9 món ăn vặt hấp dẫn khách Tây ở Sài Gòn
- 09:44 19-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dưới đây là những gợi ý của Mark Wiens, một blogger du lịch, sinh ra ở Arizona, Mỹ.
Bánh cuốn
Bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng cuốn với nhân hành khô, thịt bằm, mộc nhĩ... Bánh cuốn Sài Gòn ăn kèm với rau diếp xắt nhỏ và một bát nước mắm chấm.
Địa chỉ gợi ý: Bánh cuốn Hải Nam, đường Cao Thắng, quận 3.
Bánh khọt
Trong khi bánh xèo giống crepe thì bánh khọt lại như pancake phiên bản mỏng hơn. Bánh cũng làm từ bột gạo nhưng với nước cốt dừa, chút bột nghệ để có màu vàng ươm, khuôn nấu bánh là những hình tròn nhỏ, tương đối giống khuôn làm khanom krok (bánh dừa nhỏ của Thái Lan). Sau khi cho bột vào, thêm một con tôm, hành xắt nhỏ bên trên, lớp vỏ ngoài bắt đầu vàng và giòn là lúc bánh đã chín.
Địa điểm gợi ý: Các quán ăn vặt ở chợ Bàn Cờ, quận 3. Bánh khọt Cô Ba Vũng Tàu, đường Cao Thắng, quận 3.
Bánh tráng trộn
Bánh tráng trộn là một món ăn vặt nổi tiếng và đơn giản. Món chỉ gồm bánh tráng xắt nhỏ, trộn cùng với sốt ớt, các loại rau thơm, trứng cút, mực… Đây là món được nhiều bạn trẻ Sài Gòn ưa thích, đặc biệt là giới học sinh, sinh viên.
Địa chỉ gợi ý: Bánh tráng trộn chú Viên, đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3.
Bánh xèo
Bánh xèo như crepe phiên bản Việt nhưng giòn hơn và là món ăn ưa thích của nhiều người. Bánh được tráng một lớp bột, trên chảo dầu, rắc thêm các nguyên liệu như thịt heo, tôm, giá đỗ , hành… Ăn bánh xèo bạn phải kẹp thêm các loại rau như diếp, xà lách, húng quế cùng chút ớt sau đó chấm nước mắm pha chua ngọt.
Địa chỉ gợi ý: Bánh xèo 46A, đường Đinh Công Tráng, Tân Định, quận 1.
Thịt bò nướng lá lốt
Một trong những món vặt không thể bỏ qua khi đến Sài Gòn là bò nướng lá lốt. Thịt bò được xay nguyễn, ướp gia vị và cuộn bằng lá lốt, sau đó đem nướng trên bếp than hồng. Các quán bán món này thường để bếp bên ngoài, khói khan bốc lên cùng mùi thơm của thịt bò và lá lốt. Thịt bò nướng xong sẽ ăn kèm với bánh tráng, rau sống, và nước chấm.
Địa chỉ gợi ý: Cô Liên bò lá lốt, đường Võ Văn Tần, quận 3.
Bột chiên
Ở Singapore, Malaysia, món này còn có tên khác là bánh cà rốt, ở Thái Lan là kkanom pak gat và ở Sài Gòn, mọi người gọi là bột chiên. Nguyên liệu chính là từ bột gạo, bột sắn sau khi nhào sẽ được cắt thành miếng nhỏ, chiên lên trên chảo nóng và gia giảm nhẹ nhàng. Bột được chiên tới khi chín giòn, vàng nâu ở các cạnh, thêm một quả trứng gà đập vào giữa chảo với chút hành tươi rắc lên trên.
Địa chỉ gợi ý: Chợ Bàn Cờ, quận 3
Cháo vịt
Cháo cũng là món ăn nhẹ phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước châu Á khác. Cháo nấu từ gạo với nhiều nước, thịt có thể là thịt heo, lòng heo (cháo lòng) hoặc thịt vịt… Bát cháo vịt còn đi kèm một đĩa thịt vịt, rau sống và nước mắm để khách nêm thêm cho vừa khẩu vị.
Địa chỉ gợi ý: Cháo vịt Thanh Đa, đường Bình Quới, P.27, quận Bình Thạnh.
Gỏi cuốn và chả giò
Gỏi cuốn và chả giò đều có nguyên liệu không thể thiếu là bánh tráng, bún, thịt heo bằm, tôm và một số loại rau. Nhân được đặt gọn trong miếng bánh tráng, cuốn lại là bạn có thể thưởng thức với nước chấm. Đối với chả giò, sau khi gói thì từng chiếc chả sẽ được chiên giòn trong chảo dầu và cách thưởng thức giống như gỏi cuốn.
Ốc
Ốc là món phổ biến ở Việt Nam nên bạn có thể tìm thấy trong thực đơn của nhiều nhà hàng, quán ăn vặt. Cách chế biến loại nguyên liệu này cũng đa dạng, từ luộc, nướng, xào với muối ớt, hấp, cà ri…. Ngoài ốc thì những loại ngao, sò… cũng được chế biến tương tự và hút khách. Món ăn thích hợp cho cả nhóm bạn bè lẫn gia đình, đồng nghiệp, cùng nhau thưởng thức.
Địa chỉ gợi ý: Ốc A Sòi, đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3.
Tác giả bài viết: Hương Chi