Bi kịch từ sự giàu có
- 09:15 19-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mấy tuần nay vẻ mặt dì tôi cứ bần thần, đôi mắt buồn rười rượi. Tôi gặng hỏi thế nào dì cũng chẳng nói. Đến hôm qua thì gì buột miệng, ánh mắt nhìn tôi ngân ngấn nước: “Vợ chồng cái Phương đến tan đàn xẻ nghé mất thôi cháu ạ!”.
Dì Hoa là em út của mẹ tôi. Dì có hai con gái và đều đã lập gia thất. Cái Phương là con đầu của dì, kém tôi 2 tuổi. Hồi học hết cấp 3, Phương thi đại học không đỗ, thi cao đẳng cũng thiếu nửa điểm. Chán nản, nó đành nộp hồ sơ xin đi xuất khẩu lao động, mặc cho chú dì tôi khuyên bảo hết lời.
“Có thi đỗ đại học thì cũng còn mướt mồ hôi mới kiếm được việc làm, trong khi bố mẹ lại phải tốn tiền nuôi con ăn học. Chi bằng con đi lao động, vừa kiếm được nhiều tiền, vừa chẳng mất tiền của bố mẹ, thế chẳng phải tốt hơn không?”.
Nói là làm, nó nhất quyết theo ý mình đã chọn. Là gái Hà Nội nhưng tính nó khác hẳn tính dì tôi. Dì nhẹ nhàng, tinh tế bao nhiêu thì nó lại tồng tộc, láu táu bấy nhiêu. Sau 3 năm đi lao động ở nước ngoài, khi về Phương dẫn theo một người đàn ông đen trùi lũi giới thiệu là người yêu và cũng là dân lao động xuất khẩu cùng chỗ làm với nó.
Hơn một năm sau ngày về nước, Phương tổ chức đám cưới. Với số vốn tương đối khá do tích cóp từ nước ngoài, vợ chồng Phương mua một căn nhà ngay mặt con phố nhỏ và mở siêu thị mini. Do có duyên bán hàng, chẳng mấy chốc hai vợ chồng mua được ô tô và vài mảnh đất ở ngoại thành.
Mua năm trước thì năm sau giá đất tăng vù vù, Hà Nội lại mở rộng địa giới hành chính nên bán mấy mảnh đất này, vợ chồng Phương lãi gần chục lần. Có tiền, hai vợ chồng lại bàn nhau buôn bất động sản và mở thêm chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh. Lãi mẹ đẻ lãi con, cưới nhau chưa đến mười năm mà đôi vợ chồng trẻ đã có trong gần trăm tỷ đồng.
Khỏi phải nói, thấy vợ chồng con gái có của ăn của để, dì tôi là người vui nhất. Dì vốn thương và lo cho Phương nhưng chẳng bao giờ nói ra. Hồi nó mới đi xuất khẩu lao động, thi thoảng gặp tôi, dì lại thở dài: “So với em nó, con Phương thế mà thiệt thòi. Chẳng được học hành đến nơi đến chốn, là con gái lại sớm phải xa nhà để bươn chải kiếm tiền”.
“Em nó” mà dì tôi nhắc đến là cái Lê. Không giống chị gái, suốt 12 năm học, Lê luôn là học sinh xuất sắc, tốt nghiệp lớp 12, nó thi đỗ cùng lúc 3 trường đại học danh tiếng nhưng cuối cùng lại chọn nghề sư phạm của mẹ.
Đến nay Lê cũng đã có gia đình, chồng Lê là cán bộ ngành Tài nguyên môi trường. Lương công chức của hai vợ chồng tiết kiệm lắm cũng chỉ nuôi đủ hai đứa con đang học cấp 1. Những món đồ đắt tiền trong nhà, từ ti vi, tủ lạnh đến điều hòa đều do Phương gửi tặng vào những dịp đặc biệt, lúc là ngày Nhà giáo Việt Nam, lúc khác là dịp sinh nhật hoặc đơn giản vì “thấy tụi trẻ học hành nóng bức mà không có nổi chiếc điều hòa cho mát mẻ”.
Tiền đối với Phương không thiếu, bởi vậy thi thoảng vợ chồng nó vẫn tham gia các chương trình từ thiện. Nhưng nhiều tiền cũng khiến người đàn bà mới ngoài ba mươi tuổi trở nên căng thẳng. Kinh doanh buôn bán không phải trò chơi, sểnh một ly là thiệt hại hàng trăm triệu đồng nên cả hai vợ chồng suốt ngày chúi đầu vào máy móc, sổ sách và đi đi lại lại các chuỗi nhà hàng để quán xuyến, điều hành công việc.
Được bạn bè tư vấn và lời mời nhiệt tình của cô em chồng định cư bên Thụy Điển, nhân dịp nghỉ hè, vợ chồng Phương và các con đã làm chuyến du lịch châu Âu để xả stress và tận hưởng cuộc sống ở nơi đáng sống nhất trên thế giới. Ngao du chừng hơn một tuần thì chồng Phương phải về nước để lo công việc, Phương và các con vẫn ở lại để khám phá tiếp thế giới bên ngoài. Ba mẹ con đi du lịch không thiếu nơi nào, từ Paris, New York, London, đến Moskva, Amsterdam… rồi về Singapor.
Sau gần 3 tháng ngao du, mẹ con Phương mới về nước. Về chưa được bao lâu, Phương nghe hàng xóm đồn thổi chuyện chồng dẫn gái về nhà. Mới đầu Phương còn bán tin bán nghi, nhưng thấy thái độ của chồng không còn nồng nàn như xưa nên Phương đã tự làm “thám tử tư”, và rồi những gì mắt thấy tai nghe đã khiến Phương ngã ngửa.
Người đàn bà qua lại với chồng Phương không ai xa lạ mà chính là cô bạn thân từ hồi còn học phổ thông. Thì ra trong thời gian vợ vắng nhà, do thiếu thốn tình cảm, “mỡ” lại gần miệng “mèo” nên người đàn ông mà Phương gọi là chồng đã đi quá giới hạn với người bạn thân của vợ.
Sau khi sự việc vỡ lỡ, người đàn bà kia có lẽ quá xấu hổ đã chuyển đi nơi khác. Nhưng như người đang ăn dở bị kẻ khác giật mất phần, chồng Phương tìm đủ mọi lý do để hoạch họe và gây sự với vợ. Anh ta không còn là gã trai “mặt sắt” thật thà, yêu vợ thương con như ngày nào nữa; từ lúc có tiền, tính tình con người này cũng “phóng khoáng” hơn với những người đàn bà lạ.
Mới đầu còn lén lút, giấu giếm, dần dần anh ta công khai cặp bồ trước mặt vợ con. Tiền chất cao như núi, nhưng lúc này đối với Phương chẳng còn nghĩa lý gì, không ngày nào hai vợ chồng không cãi nhau chỉ vì chuyện “con nọ, con kia” mà chồng ôm ấp trong nhà nghỉ.
Nếu trước đây, mỗi lần tụ tập với đám bạn, Phương vẫn tự hào khoe với họ rằng, hạnh phúc không thể sinh ra từ túp lều tranh: “Không có tiền thì chẳng thể làm nên trò trống gì chứ đừng nói đến chuyện hạnh phúc”. Nhưng giờ đây, Phương đang ôm cả đống tiền, nhưng hạnh phúc lại đang bỏ cô ra đi.
“Nhà con Lê tuy chẳng giàu có, nhưng vợ chồng nó luôn tình cảm, không ai nặng lời với ai bao giờ. Nhìn cảnh vợ đơm khuy áo cho chồng trong khi chồng nó dạy con cái học bài thì chẳng ai bảo là không hạnh phúc. Còn vợ chồng cái Phương tuy của nả chẳng thiếu thứ gì nhưng vợ chồng sống với nhau mà “đồng sàng dị mộng” thì người làm cha làm mẹ nào chẳng đau đến từng khúc ruột”- dì tôi xa xót.
Lâu lắm rồi dì cháu tôi mới lại ngồi cùng nhau tâm sự. Nói chuyện với tôi nhưng đôi mắt dì lại nhìn vào chốn xa xăm như đang nói với chính con gái yêu quý của mình: “Không phải cứ nhiều tiền mới là hạnh phúc. Có nhiều thứ có thể mua được bằng tiền nhưng hạnh phúc thì không. Mất đi hạnh phúc thì tiền bạc dù có nhiều bao nhiêu cũng chỉ là phương tiện vô hồn, vô nghĩa mà thôi, cháu ạ!”.
Tác giả bài viết: Bảo Lam