"Tách hai kì thi mới là nhân đạo"
- 06:40 10-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Ngay từ nhiều năm nay, chúng tôi đã lên tiếng về việc nên tách riêng hai kì thi, giao kì thi tốt nghiệp THPT về cho các Sở GD&ĐT với tinh thần thi nhẹ nhàng như kiểm tra học kì. Còn thi ĐH, CĐ nên giao cho các trường tự chủ. Như thế mới nhân đạo và đạt mục tiêu của từng kì thi”. Một số chuyên gia giáo dục đã chia sẻ với PV Dân trí về việc đổi mới kì thi trong năm tới.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: “Bộ không nên ôm đồm từ A đến Z”
Không phải bây giờ mà ngay từ nhiều năm nay, tôi đã ủng hộ việc tách hai kì thi bởi mục tiêu của hai kì thi hoàn toàn khác nhau. Trong đó, kỳ thi THPT nên giao cho Sở GD&ĐT các địa phương quản lý, chấm và công bố kết quả, cấp một giấy chứng nhận hoàn thành phổ thông để học sinh có những lựa chọn riêng.
Sở dĩ thi THPT nên giao về cho các Sở GD&ĐT bởi theo tôi, 12 năm họ tổ chức dạy học, không lý gì đến kì thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT lại “ôm đồm” từ A đến Z như vậy.
Không phải bây giờ mà ngay từ nhiều năm nay, tôi đã ủng hộ việc tách hai kì thi bởi mục tiêu của hai kì thi hoàn toàn khác nhau. Trong đó, kỳ thi THPT nên giao cho Sở GD&ĐT các địa phương quản lý, chấm và công bố kết quả, cấp một giấy chứng nhận hoàn thành phổ thông để học sinh có những lựa chọn riêng.
Sở dĩ thi THPT nên giao về cho các Sở GD&ĐT bởi theo tôi, 12 năm họ tổ chức dạy học, không lý gì đến kì thi cuối cùng, Bộ GD&ĐT lại “ôm đồm” từ A đến Z như vậy.
PGS Văn Như Cương.
Trong các năm học phổ thông từ cấp 2, các em năm nào cũng chấm điểm và làm bài kiểm tra hai học kỳ. Tôi nghĩ đến học kì cuối năm lớp 12, không nhất thiết phải thi cử rầm rộ như hiện nay mà nên tổ chức nhẹ nhàng như một bài kiểm tra học kì 2.
Việc giao kỳ thi cho Sở GD&ĐT tự quyết định (thậm chí cả về thời gian) sẽ dễ dàng hơn bởi tùy tình hình thực tế của địa phương, có nơi mưa lũ chẳng hạn, họ có thể dời lịch đến ngày thích hợp.
Về đề thi, tôi nghĩ các tỉnh ra đề sao cho phù hợp năng lực học sinh tỉnh mình. Chuẩn ra đề cũng theo SGK và Bộ GD&ĐT quy định. Chẳng hạn đề của Hà Nội đương nhiên phải khó hơn Lai Châu, Điện Biên. Không nhất thiết bắt một em ở Mường Tè làm đề Toán khó như học sinh ở Hà Nội.
Làm điều này, nhiều người lo ngại sẽ có tình trạng “tháo khoán” và quay về kì thi “3 chung” như trước. Tuy nhiên, tôi cho rằng tinh thần hoàn toàn khác: Chỉ kiểm tra nhẹ nhàng ở phổ thông để cấp chứng chỉ và giao tự chủ cho các trường tuyển vào ĐH, CĐ. Trừ những em bỏ học, vi phạm kỉ luật, còn các em đã học hành chăm chỉ cả 12 năm, tại sao không thể cho các em đỗ phổ thông?
Về việc thi ĐH, CĐ, theo tôi nên giao cho các trường tự chủ tuyển sinh theo yêu cầu của trường mình với các đề thi khác nhau. Bộ GD&ĐT không nên ôm lấy công đoạn nào, chỉ nên giữ vai trò chủ đạo và đề ra phương hướng, thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát... các trường, nếu sai thì xử theo qui định của pháp luật.
Chẳng hạn thi Toán vào ĐHBK khác với thi Toán vào ĐHKHTN, khác với Toán vào Ngân hàng, khác với Toán vào ĐHSP. Tại sao tất cả các trường lại làm một đề thi Toán chung trong khi mục tiêu lựa chọn năng lực của các trường hoàn toàn khác nhau?
Vậy nên tôi ủng hộ việc tách hai kì thi vì như thế là nhân đạo. Điều này mục tiêu lựa chọn thí sinh vào ĐH, CĐ cũng đạt được mà học sinh không học lệch vì như hiện nay, ngoài thi 3 môn bắt buộc và một môn tự chọn, nhiều em đã học lệch từ lớp 10.
GS.TS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng: “Không đặt nặng vấn đề thi đua, sẽ không có “tháo khoán”
Tôi cho rằng cần có kì thi để công nhận tốt nghiệp và nên trao kỳ thi này cho Sở GD&ĐT là hợp lý bởi lẽ trong 12 năm đó, thầy cô dạy dỗ con em thì không nhất thiết Bộ GD&ĐT phải quản lý.
Tuy nhiên, làm như thế nào là hợp lý? Tôi nghĩ, nói cho cùng, đã làm giáo dục thì phải có lòng tin và trao cho họ trách nhiệm gì thì đương nhiên họ phải làm cho tốt. Với ý thức này, nếu chúng ta không đặt nặng vấn đề thi đua giữa các tỉnh thành thì sẽ không có chuyện “tháo khoán” trong kì thi tốt nghiệp THPT. Tiêu cực là ở chỗ thi đua hơn kém.
GS.TS Trần Hữu Nghị.
Việc thi ĐH, CĐ nên trao quyền tự chủ cho các trường để họ muốn thi gì, muốn sát hạch theo tiêu chí nào là tùy họ.
Các trường ĐH, CĐ hiện nay đều có các yêu cầu nhân lực khác nhau nên sẽ có cách thức khác nhau. Có trường chỉ cần kiến thức thực hành phổ thông, có trường cần kiến thức nghiên cứu, có trường cần hình thức... nên để họ tự quyết định việc ra đề và thi cử là hợp lẽ.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM: “Tôi ủng hộ tách hai kì thi”
Cách đây khoảng 5 năm, khi dư luận đang băn khoăn giữa việc nên chọn kì thi nào, tôi đã từng phát biểu: Tôi ủng hộ việc tách hai kì thi và chọn kỳ thi ĐH, CĐ bởi kỳ thi này quan trọng hơn và đỡ tốn kém hơn cách thi cử như hiện nay.
PGS. Huỳnh Thanh Hùng.
Cụ thể, tôi nghĩ nên giao kỳ thi tốt nghiệp THPT cho Sở GD&ĐT chủ trì theo hướng kiểm tra nhẹ nhàng. Hiện nay, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp phổ thông đến 99% thì có nhất thiết phải thi cử rầm rộ đến vậy? Kỳ thi này chỉ nên giao cho các Sở GD&ĐT hoặc các trường xét công nhận phổ thông. Sau đó, cấp cho các em chứng chỉ tốt nghiệp. Những em nào có năng lực hoặc muốn vào ĐH, CĐ thì đăng kí thi theo cách thức riêng của trường đó.
Tôi thấy băn khoăn khi chia cụm thi THPT quốc gia như hiện nay. Vì như thế, không đồng nhất giữa các trình độ. Tôi cho rằng, giao cho trường tự tổ chức thi ĐH, CĐ khác hoàn toàn thi "3 chung" vì không thi theo đề chung của Bộ GD&ĐT nữa mà giao cho các trường tự chủ tuyển sinh theo đề án riêng trường đề xuất.
Tác giả bài viết: Mỹ Hà (ghi)