V-League như sân đấu Võ-League
- 07:10 28-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
V-League đang dần trở thành sàn đấu của nhiều pha vào bóng kiểu triệt hạ đối phương. Vì sao những hành vi phi thể thao như vậy lại có thể tồn tại ở giải đấu bóng đá cao nhất Việt Nam?
Pha vào bóng nguy hiểm của thủ môn Bửu Ngọc với tiền đạo Duy Long của Sài Gòn FC
V-League như sân đấu Võ-League
Gần một tuần trôi qua nhưng pha phạm lỗi của thủ thành Bửu Ngọc (XSKT Cần Thơ) với tiền đạo Duy Long (Sài Gòn FC) trong trận đấu thuộc vòng 17 V-League 2016 vẫn khiến người hâm mộ phẫn nộ. Bất chấp việc cựu thủ thành U23 Việt Nam khẳng định, anh không hề có ác ý, án phạt cũng đã được Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa ra nhưng búa rìu dư luận vẫn “bổ” xuống đầu Bửu Ngọc. Điều này không khó hiểu bởi pha vào bóng của Bửu Ngọc có tính chất triệt hạ và nếu Duy Long không kịp nhảy lên, tiền đạo của Sài Gòn FC có lẽ đã phải nhận một chấn thương nặng.
Nhìn rộng ra, đây không phải lần đầu tiên V-League chứng kiến một pha vào bóng kinh hoàng các cầu thủ nhắm vào đồng đội. Mùa giải 2015, Quế Ngọc Hải (SLNA) từng đạp gầm giày khiến Anh Khoa (SHB Đà Nẵng) gãy chân, phải sang tận Singapore phẫu thuật. Hệ quả, trung vệ của ĐTVN phải nhận án phạt cấm thi đấu 6 tháng và chi trả toàn bộ chi phí chữa trị cho Anh Khoa lên tới hơn 800 triệu đồng. Trước đó, tại mùa giải 2013, trung vệ Đình Đồng của SLNA cũng khiến dư luận sôi sục với tình huống đạp cả hai chân vào Anh Hùng (Hùng Vương An Giang). Anh Hùng gãy chân phải nghỉ thi đấu dài hạn còn Đình Đồng bị cấm thi đấu đến hết mùa.
Xa hơn, tại V-League 2012, trung vệ Huy Hoàng (SLNA) phóng cả hai chân vào tiền đạo Samson. Tuy nhiên, tiền đạo Hà Nội T&T cũng chẳng vừa khi kịp thời né tránh và trả đòn khiến Huy Hoàng dính chấn thương phải rời sân. Sau đó, Ban Kỷ luật VFF treo giò mỗi cầu thủ hai trận. Hay như ở V-League 2011, trung vệ Chí Công (B.Bình Dương) đã đạp thẳng đế giày vào đầu gối tiền đạo Lucas Cantoro (Hà Nội ACB). Cầu thủ người Argentina chấn thương nặng trong khi Chí Công bị treo giò ba trận.
Những ví dụ trên chỉ là điển hình cho tình trạng bạo lực ở V-League. Từ mùa này qua mùa khác, khán giả liên tục được chứng kiến nhiều pha vào bóng kiểu con nhà võ. Nạn bạo lực gần như được coi là “đặc sản” tại giải đấu cao nhất Việt Nam và không ngoa khi nói rằng V-League giống như Võ-League.
Đừng để gãy chân mới phạt nặng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Bùi Xuân Hòa, Chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng cho rằng, bóng đá thì phải quyết liệt nhưng quyết liệt và bạo lực hoàn toàn khác xa: “Bóng đá là môn thi đấu đối kháng nên đòi hỏi sự va chạm quyết liệt. Không riêng gì Việt Nam, các giải đấu khác trên thế giới cũng vậy thôi. Nhưng quyết liệt phải chừng mực chứ không phải đá bậy, đá gãy chân đối phương. Những trường hợp như của Bửu Ngọc hay Quế Ngọc Hải cần phải lên án mạnh mẽ bởi không quý trọng đôi chân đồng nghiệp”.
Khi Báo Giao thông hỏi về nguyên nhân dẫn đến trình trạng bạo lực ở các sân cỏ V-League kéo dài từ mùa này sang mùa khác, chuyên gia Đặng Gia Mẫn nói: “Thời chúng tôi đi đá bóng hoàn toàn không có việc này, đá vô tư lắm. Hiện tại, tôi nghĩ do áp lực thành tích khiến cầu thủ đôi khi mất kiểm soát. Thêm vào đó là sự xuống cấp của xã hội dẫn tới nhận thức của cầu thủ có vấn đề”.
Đồng quan điểm với chuyên gia Đặng Gia Mẫn, bình luận viên kỳ cựu Đình Khải cho rằng: “Chúng ta không thể quy trách nhiệm do CLB không chịu giáo dục cầu thủ, cũng không thể đổ hết lỗi cho cầu thủ vi phạm. Chúng ta phải nhìn rộng ra toàn xã hội. Xã hội Việt Nam hiện tại đầy rẫy bạo lực từ gia đình đến trường học. Thậm chí, không ít người còn sẵn sàng cầm dao đoạt mạng người khác. Bóng đá là bức tranh thu nhỏ và nó phản ánh đúng bản chất của xã hội”.
Cũng theo ông Khải, giải pháp để chấm dứt hoặc ít nhất giảm thiểu bạo lực không phải không có nhưng nó đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ từ VFF, VPF, Ban Tổ chức, Ban Kỷ luật. “Lâu nay, chúng ta vẫn dung túng cho những hành vi phi thể thao. Nhiều pha phạm lỗi thô bạo nhưng trọng tài không rút thẻ, cũng không có án phạt nguội chỉ vì nạn nhân may mắn tránh được chấn thương. Như vậy làm sao răn đe? Với những tình huống như vậy, trước hết trọng tài phải xử lý chính xác rồi sau đó các bộ phận chuyên môn nếu cần thiết thì bổ sung án phạt. Đừng đợi có cầu thủ gãy chân mới xử phạt”, bình luận viên Đình Khải chia sẻ với Báo Giao thông.
Tác giả bài viết: Hữu Hiệp