Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ đập 7 hộp sữa: Có đáng xử lý hình sự?

Theo nhiều chuyên gia, hành vi đập phá bảy hộp sữa trong siêu thị của hai người dân đã có dấu hiệu hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng có thể áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS để khoan hồng...
Chủ siêu thị Tú Bắc: "Chúng tôi không kiện vụ đập sữa"
Chủ siêu thị từng 'hỗ trợ 30 triệu đồng' cho ông bố... đập 5 hộp sữa 
Nghệ An: Tạm giữ hình sự người đàn ông đập 7 hộp sữa trước siêu thị
Hai người đàn ông tới siêu thi đe dọa, lấy sữa ném ra đường
Hãng sữa lên tiếng vụ ông bố đập 5 hộp sữa trước siêu thị 
Bắt giam ông bố đập 5 hộp sữa trước siêu thị 
Bị công an bắt vì đập 5 hộp sữa trước cửa siêu thị 
Thông tin bất ngờ vụ bố đến siêu thị đập phá vì nghi sữa giả
Người đàn ông ném sữa bột của con xuống đường nghi chứa bả sơn?

Công an TP Vinh (Nghệ An) đang tạm giữ hình sự anh Nguyễn Văn Hùng (49 tuổi) và anh Nguyễn Cảnh Cường (28 tuổi, ngụ xã Nghi Phú, TP Vinh) để phục vụ điều tra hành vi hủy hoại tài sản.

 
8 tang vat 1 kwsp
Anh Cường đang ném, đập hộp sữa trên đường trước cửa Siêu thị Tú Bắc. Ảnh: Đ.LAM

Chỉ vì đập bảy hộp sữa nghi gây tiêu chảy

Như báo chí đã thông tin, sau khi vợ chồng anh Cường mua hai hộp sữa Glico Icreo số 0 (nhập khẩu từ Nhật Bản) tại Siêu thị Tú Bắc về cho con năm tháng tuổi sử dụng hết, cuối tháng 5-2016, gia đình anh Cường đến mua hộp sữa thứ ba. Khi cháu bé uống hết gần nửa hộp sữa thứ ba thì bị tiêu chảy, nôn ói, phải đưa đi bệnh viện. Nghi ngờ sữa có vấn đề vì hộp sữa có vật thể lạ màu xanh, vón thành cục bên trong, anh Cường đã đưa hộp sữa này đến Siêu thị Tú Bắc yêu cầu làm rõ.

Ngày 29-5, đại diện ba bên là anh Cường, siêu thị và Công ty TNHH Phân phối SnB (đơn vị nhập khẩu, phân phối sữa Glico Icreo số 0) gặp nhau nhưng không thống nhất được hướng giải quyết vụ việc. Ngày 12-7, anh Cường yêu cầu công ty phân phối tiếp tục gặp gia đình để làm rõ sự việc nhưng vẫn không đi đến thống nhất.

Chiều 14-7, anh Cường rủ thêm anh Hùng đến siêu thị tiếp tục yêu cầu giải quyết sự việc. Trích xuất từ camera an ninh của siêu thị cho thấy hai anh Cường và Hùng vào siêu thị có lời qua tiếng lại rồi anh Cường tát vào mặt vợ chủ siêu thị. Tiếp đó, anh Hùng bảo anh Cường lấy hai hộp sữa của khách hàng đang để trên quầy chờ thanh toán tiền ném ra đường. Anh Cường làm theo. Anh Hùng tiếp tục nói anh Cường vào lấy sữa ném ra đường. Anh Cường đã hai lần vào lấy năm hộp sữa đang để trên kệ của siêu thị rồi cùng anh Hùng ném ra đường. Sau đó anh Cường, anh Hùng giẫm, đạp đổ sữa trên đường ngay trước cửa siêu thị và la hét gây sự chú ý của người đi đường. Nhiều người dân đã quay video đưa lên Facebook.

Ngay sau đó, Công an phường Lê Mao có mặt, yêu cầu những người liên quan về trụ sở công an phường làm việc. Tại đây, vợ anh Cường đưa ra 2,7 triệu đồng trả tiền sữa mà anh Cường đập phá. Chủ siêu thị không chịu nhận nên công an phường niêm phong số tiền này cùng các vỏ hộp sữa.

Theo giá dán trên bảy hộp sữa Glico Icreo số 0 loại 800 g bị anh Cường và anh Hùng đập phá, tổng giá trị của bảy hộp sữa này là hơn 3,7 triệu đồng.

 
8 tang vat zvai
Ba hộp sữa Công an TP Vinh thu giữ tại phòng ở của vợ chồng anh Cường. Ảnh: Đ.LAM

Có dấu hiệu tội phạm nhưng cần cân nhắc

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ThS Đồng Mạnh Hùng (Công ty Luật Phạm Nghiêm) nhận xét với các tình tiết báo chí nêu thì hành vi của anh Cường, anh Hùng có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS hiện hành. Bởi lẽ việc mang sữa của siêu thị ra trước đường đập phá là cố ý xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản của người khác. Giá trị của bảy hộp sữa bị đập phá là hơn 3,7 triệu đồng, trong khi định lượng tối thiểu để xử lý tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chỉ là 2 triệu đồng.

Mặt khác, theo Điều 105 BLTTHS hiện hành, tội danh này không thuộc trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại, tức cơ quan công an và VKS có quyền tạm giữ hình sự khi thấy có dấu hiệu tội phạm ngay cả khi người bị hại không yêu cầu khởi tố.

Ở đây cần lưu ý: Theo trích xuất camera thì không có dấu hiệu nào cho thấy có giao dịch mua bán sữa, thanh toán giữa hai anh Cường, Hùng với siêu thị mà hai anh này tự lấy sữa của siêu thị quăng ra đường đập phá. Chỉ sau khi hành vi đập phá diễn ra rồi, bảy hộp sữa bị hủy hoại rồi, công an phường mời những người liên quan về trụ sở làm việc thì vợ anh Cường mới đền tiền cho số sữa này (chủ siêu thị không chịu nhận). Thông thường trong việc mua bán hàng ở siêu thị, thời điểm người mua xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa là khi đã nhận hàng và đã thanh toán đầy đủ, trừ khi có thỏa thuận khác. Như vậy, thời điểm anh Cường, anh Hùng đập phá bảy hộp sữa thì bảy hộp sữa này là tài sản thuộc quyền sở hữu của siêu thị. Việc vợ anh Cường trả tiền tại trụ sở công an phường sau đó không thể coi là một phần của giao dịch mua bán (chủ siêu thị cũng không chịu nhận) mà chỉ có thể được coi là tình tiết khắc phục hậu quả.

“Đây là hành động nóng giận bột phát rất đáng tiếc, có thể dẫn đến hậu quả về hình sự. Do đó, gặp tình huống tương tự, người dân nên bình tĩnh. Nếu các bên không thỏa thuận được thì yêu cầu cơ quan chức năng xử lý” - ThS Hùng nói.

Đồng tình rằng hành vi đập phá sữa của hai anh Cường, Hùng có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng ThS Lê Vũ Huy (Trường ĐH Luật TP.HCM) nhấn mạnh: “Trường hợp này, tài sản bị thiệt hại không quá lớn; hành vi xuất phát từ nguyên nhân như anh Cường bức xúc, nghi ngờ con bị tiêu chảy do uống sữa mua từ siêu thị, đã thương lượng nhiều lần với siêu thị, công ty phân phối nhưng chưa thống nhất; vợ anh Cường đã chủ động trả tiền sữa sau đó... Vì vậy, cơ quan công an và VKSND TP Vinh cần hết sức cân nhắc khi xử lý hình sự anh Cường, anh Hùng”.

Theo ThS Huy, Công an và VKSND TP Vinh có thể xem xét áp dụng khoản 4 Điều 8 BLHS hiện hành (những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác). Trong trường hợp xét thấy cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì nên áp dụng quy định có lợi của BLHS 2015 trong tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như phạt tiền thay phạt tù (các quy định có lợi cho người phạm tội của BLHS 2015 vẫn được áp dụng kể từ ngày 1-7-2016).
 
Công ty nhập khẩu sữa nói “gia đình không hợp tác”

Theo thông cáo báo chí của Công ty TNHH Phân phối SnB (gọi tắt là SnB, đơn vị nhập khẩu, phân phối sữa Glico Icreo số 0), tại buổi trao đổi sáng 29-5 giữa ba bên (đại diện SnB, Siêu thị Tú Bắc, đại diện gia đình anh Cường), đại diện SnB đưa ra giấy tờ văn bản về sữa và đề nghị được mang hộp sữa nghi ngờ có vấn đề đi kiểm định tại cơ quan chức năng. Tuy nhiên, gia đình anh Cường không đồng ý, nói sẽ tự xét nghiệm và gửi kết quả cho SnB. Đến nay SnB vẫn chưa nhận được giấy xét nghiệm này... Nhiều ngày sau phía SnB tiếp tục liên hệ với khách hàng nhưng khách hàng không nghe điện thoại.

Tại buổi gặp mặt ba bên ngày 12-7, đại diện SnB đề nghị cùng gia đình đưa cháu bé tới cơ quan y tế uy tín để kiểm tra sức khỏe, đồng thời mang mẫu sữa đến cơ quan kiểm định có thẩm quyền nhưng khách hàng đề nghị SnB đưa phương án khác (không nói rõ phương án gì) thì mới quyết định xem có đi kiểm định không... SnB cho rằng do không nhận được sự hợp tác từ gia đình anh Cường nên công ty và đại lý chỉ có thể dừng lại ở việc thăm hỏi sức khỏe cháu bé...
 

Tác giả bài viết: ĐẮC LAM - PHƯƠNG LOAN