Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao dì ruột Nguyễn Hải Dương xin hoãn tòa phúc thẩm vụ thảm án?

Khi phiên xét xử phúc thẩm vụ án thảm sát tại Chơn Thành, Bình Phước được xác định vào ngày 18-19/7/2016 tại Tòa án nhân dân TP.HCM.. bà Trần Thị Trinh dì ruột Nguyễn Hải Dương đã xin hoãn xét xử.
Ngày 12/7, bà Trần Thị Trinh (SN 1985, quê Đồng Tháp, tạm trú huyện Hóc Môn, TP.HCM) đã gửi đơn đến Tòa án nhân dân (TAND) Cấp cao tại TP.HCM để xin hoãn phiên tòa phúc thẩm sắp diễn ra.

Trong đơn xin hoãn xét xử, bà Trinh nêu rằng bản thân vừa mới sinh con vào ngày 24/6 nên sức khỏe yếu, con của bà còn nhỏ chưa đầy tháng nên không thể có mặt tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-19/7 nên xin hoãn.

Trong phiên tòa sơ thẩm đầu tiên được xét xử lưu động, 17/12/2015, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên bà Trinh không liên quan tới kế hoạch cũng như hành vi giết người của Nguyễn Hải Dương.

Tuy nhiên, gia đình bị hại đã làm đơn kháng cáo và yêu cầu tòa án, VKS phải xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Trinh nhằm không lọt tội phạm. Theo gia đình nạn nhân, trong phiên toà sơ thẩm bà Trinh khai báo nhiều không đồng nhất.

Trước khi xảy ra vụ thảm sát, bà Trinh đã cùng Dương lên Bình Phước kêu nạn nhân Dư Minh Vỹ (14 tuổi) mở cổng. Dương còn đưa cho bà Trinh cất giữ một balo hung khí để gây án. Tuy nhiên, lời khai của Dương và bà trình đều nói rằng khi lên tới nhà ông Mỹ, Dương để bà Trinh đứng xa hiện trường hơn 500m, bà này không hề biết Dương lên nhà ông Mỹ để làm gì.

Sau khi từ nhà ông Mỹ về, Dương có đưa balo cho bà Trinh giữ hộ, bà Trinh đã mang bỏ vào tủ và không hề kiểm tra bên trong. Bà nói rằng chỉ đi với cháu mình và không hề biết kế hoạch. Chỉ khi Dương bị bắt mới biết.

Mặc dù cơ quan CSĐT đã có kết luận bà Trinh không liên quan những người nhà đã yêu cầu tòa án làm rõ bà Trinh có phải là đồng phạm tích cực, che giấu tội phạm hay không.
 

Dương, Tiến và Thoại trong phiên xét xử sơ thẩm

Trước đó, vào ngày 11/7, gia đình bị cáo Vũ Văn Tiến cũng đã gửi đơn tới TAND Cấp cao, VKSND Cấp cao tại TP.HCM xin hướng dẫn trình tự, thủ tục để có cơ hội được bù đắp, chia sẻ nỗi đau mất mát cho gia đình nạn nhân theo tâm nguyện của bị cáo Tiến.

Gia đình Tiến cũng từng nhiều lần liên hệ để thực hiện việc trên nhưng không được phía bị hại chấp nhận.

Liên quan tới vụ án, ngày 17/12/2015 trong phiên xét xử sơ thẩm vụ thảm sát, TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên Nguyễn Hải Dương và Vũ Văn Tiến tử hình; Trần Đinh Thoại, 16 năm tù về tội "Giết người", "Cướp tài sản".

Tác giả bài viết: PV