Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Những trải nghiệm tuyệt vời ở miền nam nước Pháp

Provence như một cô gái đẹp đầy quyến rũ, khi gặp nạn không thể không gây cảm giác xót thương. Ngày hôm sau, khi một người bạn hỏi “ Giờ có ai hỏi có muốn bay tới Nice, quay trở lại Provence không?”, - “Có” bởi tôi tin tưởng rằng trước sau gì cái đẹp, cái tốt cũng sẽ chiến thắng và được trân trọng.

9 giờ sáng, những quán cafe đêm giờ mới vươn mình tỉnh giấc, mở toang cánh cửa chớp mầu xanh dưới tán lá của giàn hoa bìm bìm tím. Bàn ghế kê ra ngoài trời gần đường đến mức có thể bắt tay người lái xe ngang qua. Bụng hơi đoi đói, tôi vòng qua mấy con phố vắng người chật hẹp vạt tối vạt sáng lên lên xuống xuống quay về khách sạn.

Do ấn tượng bởi những bức tranh cảnh đồng quê với cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy típ tắp đến đường chân trời, những toà lâu đài trên vách núi cao và những ngôi làng cổ xây bằng đá với giàn hoa đỏ phủ kín tường,… tôi ấp ủ ước mong đến vùng Provence miền nam nước Pháp từ nhiều năm nay. Vậy nên khi máy bay hạ dần độ cao bay men theo bờ biển hạ cánh xuống Nice vào lúc giáng chiều, khi những tia nắng cuối cùng chỉ còn len loỉ loé sáng trên đỉnh ngọn núi phía xa và cả thành phố đã lên đèn lộng lẫy uốn lượn theo đường cong của đại lộ chính, tôi không thể không cảm thấy hồi hộp.

 

Những bức tranh cảnh đồng quê với cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy típ tắp đến đường chân trời,...


Nice vào ban đêm lộng gió nhưng không lạnh, không khí biến thoáng mát, nhẹ bẫng như chẳng bị chút tạp chất ô nhiễm nào. Từ Nice chúng tôi còn phải lái xe khoảng hơn hai tiếng mới tới thành phố đặt chỗ ở: Arles- một thành phố trung tâm của vùng Provence. Ngoài nhược điểm duy nhất là cứ đi một đoạn lại phải trả phí đường khá đắt, đường cao tốc của Pháp thiết kế rất hợp lý, dễ hiểu và êm mịn như nuốt chửng từng km. Khách sạn mini của chúng tôi nằm trong khu phố cổ, đường phố chật hẹp như các ngõ ngách ở Hội An, có chỗ đến một xe cũng không lách nổi. Tiếp đón chúng tôi là một “ bô lão” khoảng 80 tuổi, tóc đã bạc phơ nhưng cao to, dáng điệu khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Nhà không có thang máy còn thang bộ bằng đá lại khá chật và xoắn ốc. Sau khi hì hục khuân được va li lên tới phòng mà may mắn khá to , đẹp, tiện nghi, ai cũng mệt phờ lăn đùng ra ngủ như không biết trời đất gì nữa…

Lang thang phố cổ

Sáng sớm, đang lơ mơ bỗng giật thót mình bởi cảm giác như có tiếng động cơ gì đó to lắm ngay sát giường mình nằm. Hoá ra do tại quên không đóng cửa sổ, tiếng của chiếc xe dọn đường chạy qua con phố nhỏ lát đá phát ra những âm thanh vang dội. Tôi bèn tỉnh dậy, ngó qua cửa sổ thấy bầu trời xanh ngắt và những cánh én bay lượn chao đảo. Có lẽ do cảm hứng bay nhẩy của đàn chim mà tôi quyết định thôi không ngủ tiếp nữa, vác máy ảnh đi dạo lang thang trong thành phố một chút. Thực ra thành phố Arles có nguồn gốc rất lâu đời từ Hy lạp, sau bị thể chế La mã chiêu hồi và có thời đã có chế độ vua chúa riêng, cố đô của vùng Provence. Bởi thế nên thành phố nhỏ xinh đẹp nằm bên cạnh bờ sông Rhone này chứa đựng rất nhiều các kiến trúc cổ từ bao nhiêu thế kỷ. Dựa theo trường đấu Colosseum ở Roma, Arles Amphitheatre xây dựng khoảng 20 năm sau đó vẫn còn giữ được vẻ đẹp hùng dũng, ít bị phá huỷ, được UNESCO công nhận di sản văn hoá thế giới và vẫn là nơi diễn ra các hoạt động văn hoá, lễ hội lớn của Provence. Không quá ồn ào náo nhiệt bởi hàng đoàn người du lịch xếp hàng rồng rắn như ở Roma, ở đây bạn có thể thư giãn đi bộ một vòng quanh khu vực trường đấu, nhìn sâu vào những đường hầm và cầu thang dẫn lên đấu trường, hít thở không khí trong lành của buổi sáng và nhìn những cánh chim bay lượn ríu rít qua những vòm đá chia bầu trời xanh thành những đường cong tuyệt hảo. Khâm phục biết bao sức lực của con người từ hàng nghìn năm trước sao lại có thể xây nên những công trình để bao đời sau còn biết đến.

 

Từng góc phố, từng con đường ở đây đều có dấu ấn rất riêng,...


9 giờ sáng, những quán cafe đêm giờ mới vươn mình tỉnh giấc, mở toang cánh cửa chớp mầu xanh dưới tán lá của giàn hoa bìm bìm tím. Bàn ghế kê ra ngoài trời gần đường đến mức có thể bắt tay người lái xe ngang qua. Bụng hơi đoi đói, tôi vòng qua mấy con phố vắng người chật hẹp vạt tối vạt sáng lên lên xuống xuống quay về khách sạn. Cũng đã có nhiều người lục tục xuống ăn, người ngồi trong nhà, người bê ra ngoài hiên nhâm nhi cốc cafe cạnh chậu hoa hotenzia đỏ, để nắng sớm chiếu thẳng vào mặt. Vừa bước chân vào cửa, tôi suýt đâm sầm vào một bà cụ ôm 5-7 cái bánh baguett. Bà ấy cười, mặc dù chỉ đi mua bánh mì buổi sáng thôi mà cũng tô son khá đậm và tươi. Sau khi ngồi xuống cắn vào miếng bánh croissant giòn gian thơm phức mùi bơ nướng, tôi mới hiểu ra được cơ chế làm việc của cái khách sạn nhỏ bé này. Thực ra có thể nói nó vận hành đúng theo kiểu “ công ty gia đình”. Ông tiếp khách ban đêm, bà chuẩn bị bữa sáng, bố chỉ dẫn chỗ đỗ xe và các dịch vụ, mẹ thu tiền ở quầy và cô con gái giúp thu dọn bát đĩa. Có lẽ họ đã làm cha truyền con nối từ lâu đời nên khách sạn có rất nhiều khách quen thường xuyên quay trở lại. Bà mẹ luôn nở một nụ cười duyên dáng còn ông bố hồ hởi bắt tay hỏi han đủ loại người: hai vợ chồng già từ Paris xuống muốn đi thăm lễ hội , hai ông bạn từ Hà lan sang nghỉ ngơi sau một đợt chèo thuyền, một nhóm các bà đi từ Chicago nơi bị chủ nhà chê là gió và lạnh lắm, vùng Provence của ông ta ấm áp hơn… Khi biết bọn tôi người Việt nam, ông ta bảo cũng muốn đi, nhưng chắc chỉ mùa đông thôi vì mùa hè đông khách, phải làm việc cái đã. Cô con gái con ông chủ nhà có mái tóc dài mầu vàng sẫm, nước da trắng và khuôn mặt bầu bĩnh. Cô ta khoảng 25 tuổi, dáng người thon đẹp và nói tiếng anh khá tốt. Nhìn cô ta đi đi lại lại tôi cứ thấy quen quen dường như đã gặp ở đâu đó, thật là vô lý và nghĩ mãi không ra!


Lễ hội

Phải hai ba hôm sau tôi mới dám hỏi có phải chính cô ta là người chụp ảnh trong những tờ áp phích quảng cáo của lễ hội cuối tuần thành phố Arles. Cô ấy gật đầu đầy hãnh diện. Còn tôi mừng rỡ quá lại quyết tâm hôm sau dậy sớm để xem cuộc diễu hành trong trang phục cổ của người dân thành phố này. Với dân số chỉ trên 50 nghìn người, năm nào vào đầu tháng 5 cho đến cuối tháng 7 ở đây cũng diễn ra các lễ hội về văn hoá truyền thống như lễ hội của các chàng trai chăn cừu, lễ hội đua ngựa, lễ hội đèn lồng, lễ hội trang phục …thu hút đông đảo khách du lịch từ mọi miền nước Pháp và trên thế giới tới. Mới 8 giờ sáng mà quảng trường trước toà nhà thị chính với nhà thờ cổ Saint- Trophime đã chật cứng người. Từ người già đến trẻ em còn nằm nôi, tất cả đều trong những bộ trang phục lộng lẫy của từng giòng họ . Nếu không cầm máy ảnh trong tay, tôi nghĩ có lẽ mình đang lạc vào một thế giới khác, thế giới chuyện tranh cổ tích với những ông bà cao tuổi đầu trùm mũ vải, tay chống gậy, những đấng mày râu trong những đôi ủng da bóng loáng trên lưng ngựa , những cô gái cao sang trong chiếc áo dài vải satin các mầu , vai đeo cổ rèm trắng, tóc búi cao gài kim đính trang trí dải nơ trên đầu, trẻ con mặc đồ trắng từ đầu tới chân, lăng xăng cầm băng rôn quảng cáo hay đánh trống thổi kèn gây sự chú ý.

 


Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là nét mặt của mọi người dân trong lễ hội. Tôi chẳng thấy ai buồn hay căng thẳng nhăn nhó. Ai cũng vui vẻ, chào hỏi ôm hôn nhau. Họ hãnh diện vì được tham gia một lễ hội truyền thống nơi mình ở, họ đứng cùng bên nhau cười vui vẻ khi những ống kính tò mò của giới truyền thông hay khách du lịch chĩa vào. Các ông già nhấc mũ nghiêng đầu chào người quen, các bà mẹ sửa từng nếp nhăn trên vạt áo con gái, các chàng trai đỡ các cô nàng xinh đẹp lên lưng ngựa, những cô bé tuổi 14-15 má ửng hồng ngượng ngịu. Sau khi tất cả đã tập trung đông đủ, họ lần lượt xếp hàng nối đuôi nhau đi về khu nhà hát cổ ngoài trời. Tôi cũng đi lẫn vào đoàn nguời hai bên đường, tay bấm máy liên tục mà vẫn có cảm giác khéo mình không ghi nhận được hết những gì đang tận mắt nhìn thấy.

Bấy lâu nay tôi cứ nghĩ mình không thuộc loại người hay ghen tỵ. Nhưng vào buổi sáng hôm đó tôi bỗng cảm thấy thực ra trên thế giới chẳng có sự công bằng: những cô gái đẹp đang ngồi trên lưng ngựa kia khi sinh ra đã ở trong một môi trường quá đẹp, quá nhiều truyền thống đáng tự hào. Họ hẳn có một tuổi thơ êm đềm cạnh bố mẹ, anh chị em họ hàng, bạn bè xung quanh. Họ sinh ra và lớn lên, gắn bó với mảnh đất này trong thanh bình, chẳng biết tới bom đạn thiếu thốn và cũng chẳng có ý định phải đi đâu thích nghi với một môi trường khác lạ. Con cháu họ sẽ tiếp nối xây dựng những tinh hoa đó như hàng ngàn đời nay cha ông họ đã làm. Tôi không xem được màn trình diễn của lễ hội ở nhà hát bởi đã có hẹn với gia đình họ hàng đi thăm một nơi khác trong ngày, nhưng thầm hứa sẽ quay lại nơi đây khi có thể với thời gian nhiều hơn.

 


Ấn tượng về mầu

Có lẽ khi nói đến đồng quê vùng Provence, con người ta nghĩ đến ngay mầu sắc: mầu xanh thẳm của bầu trời biển , mầu xanh sẫm của những rặng phi lao, xanh ánh bạc của lá cây ô liu, xanh mướt của những giàn nho. Vàng sẫm của nhứng cánh đồng lúa chín hay vàng tươi của những cánh hoa hướng dương dưới nắng chiều. Rặng hoa trúc đào hai bên đường lúc đỏ rực, lúc hồng nhạt, lúc trắng tinh. Và tất nhiên không thể bỏ qua mầu tím: mầu tím điểm vàng của hoa irisz mùa xuân và tím cả chân trời của những cánh đồng Oải hương bát ngát. Thật là một thiên đường lý tưởng cho các hoạ sỹ thiên tài mà điển hình là Van Gogh. Sau khi khám phá ra nỗi đam mê với trường phái ấn tượng impressionist, ông đã chuyển về sống tại Arles và chỉ trong vòng hơn một năm cuối đời trước khi lâm bệnh, phong cảnh của vùng quê Provence xung quanh Arles đã là nguồn cảm hứng cho hàng trăm tác phẩm bất hủ, có sức hấp dẫn hiếm thấy trong lịch sử hội hoạ. Những ai đã một lần chứng kiến tận mắt mầu sắc nơi này chắc chắn sẽ mãi mãi là fan hâm mộ các bức tranh: hoa hướng dương, hoa iris, hoa anh đào hay những cánh đồng của Van Gogh.

 

Đến đây, bạn đừng quên thưởng thức các loại bánh và chocolat.


Buổi tối hôm đội Pháp đá với Iceland, tôi ngồi cổ vũ cho đội chủ nhà trong quán ăn được Van Gogh vẽ lại trong bức tranh “ Quán cà phê đêm” . Tất nhiên quán giờ mở rộng ra hơn với bức tường sơn gam mầu mới, đông nghịt khách du lịch tứ phương chứ chẳng tĩnh mịch trong bầu trời đêm lấp lánh các vì sao như Van Gogh miêu tả. Món ăn Tây ba nha: cơm Paella nấu trong chảo với nước thịt gà và hải sản lại hơp với rượu vang nhẹ Rose ướp lạnh của Pháp. Tối hôm đó mỗi bàn ăn là người của mỗi quốc gia khác nhau từ Nhật tới Nga, Tây ba nha tới Mỹ, Pháp lai châu Mỹ la tinh hay lai da đen…. chẳng thể phân biệt được đâu là dân bản sứ. Có một điểm chung duy nhất là cùng vui cùng hò hét sau mỗi bàn thắng của các cầu thủ Pháp, cùng nâng cốc và cảm động trước hình ảnh Payet hôn giầy của đồng đội . Nếu Van Gogh mà còn, chắc ông sẽ vẽ nhiều hơn về mầu da của những con người ở đây!

Một tuần ở Provence trôi qua nhanh chóng bởi cả ngày rong ruổi đi thăm các thành phố lâu đài, leo núi , tắm biển , ngắm sông ngắm hồ, thưởng thức rượu nho của các cha cố nấu và hải sản biển tươi ngon . Phải công nhận Provence có thể chiều lòng tất cả các du khách từ già đến trẻ, lớn đến bé . Do bệnh ham chụp ảnh và ngắm ngía lâu, chúng tôi cũng chỉ đi được một nửa những nơi muốn tới như trong lịch trình đã định.

Quốc khánh Pháp vừa qua, nghe tin vụ thảm sát ở Nice mà cảm thấy rụng rời. Chợt nhớ đến lời bài hát Linh hồn tượng đá : “ Em ơi , em ơi thà không gặp gỡ, thà đừng quen nhau, đừng cho hình bóng , đừng nhìn nhau lâu .... " Provence như một cô gái đẹp đầy quyến rũ, khi gặp nạn không thể không gây cảm giác xót thương đối với những ai đã từng biết đến. Ngày hôm sau, khi một người bạn hỏi “ Giờ có ai hỏi có muốn bay tới Nice, quay trở lại Provence không ? “ . Câu trả lời của tôi vẫn là “ Có” bởi tôi tin tưởng rằng trước sau gì cái đẹp, cái tốt cũng sẽ chiến thắng và được trân trọng.

Tác giả bài viết: Đặng Phương Lan