Lối chơi kiểm soát bóng đã chết như thế nào
- 06:57 16-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Năm 2008 được xem là thời điểm khai sinh ra lối chơi kiểm soát bóng, mà đỉnh cao là những thành công của Barcelona và đội tuyển Tây Ban Nha. Nhưng chỉ tám năm sau nó đã đến hồi cáo chung.
Những cái tên đã góp phần “giết chết” mốt kiểm soát bóng là Leicester City, Atletico Madrid và tuyển Italy. Các đội này đã chứng minh việc giữ bóng trong phần lớn thời gian trận đấu không đồng nghĩa với một chiến thắng. Minh chứng gần nhất là Bồ Đào Nha - đội bất ngờ đăng quang Euro 2016 dù không hề kiểm soát bóng nhiều hơn đối thủ trong cả bốn trận đấu ở vòng knock out.
Bóng đá đã thay đổi trong tám năm qua, giai đoạn mà lối chơi “phòng ngự bằng tấn công” của Barca dưới thời Pep Guardiola trở thành một biến thể thành công khác dưới thời Luis Enrique, với những sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong tấn công. Đó cũng là giai đoạn mà Tây Ban Nha thống trị thế giới bằng lối chơi tiki-taka, được minh chứng qua hai chức vô địch Euro (2008 và 2012) xen kẽ với một danh hiệu World Cup (2010).
Bóng đá đã thay đổi trong tám năm qua, giai đoạn mà lối chơi “phòng ngự bằng tấn công” của Barca dưới thời Pep Guardiola trở thành một biến thể thành công khác dưới thời Luis Enrique, với những sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa trong tấn công. Đó cũng là giai đoạn mà Tây Ban Nha thống trị thế giới bằng lối chơi tiki-taka, được minh chứng qua hai chức vô địch Euro (2008 và 2012) xen kẽ với một danh hiệu World Cup (2010).
Tây Ban Nha từng có bốn năm thịnh trị trên đỉnh vinh quang của bóng đá thế giới, nhờ chơi kiểm soát bóng với những hạt nhân như Iniesta.
Nhưng ở Paris, chính đội tuyển Tây Ban Nha đã thua 0-2 ở vòng 1/8 trước Italy, đội bóng chỉ có tổng cộng 40% thời gian kiểm soát bóng. Hai năm trước, đội bóng xứ bò tót thậm chí còn không vượt qua nổi vòng bảng World Cup 2014, dù chiếm hai phần ba thời gian kiểm soát bóng trong cả hai trận thua Hà Lan 1-5 và Chile 0-2. Trong khi Barca vẫn giữ được phần nào ưu thế với lối chơi này, Tây Ban Nha đã không làm được điều tương tự.
Vài tiếng sau thất bại của Tây Ban Nha, đến lượt tuyển Anh của Roy Hodgson cũng bị loại bởi Iceland - đội chỉ sở hữu chưa tới một phần ba thời lượng kiểm soát bóng ở Nice. Euro 2016 được ví như một ống kính hiển vi để nhìn rõ sự biến đổi của chiến thuật trong vòng hai năm qua, và cũng để nói lời chia tay tiki-taka.
Hãy lấy đội tuyển Anh của Roy Hodgson làm ví dụ. Bốn trận đấu với tỉ lệ kiểm soát bóng lần lượt là 52%, 70%, 61% và 68%, tất cả đều trước những đội bóng yếu hơn nhưng họ chỉ giành được một chiến thắng. Không thể trách thất bại của người Anh là do chất lượng đội hình hay phong độ cầu thủ. Cái "Tam Sư" thiếu chính là sự sắc bén trong việc triển khai bóng khi đã tạo được đủ áp lực cần thiết lên đối phương.
Nhưng đó lại là điều mà Iceland có được, cũng như Xứ Wales, Bồ Đào Nha và Italy. Các đội này biết rằng đối thủ rất muốn kiểm soát bóng, và họ buộc phải chấp nhận điều đó. Nhưng bù lại, họ sẽ chơi kỷ luật, tập trung số đông ở hàng tiền vệ và di chuyển liên tục. Cách chơi đó biến họ thành một tập thể công nhân cần mẫn, có phần hơi khắc khổ nhưng lại mang đến hiệu quả.
Tại Euro 2016, 15 trận đấu (chiếm 30%) được chiến thắng bởi đội có thời gian kiểm soát bóng ít hơn 45%, bao gồm bốn trận đấu ở vòng knock-out của Bồ Đào Nha. Quay ngược về 10 năm trước, World Cup 2006 ở Đức chỉ chứng kiến hai chiến thắng (chiếm 3%) dành cho đội kiểm soát bóng ít hơn 45%, và con số này ở World Cup tại Nam Phi bốn năm sau cũng chỉ là ba trận (chiếm 5%).
Sự thay đổi diễn ra rõ ràng hơn ở Brazil cách đây hai năm, thời điểm Atletico Madrid vừa đăng quang La Liga và vào tới chung kết Champions League nhờ lối chơi phòng ngự phản công. Ở World Cup năm đó, 16 đội (chiếm 25%) giành chiến thắng với tỉ lệ kiểm soát bóng ít hơn 45%, và xu hướng này tiếp tục phát triển vào năm 2015 và 2016. Một phép tính đơn giản sẽ làm rõ sự gia tăng này. Nếu như ở World Cup 2010, một đội bóng sở hữu dưới 45% thời gian kiểm soát bóng chỉ có 5% cơ hội chiến thắng thì tại Euro 2016, cơ hội đó là 33%.
Bồ Đào Nha từng chơi kỹ thuật, xem trọng khâu giữ bóng, giờ cũng từ bỏ sở trường đó, và chơi thiên về sức mạnh với những tiền vệ giàu khả năng tranh chấp như Renato Sanchez. Ảnh: Reuters.
Kiểm soát bóng không còn đồng nghĩa với kiểm soát thế trận. HLV Arsenal, Arsene Wenger hoàn toàn đồng ý với luận điểm này. "Kiểm soát bóng đã không còn mang lại những giá trị như trước đây", ông phát biểu sau chiến thắng 2-1 của Arsenal trước Man City hồi tháng 12/2015.
Wenger nói thêm: "Đây là năm đầu tiên tại Ngoại hạng Anh mà việc kiểm soát bóng không mang lại cho bạn những điều bạn mong đợi. Tôi vẫn giữ triết lý của mình, nhưng tôi cũng quan sát những con số thống kê sau mỗi trận đấu. Tôi đang cố gắng tìm hiểu, liệu có điều gì đó mới mẻ đang xảy ra mà chưa hề tồn tại trước đây?".
Arsenal chỉ kiểm soát bóng 37% ở Emirates hôm đó, nhưng lại có chiến thắng để giúp họ leo lên ngôi đầu bảng điểm trong dịp Giáng sinh. Ở chuyến làm khách tiếp theo trước Southampton, Arsenal để cho đoàn quân của Ronald Koeman có 35% thời gian kiểm soát bóng và kết quả là thầy trò Wenger thua thảm 0-4.
Hy vọng cạnh tranh chức vô địch của Arsenal khép lại vào đầu năm 2016 với những thất bại dưới tay Man Utd (đội sở hữu 39% thời gian kiểm soát bóng), Swansea (37%), cũng như những trận hòa trước Stoke (45%), Southampton (33%), West Ham (39%) và Crystal Palace (28%).
"Mọi người đừng đánh giá qua cao việc chiếm nhiều thời gian kiểm soát bóng", HLV tạm quyền Guus Hiddink ở Chelsea nhận định hồi tháng 2 năm nay, thời điểm mà mọi người đã bắt đầu tin vào chức vô địch thần thánh của Leicester City.
"Hầu hết các đội đều muốn kiểm soát bóng. Và rồi bạn làm gì với chúng? Chúng ta có đến 65%, 67% hoặc 70% thời gian kiểm soát bóng nhưng đối thủ thì nói rằng: 'Chúng tôi không quan tâm, chúng tôi vẫn có cách để ghi bàn'. Liệu bạn vẫn sẽ bảo vệ lối chơi của mình? Hay chỉ nên quan tâm việc làm sao để tấn công hiệu quả? Tôi nghiêng về phương án thứ hai nhiều hơn", Hiddink nói thêm.
Những thống kê trong 10 năm qua tại Ngoại hạng Anh cho thấy sự thay đổi chóng mặt về việc kiểm soát bóng và cũng đã có không ít đội thành công khi để đối thủ giữ bóng nhiều hơn.
Leicester cũng thành công ở Ngoại hạng Anh mùa vừa qua và đăng quang nhờ lối chơi ít thiên về kiểm soát bóng.
Leicester đăng quang Ngoại hạng Anh dù hồi đầu mùa, tỷ lệ đặt cược dành cho họ là 1 ăn 5000. Lối chơi của đội bóng này được xem là một trong những chiến thuật hiệu quả nhất lịch sử giải đấu hàng đầu nước Anh. Cần phải thừa nhận, Leicester chơi không đẹp mắt, nhưng việc sở hữu tới sáu cầu thủ tuyến trên đều có khả năng phòng ngự đã giúp họ tạo nên sự cân bằng, kỹ thuật, tốc độ, năng lượng và chính xác.
Atletico, tương tự, cũng mang đến lối chơi khó chịu mà không phải đội bóng nào cũng có thể hóa giải được. Sắp tới đây, dù muốn hay không, người hâm mộ có thể sẽ thấy nhiều hơn những Leicester hay Atletico ở đấu trường Ngoại hạng Anh và La Liga. Mùa giải 2007-2008, 19 đội giành chiến thắng khi sở hữu dưới 40% thời gian kiểm soát bóng. Mùa giải 2014-2015, con số đó tăng lên 46, và mùa vừa rồi là 52.
Dù thành công hay không, các đội bóng cũng bắt đầu theo đuổi lối chơi này nhiều hơn. Ở mùa 2006-2007, 96 đội cho đối phương kiểm soát bóng hơn 60%. Con số đó được tăng lên 163 ở mùa 2013-2014 và luôn giữ ở mức trung bình 150 trong hai mùa gần nhất.
Cấp độ đội tuyển quốc gia cũng cho thấy xu hướng tương tự. Ở World Cup 2006, chỉ có 31% số đội cho đối thủ kiểm soát bóng nhiều hơn 55%. Đến năm 2014, con số này được tăng lên 75% và ở Euro 2016 là 76%.
Đằng sau những con số đó, diện mạo của một đội bóng hiện đại sẽ như thế nào? Theo chuyên gia bóng đá người Tây Ban Nha Guillem Balague của Sky Sports cho biết, đây có thể là câu chuyện bình mới rượu cũ.
"Nhìn tổng thể, tôi ngỡ mình đang được trở lại bóng đá của cuối thập niên 1990 và đầu 2000. Chúng ta tưởng rằng lối chơi này không còn phù hợp, nhưng giờ nó lại trở nên hợp thời. Những cầu thủ kỹ thuật như Ricardo Quaresma, Joao Moutinho, Andre Gomes, Rafa Silva, Kingleys Coman và Anthony Martial lại phải ngồi trên băng ghế dự bị để nhường chỗ cho những tiền vệ có thiên hướng phòng ngự tốt hơn", Balague phát biểu sau trận chung kết Euro 2016.
"Hàng tiền vệ Bồ Đào Nha có William Carvalho, Renato Sanches và Adrien Silva, trong khi bên phía chủ nhà Pháp là Moussa Sissoko, Blaise Maituidi và Paul Pogba. Có thừa sức mạnh và năng lượng ở cả hai bộ ba này, nhưng sự tinh tế và sáng tạo lại thiếu hẳn đi. Tuy nhiên, đó là hình ảnh mà bạn có thể nhìn thấy ở hầu hết các nhà vô địch châu Âu", chuyên gia của Sky Sports nói thêm.
Bồ Đào Nha kiểm soát bóng ít hơn và họ đã giành chiến thắng. Lối chơi này có thể sẽ lại thành công với một người Bồ Đào Nha khác ở Ngoại hạng Anh. Balague tin rằng, dù Jose Mourinho từng gặp khó khăn với Chelsea ở mùa giải trước, sự thay đổi này là một tin vui cho "Người Đặc biệt" và Man Utd.
Balague đánh giá: "Bóng đá là một vòng luân hồi, thời của lối chơi kiểm soát bóng, phòng ngự bằng tấn công có thể đã qua. Chelsea của Mourinho từng thấm thía điều này khi họ không thể đánh bại 10 người của PSG ở Champions League. Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là lúc Mourinho phát triển triết lý chơi bóng của mình".
Thay đổi về xu hướng chiến thuật là một thuận lợi cho Mourinho khi ông đến Man Utd với sứ mệnh giúp đội nhà đoạt danh hiệu ngay tức khắc mùa tới. Ảnh: PA.
Ngoại hạng Anh 2015-2016 là mùa giải bất ngờ nhất trong lịch sử. Khoảng cách giữa những đội trong tốp tám đã xích lại gần hơn kể từ năm 1997.
Với xu hướng đó, các CLB hàng đầu cần học cách thích nghi. Wenger từng phát biểu hồi tháng 12/2015 rằng ông muốn "giữ triết lý của mình", lối chơi dựa trên nền tảng kiểm soát bóng của Pep và Bayern Munich thành công ở Bundesliga nhưng không hiệu quả ở châu Âu. Trong khi đó, chắc chắn Mourinho và Conte sẽ toàn tâm toàn ý vào đấu trường quốc nội khi không phải căng sức tại Champions League.
Hãy nhìn vào quan điểm của nhà vô địch Leicester: "Nếu không thể đánh bại, hãy tham gia cuộc chơi cùng đối thủ".
Tác giả bài viết: Thái Ân