Ông Nguyễn Thiện Nhân: Người Việt Nam không nên đầu độc người Việt Nam
- 09:25 18-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngày 17/7, Đoàn công tác liên ngành do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã khảo sát và làm việc với một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ký kết ngày 30/3/2016. Mục tiêu của Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm hướng đến mục tiêu năm 2017 có 50% số hộ nông dân sản xuất an toàn, năm 2020 có 90% các hộ nông dân sản xuất an toàn.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đây là lộ trình dài nhằm thay đổi nhận thức, muốn vậy, cần hình thành chương trình truyền thông quốc gia về an toàn thực phẩm. Trước hết, cần vận động người sản xuất, bao gồm người nông dân cá thể, hợp tác xã, doanh nghiệp, sản xuất ra các sản phẩm an toàn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân làm việc với Tập đoàn Vingroup. Ảnh
Làm việc với Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã đi thăm trang trại VinEco Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc; làm việc tại Lab kiểm nghiệm an toàn thực phẩm; khảo sát chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại Khu đô thị Vinhome Time City. Nói chuyện với tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên Tập đoàn Vingroup, ông Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao Tập đoàn, từ một doanh nghiệp ở nước ngoài trở về đã có bước phát triển vượt bậc, với 6 lĩnh vực mũi nhọn, góp phần tạo nên những khu đô thị, khu nghỉ dưỡng, sản phẩm nông nghiệp... có chất lượng. Đội ngũ lãnh đạo Tập đoàn đã phản ánh hình ảnh lớp doanh nhân mới - thế hệ góp phần đưa đất nước phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng.
Riêng về vấn đề an toàn thực phẩm, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, Việt Nam đứng thứ hai thế giới (sau Ấn Độ) về xuất khẩu hoa quả. Đây là điều đáng tự hào nhưng an toàn thực phẩm đang là vấn đề đáng lo ngại. An toàn thực phẩm liên quan đến lĩnh vực kinh tế nhưng cũng chính là vấn đề văn hóa của người sản xuất và người tiêu dùng. Chừng nào người sản xuất sản xuất ra những sản phẩm không an toàn, đầu độc người tiêu dùng thì văn hóa không thể hình thành. Người Việt Nam không nên đầu độc người Việt Nam, người Việt Nam phải được tiêu dùng sản phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Mục tiêu của Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hướng đến: Năm 2017, 50% số hộ nông dân cam kết sản xuất an toàn; năm 2020, 90% các hộ nông dân cam kết sản xuất an toàn, từ đó, hình thành phong trào người Việt Nam nói không với thực phẩm bẩn. Đây là lộ trình dài nhằm thay đổi nhận thức, muốn vậy, cần hình thành chương trình truyền thông quốc gia về an toàn thực phẩm. Trước hết, cần vận động người sản xuất (nông dân cá thể; nông dân hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh) sản xuất ra các sản phẩm an toàn.
Ông Nguyễn Thiện Nhân gợi mở: Hệ thống phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của Tập đoàn có thể hướng đến việc kiểm nghiệm cho cả các đơn vị ngoài, vì các đơn vị khác chưa đủ năng lực để đầu tư một hệ thống kiểm nghiệm hiện đại. Đó cũng là một cách xã hội hóa làm nông nghiệp sạch, giảm chi phí. Tương tự, về đầu ra cho sản phẩm sạch, ngoài hệ thống kênh cung cấp của mình, Tập đoàn nên hướng đến việc cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch ra thị trường bên ngoài; tính toán hiệu quả kinh tế, làm sao để sản xuất thực phẩm sạch nhưng giá thành phải hợp lý để hướng đến đại bộ phận người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, người nông dân Việt Nam rất sáng tạo nhưng không phải là người phân tích thị trường, không biết làm cách nào bán được sản phẩm mà không bị thiệt. Người nông dân bán sản phẩm an toàn nhưng người tiêu dùng không phân biệt được, trả giá thấp... Vì vậy, cần có cách tính toán để đưa sản phẩm của 6-7 triệu người nông dân vào được cửa hàng thực phẩm an toàn.
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, thách thức của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện nay là chủ yếu dựa trên sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, hiệu quả thấp, vấn đề an toàn thực phẩm đáng lo ngại… Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu ngày càng nặng nề; cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng găy gắt. Thực tế đó đòi hỏi phải tái cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam.
Tác giả bài viết: Ngọc Mai