Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Cuộc đua tỷ USD vào doanh nghiệp Việt

Hàng tỷ USD đang được các quỹ đầu tư tư nhân (PE) tại khu vực châu Á lên kế hoạch đầu tư chi phối vào các công ty Việt Nam, tạo nên cuộc cạnh tranh dữ dội giữa các quỹ PE lớn nhỏ trên thị trường.

PE mang lại nhiều cảm xúc

Đối với ông Peter Sorensen, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Tư vấn ABB Việt Nam, năm 2015 là một năm sôi động của Việt Nam về các hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A), cũng là năm bận rộn nhất của ABB từ khi thành lập. Tuy nhiên, ông kỳ vọng, số lượng và giá trị giao dịch M&A sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới theo xu hướng thâu tóm thị trường của các nhà đầu tư trong nước và sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài.

Là một đơn vị tư vấn tích cực trong ngành M&A, ABB nhận thấy sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư nước ngoài với các ngành bán lẻ, phân phối, tiêu dùng nhanh, nông nghiệp và dịch vụ tài chính. Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia có nhu cầu mua lớn nhất trong các ngành kể trên. Đặc biệt, trong năm 2016, sự tham gia tích cực của các quỹ PE đối với các hoạt động M&A cũng mang lại nhiều cảm xúc cho ông Peter Sorensen.

 

Quỹ VOF của VinaCapital và đối tác Nhật là Daiwa PI Partners từng rót 45 triệu USD vào Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP - nhãn hiệu sữa Ba Vì)
 

“Trước đây, nếu các quỹ PE thường chỉ tham gia các giao dịch mua cổ phần không chi phối, thì hiện nay, họ đã sẵn sàng đầu tư với tỷ lệ cao hơn để gia tăng lợi nhuận và giảm sự cạnh tranh ngày càng tăng đối với các thương vụ tốt có tỷ lệ nhỏ. Ngoài ra, việc tăng tỷ lệ sở hữu cũng giúp các quỹ PE gia tăng sự can thiệp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tạo ra các giá trị thặng dư”, ông Peter Sorensen nhận định.

Ông Peter Sorensen tiết lộ, một số quỹ PE trong khu vực đang có kế hoạch phân bổ trên 2 tỷ USD vào thị trường Việt Nam và tìm kiếm các thương vụ mua chi phối các công ty lớn trong nước. Điển hình là thương vụ Quỹ PE Navis (hoạt động chủ yếu tại khu vực Đông Nam Á, hiện quản lý các khoản quỹ trị giá 5 tỷ USD và nắm cổ phần kiểm soát tại 70 công ty) mua lại Bệnh viện Việt Pháp ở Hà Nội với giá trị chưa được tiết lộ.

Trên thực tế, tại thị trường Việt Nam, hoạt động của các quỹ PE cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Mới đây, Quỹ đầu tư Mekong Capital chuyên đầu tư chưa niêm yết tại Việt Nam đã chính thức hoàn tất quá trình huy động vốn cho quỹ thứ tư Mekong Enterprise Fund III Limited Partnership (MEF III), với tổng vốn cam kết 112 triệu USD.

“MEF III chỉ tập trung vào các doanh nghiệp theo xu hướng tiêu dùng và các nhà đầu tư cũng rất hứng thú với những ngành này. Gần đây, có rất nhiều thương vụ M&A diễn ra với bên thâu tóm chủ yếu đến từ châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Chúng tôi kỳ vọng, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong thời gian tới”, ông Chris Freund, Tổng giám đốc MEF III cho biết.

Được biết, sau 15 năm hoạt động tại Việt Nam, các quỹ của Mekong Capital đã hoàn tất 29 khoản đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, trong đó có 17 khoản thoái vốn hoàn toàn và 3 khoản thoái vốn từng phần. Mekong Capital quản lý 4 quỹ và một trong số đó đang thực hiện những khoản đầu tư mới.

Công ty Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) cũng được liệt vào quỹ lớn trên thị trường huy động vốn hiện nay. SSIAM quản lý khoảng 6.600 tỷ đồng tổng tài sản của các nhà đầu tư dưới dạng quỹ, danh mục đầu tư và tư vấn đầu tư. Đối với mảng quản lý quỹ đầu tư, SSIAM hiện quản lý 6 quỹ đầu tư, với tổng tài sản hơn 2.200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2016, hoạt động đầu tư của các quỹ đều vượt trội so với chỉ số thị trường.

Cụ thể, Quỹ Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II LP chuyên đầu tư PE, với tổng vốn khoảng 40 triệu USD, đã bắt đầu giải ngân. Quỹ Khởi nghiệp SSI có quy mô vốn 100 tỷ đồng, đầu tư vào các công ty trong giai đoạn khởi nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng trong ngành nông nghiệp, thực phẩm và các ngành hướng tới tiêu dùng, vừa hoàn thành giải ngân khoản đầu tư đầu tiên vào Công ty Hellomam.

Dành nguồn tiền khủng cho Việt Nam

Tất cả các thành viên trong ASEAN đều đang tạo điều kiện để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam sở hữu nhiều điểm cộng cho các quỹ PE, khi các nhà đầu tư cũng nhận thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Giới phân tích cho rằng, có 2 rào cản khá lớn đối với các quỹ PE khi gia nhập thị trường Việt Nam là tính minh bạch của doanh nghiệp mục tiêu và tín hiệu bão hòa của thị trường ở một số ngành. Các quỹ PE thường có chiến lược lựa chọn các doanh nghiệp đầu ngành để tận dụng thế mạnh và có thể giải ngân được số vốn lớn.

Theo bà Lê Thị Lệ Hằng, Tổng giám đốc SSIAM, tình trạng hết room thường xảy ra đối với các công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn. “Đối với Andbanc Investment SIF (quỹ nước ngoài) do SSIAM quản lý, chúng tôi tập trung lựa chọn đầu tư vào các công ty có vốn hóa vừa và nhỏ, những công ty có thể gia tăng giá trị thông qua việc SSIAM tham gia hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát công ty. Do đó, chúng tôi vẫn có thể giải ngân tốt vào các công ty mục tiêu của mình”, bà Hằng cho hay.

Đối với Mekong Capital, so với những quỹ khởi động trước đó, hiện thị trường xuất hiện nhiều hơn các công ty được thành lập bởi các doanh nhân trẻ Việt Nam là yếu tố thuận lợi để Quỹ tìm được các công ty phù hợp với tiêu chuẩn và điều kiện của Quỹ. Tuy nhiên, nhiều công ty còn ở quy mô nhỏ, nên một trong những thử thách lớn nhất là quy mô đầu tư cũng có xu hướng nhỏ hơn mục tiêu của Quỹ.

Trong khi đó, bà Đặng Phạm Minh Loan, Phó giám đốc điều hành VinaCapital cho biết, hiện huy động cho các quỹ PE trong khu vực và trên thế giới khá dồi dào. Bên cạnh các quỹ tập trung riêng vào thị trường Việt Nam như VinaCapital, Mekong Capital, VIGroup, Saigon Asset Management và PENM Partners, các quỹ PE toàn cầu ngày càng thể hiện sự quan tâm đến Việt Nam.

Có thể kể đến một số quỹ PE lớn có nguồn tiền “khủng” dành cho thị trường Việt Nam như Quỹ DEG, quỹ đầu tư thành viên của Tập đoàn KfW (Đức), Quỹ Daiwa - SSIAM Vietnam Growth Fund II LP (liên doanh với SSI) và một số ngân hàng đến từ Nhật Bản như Quỹ Phát triển Đông Nam Á Nhật Bản thuộc Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ); hay Ngân hàng Mizuho cũng đã thành lập Quỹ đầu tư ASEAN PE trị giá 180 triệu USD với sự góp vốn của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Các khoản rót vốn thời gian qua cho thấy rõ xu hướng chiến lược của VinaCapital. Điển hình, tháng 6/2016, Quỹ VOF của VinaCapital và Quỹ DEG, quỹ đầu tư thành viên của Tập đoàn KfW (Đức) đã rót 30 triệu USD vào Công ty cổ phần Gỗ An Cường. Trước đó, Quỹ này cũng bắt tay với Công ty Daiwa PI Partners (Nhật Bản) rót 45 triệu USD để nắm giữ 70% cổ phần của Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP).

Theo bà Loan, hiện nay nguồn tiền của Quỹ cũng còn khá dồi dào, khoảng 100 triệu USD tiền mặt trên tổng số quỹ khoảng 750 triệu USD. Quỹ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. “Cạnh tranh gay gắt, nhưng so với các quỹ nhỏ chưa có tên tuổi trên thị trường, thì các quỹ có kinh nghiệm và đã đầu tư nhiều vào Việt Nam sẽ có lợi thế vì hiểu thị trường và hiểu doanh nghiệp, văn hóa”, bà Loan cho hay.

Tác giả bài viết: Anh Hoa