Thầy giáo xây bể, dạy bơi cho học sinh nông thôn
- 06:52 16-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Thật đau đớn mỗi khi nghe tin các em học sinh bị đuối nước. Là giáo viên được đào tạo bài bản về bơi lội và kỹ thuật cứu đuối, tôi muốn truyền lại những kiến thức đó để các em tự bảo vệ chính mình” - chia sẻ của Phan Đăng Quảng (Yên Thành, Nghệ An).
Thầy giáo xây bể dạy học sinh nông thôn tập bơi
Mới khai trương từ ngày 23/6 nhưng lớp học bơi của thầy Phan Đăng Quảng (quê xã Hợp Thành, hiện công tác tại Trường THCS Hợp Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) đã có nhiều phụ huynh đến đăng kí cho con theo học. Số học sinh học bơi đã lên tới hơn 200 em, độ tuổi từ 8-14.
Chị Lê Thị Bình (ở xã Đồng Thành, Yên Thành) vượt hơn 10km đưa 2 con và 2 người cháu độ tuổi từ 8-10 xuống thị trấn Yên Thành để học bơi.
“Ở nhà mình không có điều kiện để hướng dẫn, dạy con tập bơi. Nghe nói ở đây mới mở lớp, có các thầy cô dạy thể dục các trường trực tiếp hướng dẫn nên thấy yên tâm. Học phí 350 nghìn đồng/khóa/15 buổi/1 cháu thì không phải là đắt so với người dân nông thôn nhưng quan trọng là các cháu biết bơi, biết cách tự cứu mình, cứu người khác khi sự cố xảy ra”, chị Bình tâm sự.
Lớp học bơi của các thầy cô giáo thể dục tại Yên Thành mới đi vào hoạt động nhưng thu hút hơn 200 học sinh lứa tuổi từ 8-14 đến học.
Hàng chục phụ huynh ngồi trên bờ, theo dõi thầy giáo hướng dẫn con mình tập bơi. Hôm nay bể lớn đang thau rửa nên thầy trò phải chuyển sang bể nhỏ để học. Dưới bể, 2 thầy giáo đang miệt mài hướng dẫn khoảng hơn 20 học trò tập bơi. Một số đã sải cánh tay bơi dọc bể, số còn lại là học sinh mới, các thầy giáo phải cầm tay trực tiếp hướng dẫn hoặc thị phạm để học sinh theo dõi và tập theo.
Đây không phải là bể bơi đầu tiên ở huyện Yên Thành nhưng lại là bể bơi có đông học sinh nhất tuy mới chỉ đưa vào hoạt động chưa lâu. Hai chiếc bể bơi này là tâm huyết của thầy Phan Đăng Quảng và các đồng nghiệp của mình.
“Mỗi khi nghe tin một học sinh nào đó bị đuối nước, thật sự tôi đau lòng lắm. Phải trang bị kỹ năng bơi lội, kỹ năng ứng phó với các tình huống liên quan đến đuối nước cho các cháu một cách bài bản, tôi nghĩ thế. Tôi là giáo viên thể dục, đã được đào tạo về bơi lội nhưng đưa các cháu ra ao hồ hay sông để luyện tập thì không ổn. Suy nghĩ mãi nên bàn với gia đình đầu tư xây dựng một cái bể bơi mi-ni để có địa điểm thuận lợi và an toàn nhất cho các em học bơi”, thầy Quảng tâm sự.
Các em được hướng dẫn, truyền thụ các kỹ thuật bơi lội và kỹ năng ứng cứu khi xảy ra sự cố về đuối nước.
Ngoài số tiền huy động từ gia đình, thầy Quảng vay mượn thêm từ bạn bè, đồng nghiệp đầu tư hơn 700 triệu để xây dựng 2 bể bơi. Bể bơi nhỏ có diện tích 50m2, bể bơi lớn hơn có diện tích 128m2. Cả hai bể bơi đều có hệ thống mái che, công trình phụ như phòng thay đồ, phao bơi… Để đảm bảo vệ sinh môi trường nước cho học sinh, thầy Quang trang bị mỗi bể bơi một máy lọc nước điện phân và clo.
Các lớp học được chia thành các buổi học thứ 2-4-6 hoặc thứ 3-5-7. Có 4 thầy cô giáo thay nhau trực tiếp hướng dẫn. Thầy giáo thể dục Nguyễn Văn Chương cho biết: “Số tiền học phí hơn 22 nghìn đồng/1 buổi phục vụ cho việc vận hành, vệ sinh, điện nước… Chúng tôi tham gia dạy bơi cho các em là vì tâm huyết chứ thực tế thù lao chẳng đáng bao nhiêu so với việc ngâm mình dưới nước gần như cả ngày, hò hét khản cả cổ vì học trò nhiều lứa tuổi khác nhau lại nghịch, hay mất tập trung. Cái quan trọng là giúp các em tập bơi, phòng tránh đuối nước, trang bị các kỹ năng cứu mình, cứu người khi xảy ra các tình huống đuối nước”.
Sau gần 1 tuần học, em Đinh Thị An Bình (8 tuổi) đã bơi được khá thành thạo. Trước đây Bình rất nhát nước, bị ngợp khi bố mẹ cho ra hồ hoặc đi biển nhưng hôm nay, cô bé đã tự tin, hào hứng khi xuống bể bơi với các bạn. Anh Đinh Trọng Bảy - bố của An Bình tâm sự: “Mình không thể trông chừng con suốt ngày nên trang bị cho cháu được nhiều kỹ năng càng tốt. Cháu đến đây, được học bơi lại vừa rèn luyện sức khỏe, bố mẹ cũng yên tâm một phần”.
Sau 15 buổi học bơi, các em có thể bơi thành thạo và đúng kỹ thuật.
Cùng với các bạn, cậu bé Nguyễn Công Luân (8 tuổi, xã Hoa Thành, Yên Thành) tung tăng lặn ngụp dưới nước. Hồi cuối tháng 6, Luân học được vài buổi lại phải nghỉ để đi xạ trị căn bệnh ung thư. Hôm nay Luân xạ trị xong, mẹ lại đưa em đến học bơi tiếp.
“Cháu nó thích học bơi, nếu không phải đi viện thì chị đưa cháu đến đây 1 tuần 3 buổi để học, vừa biết bơi, vừa rèn luyện nâng cao thể trạng chuẩn bị cho các đợt điều trị tiếp theo. Cháu không mất một đồng học phí nào, thầy Quảng với các thầy cô ở đây miễn phí hoàn toàn cho cháu”, chị Phan Thị Hiền, mẹ của Luân cho biết.
Ở đây không chỉ có mỗi mình Luân được học miễn phí mà còn có khoảng 15 bạn nhỏ khác. Đó là các em có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo hay mồ côi bố mẹ.
“Các em này đã chịu nhiều thiệt thòi, mình không giúp gì được nhiều cho các em, chỉ muốn bù đắp cho các em được phần nào hay phần đó để các em biết phòng vệ cho chính bản thân mình”, thầy Quảng chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An đánh giá: “Hiện tại ngành giáo dục đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai dạy bơi cho học sinh thì cách làm của thầy Quảng quả thật tuyệt vời. Đây là mô hình cần được khen ngợi và nhân rộng ra nhiều địa phương” |
Tác giả bài viết: Hoàng Lam