Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bầu Đệ: Táo bạo từ bỏ BĐS.... gặt hái "quả ngọt" từ lĩnh vực kinh doanh khác người

Rời bỏ ngành công an khi đã ở tuổi tứ tuần, Bầu Đệ bắt đầu lặn lội mưu sinh với nghề buôn gạo....đến nay, vị doanh nhân này đã trở thành một trong những đại gia nổi tiếng nhất xứ Thanh.
Sự việc ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa và Đào Vũ Việt Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa “tố” nhau nảy lửa tại cuộc họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào chiều 30/6 đã gây xôn xao dư luận thời gian gần đây.

Nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa không phải là cái tên xa lạ mà ông chính là Bầu Đệ, nguyên chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa.

Bầu Đệ là ai?

Ở Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Đệ (Bầu Đệ) thực sự là một người có tiếng nói cực kỳ quan trọng trong giới kinh doanh. Có lẽ, cũng chính đủ thứ công việc mà ông đã trải qua nên ở xứ Thanh đi đâu, làm gì cũng có bầu Đệ. Người ta bảo ông Đệ giống như một người “thập cẩm” ôm đủ thứ việc trên tay.

Tính sơ sơ, ngoài các chức vụ ở Tổng Cty CP Hợp Lực như Chủ tịch HĐQT TCTY và chủ tịch HĐQT của 6 đơn vị thành viên, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ từng là Chủ tịch Hiệp Hội DN Thanh Hóa, Đại biểu HĐND tỉnh, Chủ tịch Quỹ ANTT phòng chống tội phạm tỉnh, Ủy viên Ủy ban TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, Chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa….

Dù là ông chủ của một doanh nghiệp tư nhân thành đạt, giữ nhiều chức vụ quan trọng nhưng ít ai biết rằng trước kia Bầu Đệ từng công tác trong ngành công an và đã phải có thời gian đi buôn gạo để mưu sinh.

Bầu Đệ sinh ra ở vùng cửa bể thuộc xã Hải Lĩnh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Từng 25 năm là công an đến năm 1992 về biên chế. Sau khi rời ngành công an, ông Đệ đã 46 tuổi mới mò mẫm vào Nam khởi nghiệp. Lận lưng số vốn chưa đầy 50 triệu đồng, ông Đệ tìm đến nghề buôn gạo, lặn lội mưu sinh. Sau đó từ nhiều lần đi xe đò vào Nam ra Bắc, ông Đệ mới nảy ra sáng kiến thành lập một hợp tác xã vận tải “để làm ăn cho ra ngô, ra khoai”.

Chính vì thế tháng 5/1996, Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực (HTXVTHL) gồm 15 xã viên với 25 phương tiện ra đời. HTX xe khách đầu tiên ở Thanh Hóa làm ăn ngày một phát triển. Sau 10 năm thành lập, năm 2003, doanh thu hàng năm của doanh nghiệp đạt 21 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ thời bấy giờ. Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực từng được Bộ GTVT đánh giá là một trong những HTX đi đầu trong lĩnh vực vận tải.

Táo bạo khi quyết định từ bỏ BĐS

Năm 2003, khi giới kinh doanh ở Thanh Hóa đổ xô vào đầu tư BĐS, xây khách sạn, nhà hàng, những lĩnh vực hốt bạc vào thời điểm ấy thì ông Đệ lại quyết định đầu tư xây bệnh viện. Thực tế, khi khởi công xây dựng, ông và cộng sự của mình cũng dự định xây khách sạn. Tuy nhiên khi dự án đang thi công đến tầng 3 thì doanh nhân quê Tĩnh Gia quyết định xin giấy phép chuyển đổi mục đích sang kinh doanh bệnh viện.

Hơn 10 năm trước, xã hội hóa y tế vẫn còn là điều mới mẻ ở xứ Thanh, thậm chí ngay cả giới kinh doanh cũng dè dặt khi nói về triển vọng của một lĩnh vực khá …nhạy cảm thời bấy giờ. Đầy rẫy lời đàm tiếu, rèm pha, rằng: ông Đệ là dân kinh doanh vận tải, biết gì về y tế mà đòi xây bệnh viện.

Nhưng quyết là làm, bệnh viện đa khoa Hợp Lực khánh thành và đi vào hoạt động vào năm 2005 đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân về dịch vụ khám chữa bệnh ngoài công lập. Thủ tục hành chính rườm rà bị dẹp bỏ, người dân bước chân vào Hợp Lực đã không phải chịu cảnh xếp hàng chờ đợi hoặc phải lo lót cho Bác sỹ, nhân viên y tế. Đây chính là khâu đột phá trong cách thức kinh doanh của Hợp Lực mà Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Đệ là kiến trúc sư.

Chỉ sau 2 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện đa khoa Hợp Lực đã liên tục phải gồng mình chống lại tình trạng quá tải. Điều này một lần nữa buộc doanh nhân Nguyễn Văn Đệ phải tính đến phương án mở rộng quy mô đầu tư, bất chấp sự khó khăn chung của nền kinh tế. Năm 2009, tòa nhà 17 tầng vốn đầu tư hơn 350 tỷ đồng được đưa vào sử dụng đã căn bản giải quyết đươc tình trạng quá tải, đồng thời giảm tải cho các bệnh viện công lập và bệnh viện tuyến TW.

Dự án kinh doanh "nổi da gà"

Xây dựng bệnh viện tư nhân không phải là ý tưởng táo bạo duy nhất mà Bầu Đệ từng làm. Còn nhớ, cách đây hơn nửa thập kỷ cả Thanh Hóa xôn xao khi ông Nguyễn Văn Đệ trình đơn xin xây dựng dự án Phúc Lạc Viên- Đài hóa thân hoàn vũ trên diện tích 3,8 ha với tổng vốn đầu tư gần 7 triệu USD.

“Chả nhẽ bây giờ người ta lại bảo tôi là người…không biết gì về…chết mà cũng đòi thực hiện dự án dành cho người chết hay sao. Ai làm doanh nghiệp chả tính đến lời lãi. Nhưng nếu không gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích xã hội thì không bao giờ bền vững. Phúc Lạc Viên là công trình tôi ấp ủ từ lâu. Đó là công trình văn hóa tâm linh chứ không phải là một dịch vụ tang lễ thuần túy”- bầu Đệ tâm sự với giới truyền thông trong ngày Phúc Lạc Viên chính thức đi vào hoạt động.

Theo bầu Đệ, nếu không có cái tâm trong sáng, không thể thực hiện những dự án kiểu như thế này. Nhiều người đến đây cho rằng, đây là dự án chưa làm đã biết sẽ thành công bởi tính bức thiết của nó khi nhu cầu hỏa táng của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên với bầu Đệ, thành công giờ đây không phải là những con số đo đếm được mà cái lớn hơn chính là tình cảm, trách nhiệm của ông đối với xã hội và sự nhìn nhận của cộng đồng đối với tâm huyết của ông.

Thành công ở quê hương, Bầu Đệ tiếp tục vươn ra những tỉnh khác. Mới đây nhất, Hà Tĩnh đã đồng ý giao khu đất gần 30ha tại xã Bắc Sớn cho Bầu Đệ để xây dựng dự án Phúc lạc viên đài hóa thân hoàn vũ với kinh phí hơn 200 tỉ đồng. Hiện tại, Công ty Hợp Lực đang hoàn thiện quy hoạch về dự án. Sau khi thủ tục hoàn tất, huyện Thạch Hà sẽ chịu trách nhiệm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho nhà đầu tư.

Nói về lý do liên tục đầu tư những dự án “Tôi là người lính giữa thời bình. Quan điểm của tôi khi kinh doanh là làm những gì có thể phục vụ trực tiếp cho đời sống dân sinh. Tôi đã đầu tư xây bệnh viện, trường trung cấp y dược và nay đầu tư nhà hỏa táng cũng đều nằm trong quan niệm đó. Tôi nghĩ đó là nhu cầu thiết thực của con người, là xu hướng thời đại sao mình phải tránh né”.

Nổi tiếng với bóng đá

Ở Thanh Hóa, không cần thăm dò hay bầu chọn, có thể khẳng định ngay, ông Đệ là doanh nhân nổi tiếng nhất. Nếu so về tài sản, ông Đệ có thể không phải là số 1, nhưng tiếng tăm, uy tín ông không thể là số…2. Nhiều người cho rằng chính việc dấn thân vào làm bóng đá, môn thể thao vua có sức quảng bá rộng khiến ông Đệ được …thơm lây.

Bầu Đệ được xem là công thần của bóng đá Thanh Hóa. Kể từ khi ông bắt tay vào làm bóng đá cuối mùa giải 2010, đội bóng xứ Thanh đã thật sự thay da đổi thịt. Từ chỗ đua trụ hạng, CLB Thanh Hóa trở thành đối thủ đáng gờm với bất cứ đội bóng nào ở V.League.

Dù có lúc từng phải cầm cố cả siêu xe cá nhân hay vay tạm tiền của bệnh viện Hợp Lực để kịp trả lương cho cầu thủ, rồi sức ép về thành tích, đàm tiếu của dư luận nhưng chưa bao giờ bầu Đệ ca thán hay ân hận vì đã dấn thân vào bóng đá.

Cho dù làm bóng đá ở Việt Nam còn khó gấp trăm bề so với thương trường cạnh tranh khốc liệt nhưng bầu Đệ lại đứng lên mạnh mẽ, nghĩ ra phương sách mới để đi tìm chiến thắng. Chính vì thế mà khi Bầu Đệ chính thức thôi chức chủ tịch CLB bóng đá Thanh Hóa vào năm 2015 đã để lại biết bao nuối tiếc cho cổ động viên xứ Thanh.

20 năm nhìn lại nỗ lực và thành công của Hợp Lực cho thấy ý tưởng táo bạo của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ đã được đền đáp xứng đáng. Cứ nhìn vào nhiều khách sạn lớn ở TP Thanh Hóa đang …chết yểu, hoặc sống lay lắt, vừa gắng gượng tồn tại vừa bù lỗ đủ để thấy tầm nhìn xã trông rộng của một doanh nhân có đầu óc thực tiễn cao.

Tác giả bài viết: Thanh Ngà