350ha ruộng lúa phải bỏ hoang vì bị chặn nguồn nước tưới
- 15:26 14-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Cánh đồng xã Nghi Công Nam - huyện Nghi Lộc, gần 10 năm nay, chỉ sản xuất mỗi năm 1 vụ lúa. Nguyên nhân vẫn là thiếu nước nhưng không phải do nắng hạn mà do nguồn nước sinh của hồ Khe Thị bị chặn lại phục vụ cho hồ Khe Thị 2 lấy nước tưới cho xã Nghi Công Bắc. Người dân ngậm ngùi nhìn gần 350ha đất ở xã Nghi Công Nam phải bỏ hoang.
Cũng như bao người nông dân khác, ông Nguyễn Văn Lương, người dân xóm 8 - xã Nghi Công Nam vẫn giữ thói quen ra thăm đồng với hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với hơn 8 sào ruộng đang khô khốc của nhà mình nhưng càng ra đồng ông lại càng xót ruột hơn, cả cánh đồng vẫn đang nứt vẻ không một giọt nước.
Ông Nguyễn Đình Sắc xót xa khi ra thăm ruộng gia đình
Trước đây, cũng 8 sào ruộng lúa gia đình ông làm mỗi năm 3 vụ, trong đó hai vụ lúa và một vụ làm rau màu, thu nhập bình quân mỗi vụ lúa gần 2 tấn thóc nhưng như vụ hè thu này thì cả nhà 7 lao động như gia đình ông Lương không biết nhìn vào đâu. Ông Lương nói: Hồ Khe Thị 2 do xã Nghi Công Nam quản lý, mà nước lại xã Nghi Công Bắc sử dụng, nên chúng tôi đề nghị nhiều lần, nước phải cho hai được dùng, chứ như thế này thì dân chúng tôi chỉ làm được mỗi năm 1 vụ Đông Xuân, chờ mãi cho đến tháng 11 tới mới làm vụ đông xuân tiếp theo.
Cánh đồng khô, nứt nẻ...
Trước năm 2007, nguồn nước hồ Khe Thị phục vụ tưới nước cho 350ha cánh đồng Nghi Công Nam vẫn rất đồi dào, không xảy ra tình trạng thiếu nước và nếu năm nào khô hạn nhất thì hồ Khe Thị Luôn hết nước sau cùng so với các hồ khác trên địa bàn huyện. Vậy mà sau khi xây dựng hồ Khe Thị 2, nguồn nước sinh bị chặn lại phục vụ tưới nước cho chỉ gần 20ha đất lúa của xã Nghi Công Bắc thì hồ Khe Thị chỉ còn lại chức năng như một cái ao và dĩ nhiên toàn bộ diện tích mà hồ cung cấp nước tưới cũng chịu chung số phận là thiếu nước.
Do không có nước, đồng lúa của xã Nghi Công trước đây sản xuất 3 vụ mỗi năm thì nay chỉ sản xuất mỗi một vụ Đông Xuân, tính riêng mỗi vụ lúa, người dân thiệt hại khoảng 1700 tấn thóc, giá trị 11 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ so với một xã nghèo như Nghi Công Nam.
Những cái ao giữa đồng trơ đáy, khô khốc trên cánh đồng xã Nghi Công Nam
Không phải ngày một ngày hai, mà tình trạng này đã gần 10 năm nay, trong đó 2 năm gần đây, tình trạng thiếu nước diễn ra nặng nề nhất. Không thể sản xuất, người dân Nghi Công Nam lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn, người dân thiếu việc làm, nguồn lương thực thiếu hụt, thức ăn phục vụ cho chăn nuôi khan hiếm... Không ít người dân lại tha hương, kéo nhau vào miền Nam tìm kiếm việc làm mới.
Ông Nguyễn Đình Sắc - xóm trưởng xóm 4 xã Nghi Công Nam cho biết: Đời sống nhân dân chúng tôi hết sức khó khăn, vừa không có thu nhập từ cây lúa, vừa thiếu hụt nguồn thức ăn cho chăn nuôi, dân không có việc làm trong khi nghành nghề phụ lại không có nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống người dân, nhân dân rất bức xúc.
Với cánh đồng hoang mênh mông nhưng khô hạn như thế này thì chỉ vài con trâu bò còn cố gắng tìm chút thức ăn còn lại trên cánh đồng.
Chỉ vài con trâu tìm thức ăn trên cánh đồng khô hạn...
Trước thực trạng trên, cấp ủy chính quyền xã Nghi Công Nam đã tính đến chuyện chuyển đổi sang trồng cây màu nhưng với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của con người nơi đây nên cũng không áp dụng được. Việc củng cố, nâng cấp hồ Khe Thị cũng đang được tiến hành, xã làm kênh bê tông dẫn nước từ hồ ra đồng nhưng triển khai chậm nên tình hình vẫn chưa thể được giải quyết và ngày càng trầm trọng hơn.
Ông Võ Văn Long - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Nghi Công Nam cho biết: Từ năm 2007 đến nay, quá trình chỉ đạo sản xuất của chính quyền xã Nghi Công Nam chúng tôi rất khó khăn, nguồn lương thực thiếu hụt trầm trọng, bởi người dân mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, tính ra thiệt hại mỗi vụ bình quân là 11 tỷ đồng.
Cánh đồng 350ha của xã Nghi Công Nam chỉ sản xuất 1 vụ lúa mỗi năm do thiếu nước
Sau khi nhận được đề xuất của chính quyền xã Nghi Công Nam, UBND huyện Nghi Lộc đã chỉ đạo UBND 2 xã Nghi Công Nam, Nghi Công Bắc hợp đồng với công ty Thủy lợi nam điều tiết đủ nước tưới cho 2 xã, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo huyện Nghi Lộc có rà soát cụ thể để đầu tư nâng cấp hồ Khe Thị. Hy vọng với những giải pháp mà UBND tỉnh, huyện đưa ra sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng đất bỏ hoang do thiếu nước kéo dài gần 10 năm nay ở xã Nghi Côm Nam.
Tác giả bài viết: Quang Dũng