Giữ hay bỏ phần tự luận môn thi Tiếng Anh?
- 10:17 22-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chỉ 2/10 điểm phần tự luận trong bài thi môn thi Tiếng Anh nhưng hàng chục ngàn bài thi bị điểm 0. Nhiều chuyên gia một lần nữa đặt vấn đề nên giữ hay không phần tự luận trong bài thi môn Tiếng Anh của kỳ thi THPT Quốc gia.
Nhiều rắc rối…
Tối 19/7, Trường Đại học Luật TPHCM, đơn vị chủ trì cụm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia tỉnh Bến Tre đã công bố kết quả cho các thí sinh tỉnh này.
Tuy nhiên, trưa ngày 20/7, trường này đã phải cập nhật bảng điểm mới của môn Tiếng Anh cho hơn 1.500 thí sinh. Nguyên do là Trung tâm khảo thí ĐHQG TPHCM (đơn vị chấm thuê các môn trắc nghiệm cho Trường Đại học Luật TPHCM) có sự nhầm lẫn về lỗi kỹ thuật.
Cụ thể, đề thi Tiếng Anh bao gồm hai phần gồm phần trắc nghiệm và phần tự luận, trong đó phần trắc nghiệm điểm tối đa là 80/100 được quy đổi thành 8 điểm theo thang điểm 10, phần tự luận điểm tối đa là 2 điểm.
Tuy nhiên, do phần mềm không áp dụng công thức quy đổi nên điểm tối đa trong phần thi trắc nghiệm vẫn được tính 100 thay vì 80. Ngay sau đó, Trung tâm khảo thí ĐHQG TPHCM tiến hành khắc phục sự cố để công bố lại cho thí sinh. Trung tâm khảo thí ĐHQG TPHCM cũng khẳng định sai sót kỹ thuật này chỉ có thể xảy ra đối với điểm thi trắc nghiệm môn Tiếng Anh mà thôi.
Trước đó, ngày 16/7, dù đang trong quá thi nhưng với gần 16.000 bài thi tự luận môn Tiếng Anh đã chấm, Trường Đại học Sư phạm Huế có hơn 11.600 bài thi bị điểm 0 ở phần này.
Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước, trong phổ điểm 8 môn thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT công bố, phổ điểm môn Ngoại ngữ là “thê thảm” nhất.
Trong các môn Ngoại ngữ, Tiếng Anh có số thí sinh dự thi đông nhất với gần 552 nghìn em thì có tới 49.715 bài thi chỉ đạt 3 điểm; 49.358 bài đạt 2,5 điểm. Đây là chưa tính tới các cụm thi do địa phương tổ chức, vì nếu tính cả mức điểm của các thí sinh này thì phổ điểm còn thấp hơn.
Giữ hay bỏ?
TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Nông Lâm TPHCM cho rằng, việc để song hành 2 trong 1 môn Tiếng Anh (tự luận và trắc nghiệm với tỷ lệ 2:8) cũng có ý nghĩa đánh giá, phân loại thí sinh.
“Tuy nhiên, trong 2 năm nay, môn thi Tiếng Anh đều xảy ra trục trặc không đáng có. Bên cạnh đó, qua khảo sát từ các giáo viên chấm tiếng Anh, đa số họ đều cho rằng, 20% này ảnh hưởng không đáng kể tổng số, trong khi vẫn phải tuân thủ quy trình 1 môn chấm tự luận + sự kết hợp 20/80, rất mất công, thời gian và rủi ro, sơ suất đáng tiếc từ việc này. Vì thế, môn tiếng Anh, trong bối cảnh hiện nay chỉ nên thi trắc nghiệm”, TS Lý nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Quốc Chính, Trưởng ban Đào tạo Đại học và sau Đại học của ĐHQG TPHCM cho rằng: “Phần viết trong tiếng Anh là kỹ năng rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu xét về khoa học thì không nên có 1 bài thi đánh giá kỹ năng viết của học sinh trong kỳ thi THPT Quốc gia”.
TS Chính giải thích, thứ nhất, kỹ năng, năng lực hiểu biết của học sinh hiện nay còn chưa cao thì việc đánh giá các em sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi các em chưa có đủ vốn từ để viết thành câu. Và khi các em chưa thể viết được câu thì không nên đánh giá hoặc nếu trong cả bài viết, các em có ý hay từ gì đó phù hợp thì vẫn phải cho điểm, đều này dẫn đến thiếu tính khoa học trong đánh giá.
Thứ hai cơ cấu bài thi như vậy là gây khó khăn cho đội ngũ chấm thi, một bài thi chia thành hai mục tự luận và trắc nghiệm riêng biệt sẽ gây khó khăn lên gấp đôi.
“Do đó, với việc thi THPT Quốc gia để đánh giá năng lực thí sinh khá là thấp thì chưa cần phải đưa phần viết vào. Tuy nhiên, trong quá trình học tập ở nhà trường cần đưa phần viết vào để rèn luyện, đánh giá, nâng cao năng lực của các em”, TS Chính nói.
Trong khi đó, dù đồng tình với phần tự luận trong môn thi Tiếng Anh sẽ gây khó khăn cho chấm thi nhưng TS Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho rằng, nên giữ phần này ở kỳ thi THPT Quốc gia.
“Nếu kỳ thi chỉ dùng để xét tốt nghiệp thì chỉ cần trắc nghiệm là đủ, còn đối với kỳ thi dùng kết quả để xét tuyển sinh đại học như kỳ thi THPT Quốc gia thì nên giữ lại, bởi đây là cơ sở để đánh giá, phân loại được các thí sinh giỏi hay không giỏi trong cuộc đua tranh suất vào đại học…”, TS Thanh nói.
“Kỳ thi năm nay được dư luận đánh giá tốt, đừng để những trục trặc nhỏ mà ảnh hưởng lớn đến sự thay đổi tích cực của kỳ thi”, TS Trần Đình Lý. |
Tác giả bài viết: Nguyễn Dũng