Làm nhà nước luôn nhận lương cao nhất, bảo sao người người chạy đua vào
- 16:56 11-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI), trong suốt giai đoạn 2007 – 2015, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước là những người được hưởng lương cao nhất và có khoảng cách ngày càng tăng so với 2 khu vực doanh nghiệp còn lại.
Trong giai đoạn từ 2007 - 2014, cùng với sự phát triển về số lượng lao động trong các doanh nghiệp, thu nhập bình quân hàng năm của người lao động cũng tăng lên tới 2,67 lần. Năm 2007, một bình quân 1 lao động thu nhập 28 triệu đồng/năm, tương ứng với 2,3 triệu đồng/tháng, thì đến năm 2014, con số này đã là 74,6 triệu đồng/năm, tương ứng với 6,2 triệu đồng/tháng.
Trong 3 khu vực doanh nghiệp, tuy có mức tăng lương thấp nhất, lao động trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn được trả lương cao nhất và thậm chí ngày càng được trả cao hơn so với hai khu vực còn lại.
Thật vậy, lương của lao động trong khối các doanh nghiệp này đã duy trì mức tăng chậm trong những năm 2007 – 2009 từ 40 triệu đồng/người/năm lên gần 50 triệu đồng/người/năm.
Trong giai đoạn 2010 – 2011, lương trả cho các lao động trong doanh nghiệp nhà nước chứng kiến mức tăng đột biến và đã đạt mức đỉnh hơn 100 triệu đồng/người/năm vào năm 2011, bỏ rất xa các khối doanh nghiệp khác.
Năm 2012, thu nhập này đã giảm xuống, gần 90 triệu đồng/người/năm. Cùng với việc các doanh nghiệp FDI tăng lương nhân viên, đây là năm mà các lao động trong doanh nghiệp FDI gần tiếp cận được với đồng nghiệp của mình trong các doanh nghiệp nhà nước về mặt lương bổng.
Giai đoạn 2013 - 2014 thu nhập nhân viên nhà nước tăng trở lại. Cho đến năm 2014, cán bộ nhân viên trong các doanh nghiệp Nhà nước có mức lương là 108 triệu đồng/năm, tương ứng 9 triệu đồng/tháng. Con số này gấp 1,7 lần khu vực các doanh nghiệp ngoài nhà nước và gấp 1,3 lần khu vực các doanh nghiệp FDI.
Để giải thích cho điều này, tuy cũng đồng thời là nhóm các doanh nghiệp có quy mô lao động cao nhất, thường xuyên trên dưới 500 lao động/doanh nghiệp, nhưng nhờ quỹ lương lớn nên lao động trong các doanh nghiệp nhà nước vẫn được hưởng lợi.
Các doanh nghiệp Nhà nước, sau giai đoạn cổ phần hóa mạnh mẽ chỉ còn lại các doanh nghiệp lớn, bao gồm các tập đoàn lớn và các tổng công ty lớn như EVN, Viettel, Petrolimex... Vì thế, chính sách lương bổng cho nhân viên ở các doanh nghiệp này tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp ở các khu vực khác.
Ngược lại, lao động trong các khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn có thu nhập bình quân thấp nhất, chỉ vào khoảng gần 5,5 triệu đồng/người/tháng. Thu nhập thấp này một phần có lý do là vì đa số các doanh nghiệp khối này có quy mô nhỏ và siêu nhỏ (theo báo cáo, có 96% số doanh nghiệp năm 2014 là nhỏ và siêu nhỏ). Vì thế, chính sách lương ở các doanh nghiệp này thường được tính toán rất chặt chẽ và không cao như các doanh nghiệp lớn.
Đối với nhóm doanh nghiệp FDI, mức tiền lương của nhân viên sau khi tăng vào năm 2012 vẫn đang duy trì ở mức 80 triệu đồng/năm và đang ngày càng bị bỏ xa bởi các doanh nghiệp nhà nước, theo nhận định từ Báo cáo của VCCI.
Cuối năm ngoái, một báo cáo về tiền lương và thu nhập năm 2015 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội điều tra tiền lương tại 2.000 doanh nghiệp thuộc cả 3 khu vực doanh nghiệp cũng đã chỉ ra, các doanh nghiệp nhà nước vẫn dẫn đầu với mức lương trả cho người lao động, với mức tiền lương tháng bình quân 7,04 triệu đồng/người/tháng và tổng thu nhập bình quân đầu người 7,59 triệu đồng/tháng.
Báo của của VCCI cũng nhận định, với kế hoạch tăng lương tối thiểu vùng 12,4% so với năm 2015, thu nhập của người lao động sẽ tiếp tục tăng cao trong các năm tiếp theo.
Tác giả bài viết: Vượng Lê