Đáng sợ: Gần 11% thịt, hơn 20% cơ sở không đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm
- 07:57 16-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thuỷ sản nuôi. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao.
(Ảnh minh hoạ).
Tại hội thảo nông sản an toàn diễn ra sáng nay (15/7), ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), cho biết, thống kê đến tháng 6/2016 cho thấy tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (Loại A/B) về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đã tăng lên 79,76% (lũy kế năm 2015 là 78,3%).
Tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A, B là 35,84% (lũy kế năm 2015 là 34,43%).
Theo ông Hào, cơ quan giám sát an toàn thực phẩm sản phẩm nông lâm thủy sản tập trung giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thuỷ sản nuôi. Kết quả giám sát cho thấy tỷ lệ mẫu vi phạm có giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao.
Cụ thể, kết quả 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy: Rau có 4,2% vi phạm trong đó thuốc bảo vệ thực vật chiếm 3,98% giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm hồi tháng 10/2015-2/2016 (5,17%); thủy sản nuôi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm chiếm tỷ lệ 1,61% trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm (chiếm 1,41%, tăng so với cuối năm 2015 (1,14%).
Đáng lưu ý, dù đã giảm so với tháng cao điểm nhưng vẫn có tới 10,93% sản phẩm thịt kiểm tra vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó: Vi phạm vì chứa chất vi sinh là 9,7% giảm so với đợt cao điểm (15,4%); có chứa hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng (chiếm 1,3%, giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (1,91%).
Ông Hào cho biết, về cơ bản đã có đầy đủ căn cứ pháp lý và chính sách triển khai, nội dung quản lý và kiểm soát dựa trên nguy cơ, hài hoà với thoả thuận WTO/SPS, hệ thống tập trung. Bộ NN&PTNT đã ban hành quyết định về phân công, phân cấp nhằm làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, giữa trung ương và địa phương. Theo đó, các nguồn lực được huy động, phân công và cơ chế điều phối, phối hợp rõ ràng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Tuy nhiên, trái với đánh giá của đại diện Bộ NN&PTNT, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) lại cho rằng, hệ thống chính sách quy chuẩn liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, còn gây nhiều tranh cãi.
“Ví dụ khi đề cập đến vấn đề cà phê bẩn hầu hết chưa chỉ ra cụ thể bẩn như thế nào, do đó việc của nhà quản lý phải ban hành tiêu chuẩn cà phê rang xay, từ đó kiểm soát chất lượng. Việc quản lý an toàn thực phẩm được giao cho Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nhưng lại phân chia nhỏ, quản lý đồng ruộng là Bộ Nông nghiệp, quản lý lưu thông là Bộ Công Thương,… Vì vậy cần phải có sự phối hợp giữa các bộ ngành”, ông Tự nói.
TS Vũ Tuấn Anh - Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) chỉ ra rằng những quy định pháp luật hiện nay đều có nhưng chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, bộ máy quản lý nhà nước không xác định được trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân cụ thể về an toàn thực phẩm, không ai bị kỷ luật khi để tình trạng mất an toàn thực phẩm tràn lan. Công tác thanh tra kiểm soát của lực lượng chức năng không tốt, không nghiêm, còn tình trạng bao che, thông đồng.
Ông Ngô Văn Hiệp - Trưởng Phòng Luật sư tại Hà Nội nêu ý kiến: “Tôi đã nghiên cứu và thấy cơ bản văn bản, quy định hiện nay khá hoàn chỉnh nhưng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ngoài việc doanh nghiệp và các cá nhân bất chấp đạo đức mà còn do công tác thanh tra, kiểm tra nhà nước còn kém. Hầu hết các vụ việc vi phạm hiện nay đều do báo chí hoặc người dân thông báo, cơ quan quản lý rất thụ động. Bên cạnh đó, chế tài không có hoặc quá nhẹ cũng là nguyên nhân khiến người ta không tuân thủ. Về nội dung này, cơ quan nhà nước cần xem lại”.
Bàn về giải pháp, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho rằng, cần phải truy ra ai là người gây ra mất an toàn sản phẩm và giải quyết với từng đối tượng trong 3 nhóm chính là sản xuất, lưu thông và một nhóm khác là thúc đẩy kích thích sử dụng chất cấm, chất độc.
Ông Vân đặc biệt nhấn mạnh, quan trọng nhất là vấn đề thể chế, người chăn nuôi cũng làm ăn, kiếm tiền, sợ pháp luật nhưng hình như họ nghĩ pháp luật nằm ngoài ngoài sản xuất và họ không sợ pháp luật.
“Cần phải khiến họ sợ, và nghe thông tin để không dám sử dụng chất cấm, cần cứng rắn để ngăn cấm. Nói loạn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhưng không xử lý cứ để người nông dân làm do đó cần truy tố, người nông dân mới sợ. Cần sửa đổi một số điều trong bộ Luật Hình sự, tôi tin chất cấm sẽ giảm mạnh và nhiều người không dám dùng”, ông Vân nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Phương Dung