Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chấm thi THPT quốc gia 2016: Báo động kết quả thi môn ngoại ngữ

Năm 2015, phổ điểm môn ngoại ngữ thấp một cách bất thường. Năm nay, theo đánh giá sơ bộ của các cụm thi, tình trạng vẫn không khá hơn. Và nhiều chuyên gia dự đoán, nếu Bộ GD&ĐT không thay đổi cách thi, cách đánh giá học sinh, vài năm tới điểm thi ngoại ngữ vẫn đáng báo động.
Năm 2015, trong phổ điểm 8 môn thi THPT quốc gia được Bộ GD&ĐT công bố, phổ điểm môn ngoại ngữ là “thê thảm” nhất. Trong các môn ngoại ngữ, tiếng Anh có số thí sinh đông nhất với gần 552 nghìn em.

Các ngoại ngữ còn lại thì gần như không đáng kể, với tiếng Pháp là 1.224 thí sinh, tiếp theo là tiếng Trung 580, tiếng Nhật 421, tiếng Nga 241 và tiếng Đức chỉ 55 thí sinh. Trước khi diễn ra kỳ thi THPT quốc gia, nhiều giáo viên THPT đã tỏ ra lo ngại khi ngoại ngữ là 1 trong 3 môn thi bắt buộc, hơn nữa lại còn thêm phần tự luận thay vì chỉ có trắc nghiệm như mọi năm.

Tuy nhiên, khó có thể tưởng tượng kết quả của môn thi này lại thấp đến vậy khi có tới 49.715 bài thi chỉ được 3 điểm, về “nhì” là lượng bài thi đạt 2,5 điểm với 49.358 bài. Đây là chưa tính tới các cụm thi do địa phương tổ chức vì nếu tính cả mức điểm của các thí sinh này thì phổ điểm còn rơi lệch nữa về phía điểm dưới trung bình.

So với các môn thi khác như Toán thì mức điểm ngoại ngữ càng cho thấy sự chênh lệch lớn. Mặc dù đứng đầu trong số các môn có nhiều điểm 0 nhưng phổ điểm môn Toán trải đều ở các mức điểm và đỉnh phổ điểm rơi vào điểm 6,5 với hơn 51.500 thí sinh đạt mức điểm này. “Kết quả ngoại ngữ thấp như vậy đúng là điều phải suy nghĩ” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã từng phải thốt lên như vậy.

Phải thay đổi cách ra đề, cách dạy

Trao đổi về môn Ngoại ngữ, PGS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng môn ngoại ngữ thường là môn bắt buộc xét tốt nghiệp ít thí sinh lựa chọn để xét ĐH, CĐ nên điểm sẽ không cao.

 Riêng về phần thi tự luận trong môn Ngoại ngữ, ông Vinh cho biết: “Năm nay tôi chưa kiểm tra, nhưng năm ngoái nhìn chung học sinh bỏ phần này rất nhiều. Vì kiếm hai điểm ở phần này cũng khó hơn so với trắc nghiệm. Thí sinh nếu không lấy điểm xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì không có nhu cầu làm tự luận, họ để thời gian đó để kiếm điểm phần thi trắc nghiệm”.

Còn theo đánh giá của một chuyên gia giáo dục, mấy năm nay chỉ thi trắc nghiệm nên làm “hư” cách học và thi môn Ngoại ngữ. “Thi trắc nghiệm thí sinh tích theo may rủi cũng được 2.5 điểm.  Và thi trắc nghiệm ngoại ngữ không kiểm tra được các kỹ năng nghe, hiểu, viết và nói.

Năm 2015, Bộ GD&ĐT quyết định đưa  thêm phần tự luận, thí sinh bỏ trắng bài là dễ hiểu. Học sinh học ngoại ngữ bây giờ chỉ để đối phó với thi trắc nghiệm” - vị chuyên gia này nhận định.  Cũng theo vị chuyên gia này, ngoại ngữ là môn học phải đánh giá cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Nếu chỉ thi trắc nghiệm, tức là mới chỉ kiểm tra được kỹ năng “nhận dạng mặt” chữ và hiểu của thí sinh.

 

Tác giả bài viết: Hoa Ban