HLV Đức Thắng và HLV Việt Hoàng: Đồng đội xưa giờ phân chiến tuyến!
- 08:41 16-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Kết thúc 90 phút trận đấu giữa CLB Sài Gòn và SLNA, bầu Hiển chạy từ khán đài sân Thống Nhất xuống đường piste với nụ cười rất tươi. Đội bóng tập hợp lại, nghe ông chủ nói mấy câu chúc mừng để rồi tất cả đều hoan hỉ. Không nhầm thì ông Hiển đã lại hứa thưởng lớn, chắc chắn vượt khung.
Đức Thắng và Việt Hoàng từng là đồng đội với nhau tại Thể Công, nhưng bây giờ họ buộc phải ở 2 bên chiến tuyến. Ảnh: VSI
Đêm đó, BHL và các cầu thủ liên hoan lớn lắm, lớn hơn cả Hà Nội T&T với đại công vượt qua nhà vô địch B.Bình Dương tỷ số 5-4, trận đấu mà bầu Hiển và phu nhân đã cười rất sảng khoái sau các bàn thắng ở Gò Đậu.
Thần thiêng nhờ bộ hạ
Đức Thắng trước khi dẫn dắt CLB Hà Nội (tên gọi tiền thân của Sài Gòn FC bây giờ) và có công đưa đội bóng thăng hạng từng có nhiều năm làm các tuyến trẻ ở Hà Nội T&T. Cựu danh thủ Thể Công (cũ) và ĐT Việt Nam này tỏ ra rất mát tay, khi giúp U19, rồi U21 Hà Nội T&T giành chức vô địch các giải đấu trong hệ thống thi đấu trẻ quốc gia. Thậm chí, năm 2015, khi U21 Hà Nội T&T dưới quyền HLV Phạm Minh Đức một lần nữa đăng quang, cũng là thừa hưởng di sản mà Đức Thắng để lại.
“Quân” của Hà Nội T&T, từ người cầm lái đến đội ngũ cầu thủ, đều thành công ở mức độ khác nhau khi rời đội bóng Thủ đô. Nếu như Đức Thắng đã và đang giúp tân binh Sài Gòn trở thành một hiện tượng thú vị ở V-League mùa này, thì ở xứ hoa phượng, Trương Việt Hoàng, cũng là một thuộc cấp trước đây của bầu Hiển, thậm chí còn làm được nhiều hơn thế, khi gây dựng Hải Phòng từ một đội bóng trung bình trở thành ứng viên số 1 cho chức vô địch V-League.
Đức Thắng và Việt Hoàng có thể nói là cùng thời với thâm niên làm bóng đá đỉnh cao không nhiều, nhưng lại đang được biết đến như những HLV trẻ tuổi tài cao. Cái hay của Hà Nội T&T, của bầu Hiển, là ông thu hút được nhân tài và trao cho họ cơ hội phát triển nghề nghiệp. Phan Thanh Hùng ở Đà Nẵng ra, Đức Thắng, Việt Hoàng từ Thể Công (về), Chu Đình Nghiêm thuộc “đời đầu” cùng Triệu Quang Hà, nhưng cả 2 đều không có gốc gác Hà Nội, Huỳnh Đức tại Chi Lăng, Hoàng Văn Phúc ở Quảng Nam…
Trước khi Việt Hoàng được mời về dẫn dắt Hải Phòng (mùa giải 2015) ở phút 89, ông Hoàng Văn Phúc mới là ứng viên số 1. Việt Hoàng mới chỉ trải qua một đôi mùa dẫn dắt đội hạng Nhất CLB Hà Nội và thậm chí, chưa từng cầm một CLB chơi V-League. Nhưng, cùng với thời gian, Hoàng “bột” khiến người hâm mộ đất Cảng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thành công của Việt Hoàng hẳn cũng khiến ông Đỗ Quang Hiển nở mày nở mặt. Có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ” là thế.
Ở các đội bóng có liên đới với bầu Hiển, việc phân công lao động cũng như vai trò là rất rõ ràng, từ vai trò của các Chủ tịch CLB, đến ê-kíp BHL và đội ngũ cầu thủ. Ngọc Duy và Quốc Long được điều chuyển về CLB Sài Gòn cũng là sự chia sẻ, với bầu Hiển là người có tiếng nói quyết định, chứ không hẳn là Chủ tịch Nguyễn Giang Đông. Tình huống tương tự với Hà Minh Tuấn, Phan Thanh Hưng, Hùng Sơn hay Đinh Thanh Trung về QNK Quảng Nam vậy. Chẳng có gì tự nhiên cả.
Thương hiệu Thể Công
Thể Công (cũ) từng là một thương hiệu cỡ bự trong làng bóng đá Việt Nam với lối chơi hào hoa, thậm chí có thể nói là “quý tộc”. Trong rất nhiều giai đoạn khác nhau khi còn tồn tại, Thể Công từng cung ứng cho các ĐTQG rất nhiều nhân tài, từ quân đến tướng. Ngay lúc này, khi cái tên Thể Công đã không còn tồn tại trên bản đồ bóng đá Việt Nam, thì những người cũ có xuất xứ từ lò đào tạo trứ danh này, vẫn làm rạng ranh đội bóng áo lính. Việt Hoàng và Đức Thắng là 2 trong số đó.
VCK U19 QG ở Nha Trang hồi tháng 3/2016, đội bóng trẻ Viettel với thuần những nguyên liệu Thể Công (cũ) đã trình diễn một lối chơi đầy thuyết phục và chỉ chịu thua U19 Hà Nội T&T sau loạt sút luân lưu định mệnh. Người chiến thắng lấy đi tất cả, nhưng không hẳn là có tất cả, khi những tình cảm tốt đẹp nhất của khán giả Khánh Hòa lại chỉ dành cho U19 Viettel, cho phó tướng Hải Biên, chánh tướng Hoa Mạnh Hưng và các cộng sự.
Trở lại với các câu chuyện của Đức Thắng, của Việt Hoàng. Đương thời, họ đều thuộc mẫu những cầu thủ cần cù mà hào hoa, kiệm lời và luôn cháy hết mình trên sân. 2 người họ khởi nghiệp huấn luyện theo những cách và hướng đi không giống nhau, nhưng chung quy lại, đều có sự tích lũy một cách tỉ mỉ. Hoàng “bột” được yêu mến như lúc này cũng nhờ cái khí phách đàn ông của một người không thích hơn thiệt trên mặt báo. Câu trả lời của “cậu bột” là ở trên sân cỏ, là thành tích.
Trong rất nhiều các phạm trù văn hóa, thì bóng đá dễ vận vào người nhất. Dân trong nghề vẫn kháo nhau rằng, hãy cứ xem cách họ thi đấu, huấn luyện và những biểu hiện trên sân cỏ, trong cabin BHL, sẽ đoán ra được họ là người như thế nào ở ngoài đời. Đức Thắng và Việt Hoàng tuy không đại diện cho cả một thế hệ vàng những HLV trẻ tài năng (so với Huỳnh Đức hay Hữu Thắng, Văn Sỹ…, thành tích của họ còn khá khiêm tốn), nhưng họ xây dựng được giá trị cốt lõi của những biểu tượng.
10 Hải Phòng đã giành đến 10 chiến thắng trên tổng số 15 trận đã đấu ở V-League 2016 và chỉ để thua 2 trận (con số này của CLB Sài Gòn là 3 và 4). Đây là thành tích tốt nhất của đội bóng đất Cảng ở 15 lượt trận đầu tiên khi tham dự V-League.
6 Năm ngoái, khi lần đầu tiên dẫn dắt Hải Phòng đá V-League, HLV Trương Việt Hoàng đã đưa đội bóng xứ hoa phượng cán đích ở vị trí thứ 6; trong khi đó, CLB Hà Nội của HLV Nguyễn Đức Thắng giành suất lên chuyên bằng chức vô địch giải hạng Nhất.
1 Hải Phòng và CLB Sài Gòn đã hòa nhau 1-1 ở trận lượt đi, nhiều ý kiến cho rằng, có thể họ sẽ lại cưa điểm trong trận lượt về diễn ra trên SVĐ Thống Nhất vào chiều mai (17/7).
Tác giả bài viết: Tùy Phong