Tiêm kích F-15 Nhật đọ sức cùng chiến đấu cơ Su-30 Trung Quốc
- 07:18 08-07-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Global Times, ấn phẩm phụ của People's Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, mới đây cáo buộc hai chiến đấu cơ F-15 của Nhật đã bật radar kiểm soát hỏa lực khóa mục hai chiếc Su-30 của Trung Quốc trong một cuộc chạm trán hồi giữa tháng 6 trên biển Hoa Đông.
Tuy Nhật Bản đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc trên, vụ việc cho thấy nguy cơ nổ ra đụng độ bất ngờ giữa chiến đấu cơ Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông là có thật, khi Bắc Kinh ngày càng tỏ ra quyết liệt hơn trong các hoạt động tranh chấp nhóm đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát.
Theo các chuyên gia phân tích quân sự, một cuộc đụng độ như vậy nếu nổ ra sẽ là một màn đọ sức ngang ngửa giữa F-15, tiêm kích thế hệ 4 có nguồn gốc từ Mỹ, và Su-30, chiến đấu cơ hiện đại được Trung Quốc mua từ Nga.
Chiến đấu cơ F-15 của không quân Nhật. Ảnh: EPA.
Máy bay chiến đấu F-15 do hãng McDonnell Douglas thuộc Boeing của Mỹ sản xuất. Ngoài Mỹ, hiện chỉ có Nhật, Israel và Saudi Arabia sở hữu loại máy bay chiến đấu đa năng này, trong đó Tokyo là khách hàng nước ngoài lớn nhất và cũng là quốc gia duy nhất được Mỹ cấp giấy phép để tự sản xuất F-15 trên lãnh thổ của mình.
Nhật hiện sở hữu hai phiên bản của dòng tiêm kích này, đó là F-15J một chỗ ngồi và F-15DJ hai chỗ ngồi phục vụ mục đích huấn luyện. Theo cơ sở dữ liệu của Flightglobal's MiliCAS, tính tới tháng 12/2015, Nhật có tất cả 154 chiếc F-15J cùng 45 chiếc F-15DJ còn hoạt động.
Trong khi đó, Su-30 là máy bay chiến đấu do Nga sản xuất và bắt đầu đưa vào khai thác từ năm 1992. Su-30 có nhiều phiên bản, trong đó Su-30MKK và Su-30MK2 được xuất khẩu cho Trung Quốc. Theo số liệu công khai, tập đoàn sản xuất vũ khí KnAAPO của Nga đã chuyển giao cho Trung Quốc 73 chiếc Su-30MKK trong giai đoạn 2000-2004 và 24 chiếc Su-30MK2 vào năm 2004.
Các chuyên gia của Aviations Militaires cho rằng hai loại máy bay này được xếp "cùng hàng" vì đều là máy bay chiến đấu đa năng thế hệ 4, có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết ngày và đêm, có thể thực hiện các nhiệm vụ không đối không và không đối đất.
Về kích thước, Su-30MKK của Trung Quốc dài 21,94 m, cao 6,375 m với sải cánh 14,7 m và diện tích cánh 62 m2. Trọng lượng cất cánh tối đa của Su-30MKK là 34.500 kg.
Trong khi đó, F-15J của Nhật "gọn" hơn khi dài 19,43 m, cao 5,63 m với sải cánh 13,05 m và diện tích cánh là 56,5 m2. Trọng lượng cất cánh tối đa của F-15J cũng nhẹ hơn với con số 30.845 kg.
Trong khi F-15J của Nhật chỉ có một chỗ ngồi thì Su-30MKK của Trung Quốc có hai chỗ ngồi. Chiến đấu cơ với thiết kế hai chỗ ngồi sẽ phải tăng không gian dành cho phi công thứ hai, kèm theo đó là tăng gấp đôi số lượng cũng như khối lượng thiết bị hỗ trợ cho phi công. Hậu quả là chiếc tiêm kích phải giảm bớt không gian và khối lượng dành cho các trang thiết bị, vũ khí.
Bù lại, chiến đấu cơ hai chỗ ngồi có lợi thế hơn về khả năng cơ động và xoay sở khi giao chiến, khi phi công lái chính không bị phân tâm bởi các hoạt động điều khiển vũ khí. Nhiệm vụ điều khiển hỏa lực, kiểm soát vũ khí được giao cho phi công phụ.
Cả Su-30MKK và F-15J đều sở hữu hai động cơ. Tuy nhiên, động cơ Pratt & Whitney F100-100 hoặc 220 của F-15J tỏ ra mạnh hơn động cơ AL-31FP của Su-30MKK, khi F-15J có thể đạt tốc độ tối đa 2.665 km/h, trong khi Su-30MKK chỉ có thể đạt tốc độ tối đa 2.200 km/h. Trần bay của F-15J cũng cao hơn khi đạt 20.000 m so với 17.300 m của Su-30MKK.
Tuy nhiên, với khối lượng nhiên liệu mang theo nhiều hơn, Su-30MKK có tầm hoạt động xa hơn, khoảng 3.000 km so với khoảng 2.000 km của F-15J.
Chiến đấu cơ Su-30MKK của không quân Trung Quốc. Ảnh: APL
Về vũ khí, Su-30MKK được đánh giá có khả năng tấn công mặt đất mạnh hơn khi có các tên lửa có điều khiển không đối đất như Kh-29T, tên lửa diệt radar Kh-31P, các loại rocket, các loại bom khác nhau. Để phục vụ cho mục đích không chiến, Su-30MKK được trang bị các loại tên lửa có điều khiển không đối không tầm trung và tầm gần như R-27P1 hay R-73E, và một pháo 30 mm Gsh-301 cùng 150 viên đạn.
Trong khi đó, F-15J được đánh giá cao hơn về khả năng không chiến với các loại tên lửa không đối không AAM-3/4/5 do hãng Mitsubishi sản xuất cùng các loại rocket và bom thông minh, kèm một pháo 20 mm M61 Vulcan cùng 940 viên đạn.
Về radar và các thiết bị điện tử, 20 chiếc Su-30MKK đầu tiên của Trung Quốc được trang bị loại N001VEP với khả năng phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 100 km, bám cùng lúc 10 mục tiêu. Từ chiếc Su-30MKK thứ 21 trở đi, radar N001VEP được thay bằng radar Zhuk-MS với tầm phát hiện mục tiêu xa hơn (150 km) và điều khiển nhiều loại vũ khí đa dạng hơn và khả năng bám cùng lúc lên tới 20 mục tiêu.
Nga đã nâng cấp cho Trung Quốc loại radar Zhuk-MSE với khả năng khóa cùng lúc nhiều mục tiêu hơn. Đã có thông tin về việc Nga hiện đại hóa radar trên Su-30MKK cho Trung Quốc bằng loại Zhuk-MSF với tầm phát hiện mục tiêu lên tới 350 km, nhưng chưa được xác nhận.
Nhật đang tiếp tục hiện đại hóa F-15J với trọng tâm là hệ thống máy tính trung tâm và radar. Nhật cũng chú trọng nâng cấp hệ thống tác chiến điện tử, điều khiển hỏa lực, hệ thống kiểm soát động cơ tự động cho F-15J.
Su-30MKK và F-15J chưa có cơ hội đối đầu, dù là trong huấn luyện chiến đấu. Chính vì vậy, cho tới nay chưa có bất kỳ sự so sánh trực tiếp nào giữa hai loại máy bay này. Tuy nhiên, những người "anh em" của chúng là Su-30MKI của Ấn Độ và F-15C của Mỹ không ít lần giáp mặt trong các cuộc tập trận chung.
Ví dụ điển hình được nhắc tới nhiều là cuộc tập trận chung Cope India năm 2004. Khi đó, những chiếc Su-30K của Ấn Độ (với radar N001 lạc hậu hơn Su-30MKI) đã trình diễn những tính năng kỹ chiến thuật vượt trội F-15C của Mỹ và giành chiến thắng với tỷ lệ "tiêu diệt" đối phương lên tới 9:1.
Trong cuộc tập trận Red Flag năm 2008, những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ cũng gây ấn tượng khi hoàn thành các khoa mục huấn luyện tiêu diệt mục tiêu mặt đất, chế áp hệ thống phòng không của đối phương và không chiến với F-15C và F-16 của Mỹ. Chính các chuyên gia Mỹ đã phải thừa nhận Su-30MKI của Ấn Độ vượt trội so với F-15 và cả F-16 của Mỹ. Sau cuộc tập trận này, tạp chí Flight đã làm cuộc khảo sát đề nghị lựa chọn loại máy bay chiến đấu tốt nhất trong số Su-30MKI, F-22 và F-15. Kết quả là có 59% chọn Su-30MKI, 37% chọn F-22 và chỉ có 4% chọn F-15.
Tuy nhiên, những nhận định trên hiện vẫn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn. Bên cạnh đó, Su-30MKK của Trung Quốc được đánh giá thấp hơn so với những chiếc Su-30MKI của Ấn Độ. Kết quả một cuộc đọ sức giữa F-15J và Su-30MKK vẫn rất khó đoán định, khi không quân Nhật đã được biên chế các phiên bản F-15J Kai (tiếng Nhật là cải tiến), với các tính năng được nâng cấp đáng kể.
Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng