"Bắt bài" chiêu tuyển gián điệp của Trung Quốc
- 14:40 13-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
3 vụ án do thám Mỹ bị vỡ lở nổi tiếng nhất của Trung Quốc có thể kể đến Larry Wu-Tai Chin (bị bắt năm 1985), Kuo Tai-Shen (bị bắt năm 2008) và Glenn Duffie Shriver (bị bắt năm 2010).
Larry Wu-Tai Chin khi bị bắt vào năm 1985
Larry Wu-Tai Chin làm thư ký kiêm phiên dịch tại văn phòng liên lạc của Mỹ ở Phúc Châu, Trung Quốc vào thời kì chiến tranh chống Nhật Bản năm 1944. Tại đây, Chin đã làm quen với tư tưởng cộng sản và sau đó bắt đầu đồng ý cung cấp thông tin cho Trung Quốc. Chin đã từng là nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và được tiếp cận các văn kiện cơ mật cấp cao. Trong thời gian từ 1979 – 1982, Chin đã 4 lần chuyển giao thông tin tình báo Mỹ cho Trung Quốc, nội dung liên quan đến quân sự, kinh tế, khoa học, nông nghiệp.
Khi Chin muốn gửi tài liệu mật đi từ Mỹ, ông sẽ gửi thư đến một địa chỉ nhà ở Hong Kong và đây chính là dấu hiệu cho một cuộc gặp mặt theo một thời gian định sẵn ở Canada. Đây sẽ là nơi Chin sẽ đưa tài liệu cho một người đưa thư để chuyển về Trung Quốc. Trong suốt quá trình làm gián điệp cho Mỹ, Chin được cho là đã nhận được 1 triệu USD.
Kuo Tai-Shen là một người bán đồ nội thất ở Mỹ và đã chấp nhận làm việc cho chính phủ Trung Quốc từ những năm 1990 trong một chuyến đi công tác đến nước này. Mặc dù không có quyền tiếp cận vào các thông tin quan trọng của Mỹ, nhưng Tai-Shen lại thuyết phục được James Fondren và Gregg Bergersen làm việc cho Trung Quốc.
Fondren là một sĩ quan quân sự đã nghỉ hưu nhưng quay trở lại làm theo hợp đồng cho văn phòng Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở Washington. Trong khi đó, Bergersen từng làm việc cho Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) và đã cung cấp cho Tai-Shen chi tiết về tiềm năng Mỹ bán các khí tài quân sự cho Đài Loan. Tình báo Trung Quốc đã gặp Tai-Shen bí mật tại nước này và dạy ông cách liên lạc với người đưa thư hoặc liên hệ bí mật qua thư điện tử.
Glenn Duffie Shriver, một cựu sinh viên Mỹ từng du học ở Trung Quốc đã bị bắt giữ sau khi anh ta tìm cách gia nhập một tiểu ban tình báo của CIA. Một cuộc kiểm tra những người xin gia nhập CIA đã dẫn đến việc phát hiện Shriver có quan hệ mật thiết với những nhân viên tình báo Trung Quốc.
Bắc Kinh chú ý đến Shriver sau khi đọc được bài luận văn phản đối quan hệ Trung Quốc – Mỹ của anh này thời sinh viên. Shriver từng nộp đơn xin việc tại Bộ Ngoại giao Mỹ 2 lần nhưng đều không thành. Shriver chưa bao giờ gặp các nhân viên tình báo Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ nước này và chỉ giao tiếp qua email thay vì bất kì phương tiện liên lạc bí mật khác. Shriver đã được trả 70.000 USD cho việc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Glenn Duffie Shriver chưa kịp do thám gì cho Trung Quốc thì đã bị lộ
Những vụ việc trên có thể cho ta thấy một vài điểm đáng chú ý trong hoạt động tình báo của Trung Quốc. Đầu tiên, hầu hết các gián điệp đều dành một phần lớn thời gian ở Trung Quốc và những người này có thể là bất kì ai từ doanh nhân, sinh viên hoặc nhân viên chính phủ. Thứ 2, các cơ quan tình báo Trung Quốc khai thác những động cơ thúc đẩy con người truyền thống như lòng tham, hệ tư tưởng, sự bức xúc với thực tại hay sự muốn thể hiện. Thứ 3, những người này không cần phải có quyền tiếp cận trực tiếp với thông tin nhạy cảm mà cần sẵn sàng làm mọi thứ để có được các thông tin này. Điều cuối cùng là các cơ quan tình báo Trung Quốc thường gặp gián điệp của mình ngay tại Trung Quốc thay vì cùng hẹn nhau đến một nước thứ 3 để tránh bị nghi ngờ.
Trà trộn tình báo là cách thức do thám cũ nhưng chắc chắn đây vẫn là một biện pháp hiệu quả. Ngoài thuê gián điệp, Trung Quốc được cho là còn đang sử dụng nhiều phương pháp công nghệ cao mới như thuê hacker đánh cắp thông tin hoặc cài phần mềm gián điệp vào thiết bị điện tử để nắm được các thông tin quan trọng về chính trị và kinh tế.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Nguồn tin: