"Nói không với chất cấm" trong chăn nuôi: Từ ký kết đến hành động
- 07:28 21-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sau một thời gian tuyên truyền vận động nông dân nói không với chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến, Hội nông dân các cấp trong tỉnh đã tạo ra sự được sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động cho hàng nghìn hộ nông dân trên địa bàn. Tuy nhiên, để từ cam kết đến hành động và hành động hiệu quả, bền vững thì cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các ban ngành và các lực lượng chức năng.
Trang trại tổng hợp rộng 15ha tại xóm 7 xã Xuân Sơn – huyện Đô Lương của ông Đặng Anh Tuấn đi vào hoạt động năm 1995. Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt với hàng ngàn con và trên 5 ha trồng cây ăn quả chưa một lần ông sử dụng chất cấm. Bởi theo ông, sử dụng kháng sinh hay chất cấm trong chăn nuôi là con dao 2 lưỡi- chỉ được lợi trước mắt và sẽ phá hủy lợi ích lâu dài. Nhờ đó, dù chăn nuôi đầy rủi ro nhưng chưa năm nào ông thất bại do dịch bệnh hay sản phẩm bị rớt giá.
Mô hình chăn nuôi lợn nái, lợn thịt sạch của ông Đặng Anh Tuấn
Ông Tuấn chia sẻ: Mục tiêu chăn nuôi bền vững của chúng tôi là hạn chế sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, từ lâu chúng tôi chữa bệnh cho vật nuôi bằng thuốc nam. Còn thức ăn thì đặt vấn đề với các đại lý lớn, đạt chuẩn...
Không phải hộ nông dân nào cũng nhận thức được vấn đề này. Đại đa số bà con nông dân trên địa bàn hiện đang sản xuất, chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ nên nhận thức về sản xuất an toàn đang hạn chế. Chính vì vậy, tổ chức cho bà con nông dân tham quan những mô hình mẫu là cách mà các cấp hội nông dân trong tỉnh triển khai thực hiện nghị quyết chuyên đề “vận động người dân nói không với chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi, chế biến”. Từ cách làm hiệu quả nên chỉ sau một thời gian ngắn triển khai đã có hàng nghìn hộ nông dân cam kết thực hiện. Mô hình chế biến thủy sản của ông Lê Minh Châu Xóm Quyết Tiến xã Quỳnh Lập - TX Hoàng Mai là một ví dụ. Cá chế biến chỉ dùng muối, cấp đông chỉ rửa nước lạnh và cấp đông ngay. Ông Lê Minh Châu mong muốn các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm kinh doanh, sử dụng chất cấm làm ảnh hưởng đến uy tín của các DN khác.
Diện tích cây trồng không sử dụng các loại thuốc BVTV của ông Đặng Anh Tuấn
Đến nay, hàng nghìn hộ nông dân tại 18 địa phương trong tỉnh đã ký cam kết nói không với chất cấm trong sản xuất, chăn nuôi. Thông qua đó, việc giám sát cộng đồng cũng được bà con tiến hành nghiêm túc và có chất lượng hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra trong quá trình thực hiện là cách nhận biết các loại chất cấm, quy trình sản xuất sao cho an toàn, rồi khi phát hiện hội viên sử dụng chất cấm trong sản xuất chăn nuôi thì xử lý như thế nào thì hội nông dân vẫn còn những lúng túng.
Mô hình chế biến thủy sản an toàn của ông Lê Minh Châu
Ông Nguyễn Hữu Nhị - Chủ tịch Hội nông dân cho rằng: Để phong trào phát triển bền vững, cần sự vào cuộc đồng bộ từ hệ thống chính trị, các lực lượng chức năng, cơ quan chuyên môn tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất, chăn nuôi khoa học, đúng quy trình...
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, mỗi năm, Nghệ An sử dụng 500 tấn thuốc BVTV cho các loại cây trồng. Với tổng đàn hàng chục triệu con gia súc, gia cầm nhưng chăn nuôi chủ yếu trong nông hộ nhỏ lẻ,khó kiểm soát chất lượng. Chính vì vậy, việc tuyên truyền vận động người dân cam kết nói không với chất cấm là việc làm cần thiết. Các cấp hội nông dân đang phấn đấu trong năm 2016, 100% cán bộ, hội, viên, nông dân ký cam kết. Đến năm 2020, về cơ bản, việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn được thiết lập và phát huy hiệu quả.
Tác giả bài viết: Thu Vinh – Phạm Gái