Hà Tĩnh: Người lính trở về từ Lào sau 40 năm làm “liệt sĩ”
- 10:44 26-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhập ngũ, sang chiến đấu ở nước bạn Lào năm 1963, một năm sau người chiến sĩ ấy bị địch bắt giam. Bị giam cầm, tù đày suốt nhiều năm, ông là người duy nhất trong số 8 chiến sĩ lọt vào tay địch may mắn sống sót.
Những chấn thương thần kinh do địch hành hạ đã khiến ông không thể quay về ngay cả những khi có cơ hội trốn thoát. Ông lưu lạc khắp nơi, lọt vào vùng sâu xa của nước bạn Lào ròng rã mấy chục năm.
Năm 2000, một chiến sĩ trong đội quy tập mộ liệt sĩ, chuyên gia quân sự thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh làm nhiệm vụ tại Lào tình cờ nắm được thông tin, đã gặp gỡ, giúp ông có cuộc trở về quê hương đẫm nước mắt.
Người góp công sức để người lính ấy trở về là nguyên Đội phó chính trị Đội Quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) Hà Tĩnh, Thượng tá Đậu Văn Sáu. Câu chuyện được người cựu binh thuật lại đầy cảm động.
Năm 2000, một chiến sĩ trong đội quy tập mộ liệt sĩ, chuyên gia quân sự thuộc Bộ Chỉ huy quân sự Hà Tĩnh làm nhiệm vụ tại Lào tình cờ nắm được thông tin, đã gặp gỡ, giúp ông có cuộc trở về quê hương đẫm nước mắt.
Người góp công sức để người lính ấy trở về là nguyên Đội phó chính trị Đội Quy tập mộ liệt sĩ, Bộ Chỉ huy quân sự (BCHQS) Hà Tĩnh, Thượng tá Đậu Văn Sáu. Câu chuyện được người cựu binh thuật lại đầy cảm động.
Thượng tá Đậu Văn Sáu (hiện đã nghỉ hưu), người đã bỏ nhiều công sức đưa người lính lưu lạc hơn 40 năm trên đất bạn Lào trở về quê hương Bắc Giang.
Rơi lệ ở dòng Nậm Mẹt
Tháng 2/2000, BCHQS tỉnh Hà Tĩnh phân công ông Sáu, lúc đó là Đội phó chính trị Đội Quy tập mộ liệt sĩ, làm trưởng đoàn cùng 20 cán bộ chiến sĩ đảm nhiệm địa bàn tỉnh Viêng Chăn, Lào, có nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt mộ liệt sĩ quân tình nguyện - chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất Lào.
Một lần tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Viêng Chăn, Trung tá Sáu được ông Khăm Mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban công tác đặc biệt tỉnh Viêng Chăn cung cấp thông tin, tại bản Pạc Mẹt cách Viêng Chăn vài ngày đi đường rừng có ông Hải là bộ đội Việt Nam từng bị địch bắt, đang sinh sống.
Là một người lính làm nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ, khi nghe được tin này, Trung tá Sáu mừng đến phát khóc; ông luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để sớm gặp được người lính lưu lạc này.
Ông Khăm Mừng (trái), người cung cấp thông tin về cựu chiến binh Đặng Úy cho Trung tá Đậu Văn Sáu (phải).
Ước nguyện là vậy, nhưng phải bước qua mùa khô năm 2000-2001, khi đoàn quy tập tiếp tục nhiệm vụ khảo sát, quy tập mộ liệt sĩ tại địa bàn tỉnh Viêng Chăn, Trung tá Sáu và đồng đội mới có cơ hội để tìm gặp người lính này.
Sáng ngày 6/12, đoàn khởi hành với 19 cán bộ chiến sĩ tới huyện Mẹt. 3 ngày sau, sau khi cất bốc 2 hài cốt liệt sĩ, Trung tá Sáu cùng vài chiến sĩ trong đội quy tập xuôi theo dòng Nậm Mẹt, một con sông nhỏ đổ ra dòng Mê Kông, để tới bản Pạc Mẹt, nơi có tin người lính Việt Nam đang lưu lạc mấy chục năm qua.
"Thuyền tới đầu bản, đoàn của chúng tôi leo ngược lên bờ sông, đi được một lúc cán bộ của bạn chỉ cho biết phía trước là nhà của ông Hải. Trước cửa nhà sàn vách nứa, tầng dưới treo lơ lưng nào cá khô, bánh kẹo, mỳ tôm, dầu gội, da trâu khô và các thùng đựng xăng dầu" - người cựu binh nhớ lại.
Thấy có người lạ đến, người đàn ông già da sạm đen, nhăn nheo, khắc khổ chạy đến bắt tay, chào mời đoàn vồn vã. Biết chúng tôi là bộ đội Việt Nam sang làm nhiệm vụ quy tập mộ liệt sĩ, người lính già mừng mừng, tủi tủi. "Ngôn ngữ Lào - Việt lơ lớ, lẫn lộn, nhưng câu chuyện trong bữa cơm cá sông, măng rừng thiết đãi khách hôm ấy đã khiến chúng tôi rơi lệ".
Người lính ấy được bà con ở bản Pạc Mẹt quen gọi tên Hải, tên thật là Đặng Uy, sinh năm 1939, nhập ngũ năm 1963, đơn vị nhập ngũ: trung đội 3, đại đội 3, tiểu đoàn 1, sư đoàn 335. Ông ấy còn nhớ trước khi nhập ngũ ông chỉ còn mẹ, bố đã mất, còn có hai anh ruột là: Đặng Văn Ngữ, Đặng Quốc Trị, quê xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Giang).
Ông Uy cứ liên tục gạt nước mắt kể lại chuỗi ngày bị địch bắt, giam cầm. Ông sang Lào chiến đấu năm 1964, trung đội của ông được giao nhiệm vụ đi trinh sát đánh đồn địch ở Păc Xế. Một ngày tháng 9/1964, khi ông và đồng đội đến Phù Xăng Nọi (núi Phù Xăng) thì bị địch phát hiện, bao vây.
Ông cùng đồng đội chiến đấu đến viên đạn cuối cùng. 6 đồng đội của ông đã hy sinh, 8 người còn lại, trong đó có ông, bị địch bắt. Địch đưa về tỉnh Viêng Chăn giam cầm, một thời gian sau lần lượt 7 đồng đội cũng bị địch tra tấn đến chết, riêng ông may mắn sống sót.
Cái tên Đặng Sơn Hải ông khai khi bị địch bắt cũng gắn với ông suốt mấy chục năm sống trên đất nước Lào.
Sau hiệp định Paris, ông được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Viêng Chăn. Nhiều lần tìm cơ hội về nước bất thành, số phận đã khiến cuộc đời ông Uy phải mấy chục năm ròng rã lưu lạc tại Lào.
Chuỗi ngày làm thuê tại Viêng Chăn, ông bén duyên với một phụ nữ Lào. Tơ duyên lận đận, không con cái, người vợ bị sốt rét ác tính qua đời. Năm 1982, ông lấy người vợ thứ 2, sinh hạ được 9 người con, 8 gái, 1 trai. Cuộc sống long đong, vất vả khiến ông không dám nghĩ đến chuyện về quê. Thời gian này ở quê nhà, ông được coi là liệt sĩ.
Ông Sáu kể, sau cuộc gặp ấy, ông Uy bày tỏ nguyện vọng được ông Sáu và đoàn giúp đỡ để có cơ hội trở về quê hương. Từ Lào, ông Sáu đã viết 2 lá thư, 1 gửi cho UBND xã Tân Thịnh, 1 gửi cho ông Đặng Văn Ngữ (anh trai ông Uy) báo tin ông Đặng Uy còn sống.
Cuối tháng 5/2001, đoàn kết thúc nhiệm vụ mùa khô 2000 - 2001, Trung tá Sáu trở về gia đình thì được biết, sau khi nhận được thư của ông, người nhà anh trai ông Uy từ Bắc Giang đã vào Bộ CHQS tỉnh và tới nhà ông để nắm thông tin, để lại số điện thoại.
Bức thư của ông Sáu viết từ Lào đã gây xôn xao quê nhà ông Uy thời điểm đó.
"Cuộc điện thoại khiến tôi không bao giờ quên. Người nhà ông Uy nói với tôi, họ vẫn chưa tin là ông Uy còn sống bởi ông ấy đã có giấy báo tử công nhận liệt sĩ vào năm 1968, gia đình đã lập bàn thờ suốt hơn 40 năm qua"- người cựu binh nhớ lại.
Mùa khô 2001 – 2002, đoàn quy tập của ông Sáu trở lại địa bàn tỉnh Viêng Chăn. Ngày 5/5/2002, đoàn xe đưa tiễn hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện – chuyên gia Việt nam lên đường về nước. Đoàn xe đặc biệt ấy có ông Uy. Ông Sáu đã gọi điện báo cho người nhà ông Uy vào Hà Tĩnh đón ông về.
Cuộc hội ngộ đẫm nước mắt
"Khi chúng tôi về tới nhà đã thấy 2 người thân, em trai ông Uy cùng đứa cháu ruột từ Bắc Giang có mặt, hồi hộp chờ đợi. Ngay từ những giây phút đầu tiên, dù xa cách non nửa thế kỷ nhưng những con người máu mủ, ruột thịt đã nhận ra nhau. Họ không thể tin vào sự thật, không kịp hỏi han, cả mấy con người cứ ôm chầm lấy nhau mà khóc" - ông Sáu thuật lại giây phút hội ngộ xúc động.
Sau bữa cơm tối đạm bạc, mấy anh em ông Uy chia tay ông Sáu lên đường về Bắc Giang. Một tuần sau trở lại nhà ông để quay lại Lào với gia đình, ông Uy kể rất nhiều về cuộc hội ngộ sau hơn 40 năm. "Ông ấy nói với tôi nhiều về chiếc bàn thờ mà gia đình, người thân của ông đã lập, thờ phụng với di ảnh, tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Đặng Uy... Ông ấy kể về cuộc trở về ngập tràn nước mắt xúc động, việc ông tự tay gỡ bàn thờ, bằng Tổ quốc ghi công của mình xuống, chấm dứt hơn 40 năm là liệt sĩ ở quê nhà", ông Sáu nhớ lại.
Ông Đặng Uy (ngoài cùng bên phải) bên hai anh trai của mình là ông Đặng Văn Ngữ và Đặng Quốc Trị chụp ảnh chung ở xóm Lèo, xã Tân Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang sau hơn 40 năm xa cách.
Theo ông Sáu, tính đến nay đã hơn 14 năm kể từ lần cuối cùng ông gặp lại ông Đặng Uy. Từ đó đến nay ông vẫn thường xuyên giữ liên lạc với ông Uy và người thân của ông ở Bắc Giang.
"Tôi biết hiện cuộc sống của ông Uy đã có quá nhiều thay đổi. Ông đã già và bị bệnh, phải nằm một chỗ. Các con ông giờ đã trưởng thành. Đáng mừng là đứa con gái thứ 8 và đứa con trai út đã về Việt Nam theo học tại Trường Đại học An ninh và Đại học Công đoàn tại Hà Nội. Con cháu của ông Uy vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi bà con bên nội ở Bắc Giang" - người cựu binh kết lại câu chuyện đầy cảm động.
Tác giả bài viết: Văn Sáu