cửa hàng bán lẻ trái cây trên địa bàn Hà Nội, nâng tổng số cửa hàng trong chuỗi bán lẻ mang thương hiệu Klever Fruits lên con số 30 cửa hàng”, bà Nguyễn Thị Thúy, Phụ trách Kinh doanh Klever Fruits cho biết.
.
Trên thực tế, sự bát nháo của thị trường trái cây nhập khẩu không hề ít, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm chưa chắc đảm bảo an toàn
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng hướng đến các loại trái cây chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ từ các nước có chuẩn cao về trồng trọt. Trung bình mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu hàng trăm triệu USD trái cây để phục vụ thị trường trong nước.
Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Australia, New Zealand… hiện là những thị trường chủ lực đang cung cấp phần lớn các loại trái cây cho thị trường Việt Nam, phổ biến là táo, nho, cherry, cam… Trong 7 tháng qua, giá trị nhập khẩu rau quả từ một số thị trường này đã tăng mạnh, Australia tăng 4 lần đạt gần 20 triệu USD, New Zealand tăng xấp xỉ 2 lần đạt 11,3 triệu USD. Giá trị nhập khẩu rau quả từ 2 thị trường này tăng gấp 3 lần trong nửa đầu năm 2016.
Dẫn đầu về giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam là thị trường Thái Lan. Kể từ năm 2015, quốc gia này đã vượt qua Trung Quốc giữ vị trí quán quân về xuất khẩu mặt hàng trên vào Việt Nam. So với cùng kỳ, giá trị nhập khẩu rau quả Thái đã tăng gấp 2 lần. Nếu như năm 2015, con số này chỉ đạt khoảng 78,8 triệu USD, thì năm nay đã tăng hơn 90 triệu USD. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc, với giá trị nhập khẩu đạt 80 triệu USD, tăng 20 triệu USD so với cùng kỳ 2015. Mỹ cũng nằm trong số 3 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nhiều rau quả nhất với 32 triệu USD. Rau quả nhập khẩu thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil đều tăng so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Mạnh An, Giám đốc Công ty Hoàng An (Hà Nội) chuyên nhập khẩu trái cây cung cấp tới các nhà bán lẻ cho biết, tâm lý muốn tiêu dùng sản phẩm sạch, dù chấp nhận giá cao, đang khá phổ biến trong tầng lớp trung lưu trong nước, là lý do khiến nhập khẩu ngày càng gia tăng mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thúy cho biết thêm, để đứng vững trên thị trường với hàng trăm nhà cung cấp như hiện tại, hệ thống Klever Fruits phải thường xuyên có sự phối hợp với Đại sứ quán các nước và đại diện các nhà cung cấp, hay Cục kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (APHIS), Hiệp hội trái cây đến từ tiểu bang South Australia để giới thiệu sản phẩm theo mùa tới cho khách hàng trong nước. Bên cạnh đó, Công ty còn đầu tư hệ thống tủ bảo quản công nghiệp chuyên dụng để bảo quản sản phẩm đúng tiêu chuẩn, chất lượng.
Mặc dù một lượng lớn người tiêu dùng có xu hướng tiêu dùng hoa quả nhập ngoại, nhưng trên thực tế, sự bát nháo của thị trường này cũng không hề ít, kèm theo đó là chất lượng sản phẩm chưa chắc đảm bảo an toàn. Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), năm 2015, lực lượng thị trường của các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương đã kiểm tra, xử lý và tiến hành thu giữ và bán phát mại trên 79 tấn hoa quả nhập lậu. Quý 1/2016 thu giữ và bán phát mại gần 11 tấn hoa quả nhập lậu các loại.
Rõ ràng, dù thị trường trái cây nhập khẩu khá đa dạng nhà cung cấp, nhưng chất lượng sản phẩm vẫn luôn là câu hỏi lớn đối với người tiêu dùng, khi trên thực tế cùng 1 sản phẩm, nhưng giá bán từ các nhà cung cấp vênh nhau tới cả trăm ngàn đồng/kg.
Đơn cử, giá của Kiwi Vàng New Zealand bán tại Klever Fruits là 199.000 đồng/kg, nhưng nhiều nơi bán từ 150.000 – 220.000 đồng/kg. Nho xanh không hạt Luisco (Úc) tại Klever Fruits bán giá 299.000 đồng/kg thì Cửa hàng Trái cây Anh Túc (TP.HCM) bán 200.000 – 210.000 đồng/kg…
Đại diện Cục quản lý thị trường khuyến cáo người tiêu dùng hạn chế sử dụng nông sản trái vụ, nông sản được quảng cáo trên mạng là sạch, hữu cơ nhưng không rõ xuất xứ. Nên mua sản phẩm không quá đẹp mã, mua ở địa chỉ uy tín để gia tăng sự an toàn cho gia đình.
Tác giả bài viết: Thế Hải