Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vụ việc ở BV Nhi TW: "Tôi chỉ mong những người mẹ khác không phải chịu nỗi đau như mình"

“Tôi mong rằng sau này, những người mẹ, những gia đình đói khổ, cùng cực như chúng tôi khi đưa con đến bệnh viện sẽ không còn phải gặp cảnh như vậy, không còn phải chịu nỗi đau như chúng tôi” - chị Hoàng Thị Soa đau đớn chia sẻ.
Xuất hiện thêm clip ghi lại việc "chặn xe cứu thương" gây phẫn nộ
► Tài xế xe cấp cứu bị bảo vệ Bệnh viện Nhi TW cản trở: Tôi rất xót thương cho cháu bé!
Sự thật về thanh niên 'hổ báo' chặn xe cứu thương BV Nhi Trung ương 


"Con tôi chưa xuất viện đã có người gạ thuê xe"

Những ngày qua dư luận cả nước dậy sóng trước những hình ảnh bảo vệ tại Bệnh viện Nhi TW và một số “người lạ” ngăn cản không cho xe cứu thương chở bệnh nhi 9 tháng tuổi ra khỏi bệnh viện. Đó cũng là những ngày người mẹ trẻ như chết lặng trong nỗi đau quá lớn khi đã vĩnh viễn mất đi đứa con thơ dại mới tròn 9 tháng tuổi.

 Gia đình cháu bé bức xúc trước thái độ của bảo vệ Bệnh viện Nhi TW.

Ngồi thẫn thờ trong ngôi nhà đơn sơ, xập xệ, chị Hoàng Thị Soa (SN 1977, trú tại xã Tam Hợp, huyện Qùy Hợp, Nghệ An) đau đớn nhớ lại: “Hôm đó, sau khi bác sĩ tiên lượng sức khỏe, tình hình sức khỏe của cháu diễn biến xấu đi khuyên gia đình nên đưa cháu về nhà. Dù gia đình vẫn chưa có kế hoạch đưa cháu về nhưng đã có một người dùng số máy lạ gọi điện đến cho tôi hỏi có thuê xe đưa cháu về không. Tôi hỏi thì họ báo giá là 5.800.000 đồng nếu không có y tá đi cùng, khoảng 7 triệu nếu có y tá đi cùng kèm bình thở, họ bảo giá đó là “mềm” nhất rồi”. Vì lúc đó chúng tôi không có đủ tiền và cũng chưa có ý định đưa cháu về nên tôi không thuê”.

 Những người trực tiếp đưa cháu bé xuống xe cấp cứu có phản ứng với trả lời của Phó Giám đốc bệnh viện về sự việc trên.

"Sau đó, các cậu, các chú của cháu hợp đồng với một xe cấp cứu tại Nghệ An để đưa cháu và gia đình về. Chiếc xe này đưa bệnh nhân ra Hà Nội nên khi quay về họ lấy giá thấp hơn. Gia đình tôi đã thuê xe này. Vì sợ vợ chồng tôi quá đau buồn nên người thân trong gia đình bảo hai vợ chồng chúng tôi ra bến xe bắt xe về trước. Sau đó tôi mới biết sự việc nên quay lại thì công an đã đến rồi" - chị Soa cho biết thêm.
 
Chị Hoàng Thị Soa đau đớn khi mất đi đứa con bé bỏng, chị chỉ mong không còn người mẹ nào phải chị nỗi đau như chị, khi tâm nguyện cuối cùng cũng không thể thực hiện cho con.

Nước mắt không ngừng lăn dài trên gò má của người mẹ trẻ. Chị uất nghẹn trong từng lời nói khi xem những hình ảnh ghi lại cảnh bảo vệ bệnh viện ngăn cản không cho xe đưa con chị ra khỏi Bệnh viện Nhi TW.

“Khi đó vợ chồng tôi  bắt xe ôm ra bến xe Mỹ Đình, vẫn phải vòng đi vòng lại đến 3 lần vì nghe tin họ không cho xe chở con ra. Khi tôi trở lại, một số chị đưa bệnh nhân ra đây điều trị kể họ cũng đã từng gặp phải cảnh tương tự khi xe của tỉnh nhà đến đón thì bảo vệ không cho, xe bên ngoài vào cũng không được, cuối cùng họ phải chấp nhận đi xe tại đây”, chị Soa nói trong xót thương.

 
Gia đình cháu bé đau buồn, phẫn uất trước hành động vô lương của những bảo vệ tại Bệnh viện Nhi TW.

“Con tôi mất rồi. Tôi mong rằng sau này, những người mẹ, những gia đình đói khổ, cùng cực như chúng tôi khi đưa con đến bệnh viện sẽ không còn phải gặp cảnh như vậy, không còn phải chịu nỗi đau như chúng tôi. Chúng tôi đưa con đi chữa trọng bệnh, đến bữa ăn hàng ngày còn không đủ thì lấy đâu ra tiền nữa” - người mẹ nói trong nước mắt.
 
Nỗi đau của bà nội cháu bé đớn bị nhân lên bởi những hành động của các bảo vệ tại bệnh viện.

Hoàn cảnh gia đình khó khăn, có những thời điểm hai vợ chồng không còn tiền ăn sống nhờ vào những suất cơm, bát cháo từ thiện để cố gắng cùng con chống chọi với bệnh tật. Nhưng điều đau đớn nhất đã xảy ra khi chị vĩnh viễn mất đi đứa con thơ dại. Nhưng nguyện vọng cuối cùng của vợ chồng là được đưa cháu về đến nhà để cháu trút hơi thở cuối cùng nơi quê hương, vậy mà cũng không được thực hiện vì chiếc xe chở con chị đã bị những bảo vệ vô trách nhiệm ngăn lại.

Bức xúc trước câu trả lời của PGĐ Bệnh viện Nhi TW

Hai người trực tiếp đưa cháu bé từ bệnh viện ra xe cứu thương là anh Hoàng Ngọc Thủy (chú rể của cháu bé) và anh Trần Minh Phương (SN 1962, bác của cháu bé) cho biết: "Lúc đó, chúng tôi cáng cháu từ tầng 3 xuống. Đưa được cháu lên xe rồi họ (bảo vệ và một số người khác - PV) vây lấy xe không cho xe ra ngoài. Họ lại tranh cãi với tài xế, đóng, chặn tất cả cửa lại không cho chiếc xe đang chở cháu chúng tôi ra ngoài. Quá bức xúc trước thái độ của bảo vệ chúng tôi mới lên tiếng".

 
Gia đình cháu bé xem video Phó giám đốc bệnh viện nhi trả lời về vụ việc.

Cũng theo anh Thủy, khi đưa cháu từ bệnh viện ra xe không có bác sĩ, y tá nào của bệnh viện đi cùng mà người nhà và 1 người đi cùng xe cấp cứu đưa cháu xuống. Lúc xảy ra sự việc cũng không có bác sĩ, y tá nào của bệnh viện ra can thiệp.

Sau khi nghe những trả lời của ông Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TW - được đăng tải trên Phapluatplus.vn trong bài viết "Lãnh đạo Bệnh viện Nhi TW liệu có vô cảm trong vụ bảo vệ chặn xe cứu thương?" , không chỉ người nhà cháu bé mà rất đông những người khác cũng tỏ ra vô cùng bức xúc.

 
Anh Thủy - người trực tiếp đưa cháu bé xuống xe, chứng kiến toàn bộ quá trình diễn ra vụ việc - cùng những người thân trong gia đình không đồng tình trước cách trả lời của Phó giám đốc Bệnh viện Nhi TW.

"Là những người có mặt, chứng kiến, trực tiếp tham gia sự việc chúng tôi thấy trả lời của lãnh đạo bệnh viện như vậy là không được. Ông ấy có chứng kiến sự việc đâu mà nói như thế. Chúng tôi chỉ mong rằng bệnh viện Nhi cũng như các bệnh viện khác sớm chấn chỉnh tình trạng trên, xem lại thái độ làm việc của bảo vệ, nhân viên tại đây để người nhà không còn phải chịu khổ mỗi khi phải đến bệnh viện nữa". 
 
Hoàn cảnh gia đình cháu bé rất khó khăn, từ lọt lòng mẹ cháu mắc bệnh tim bẩm sinh  cả chị Soa anh Thành đã phải chạy vạy vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh cho con. Căn nhà của gia đình đã rách nát phải dùng bạt căng khắp nơi cho đỡ dột.

Người nhà cháu bé cho biết, lúc xe đang bị “vây”, trắng trợn hơn là việc nhiều người mang một dây xích to đến đòi khóa xe, tài xế đã gọi cho cảnh sát. Phải mất một thời gian khá dài sau đó, khi cảnh sát gần đến nơi thì họ mới cho xe đi. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng xuất hiện thì tài xế lại phải ở lại để giải quyết sự việc. Rất lâu sau tài xế mới cho xe chạy, chứ hoàn toàn không như trả lời của ông Phó Giám đốc bệnh viện rằng tài xế cho xe chạy rồi dừng lại để gọi cảnh sát 113.

Chẳng còn nỗi đau nào hơn khi người mẹ nghèo phải bất lực trước cảnh đứa con thơ đang thoi thóp thở trên chiếc xe cứu thương bị chặn lại mà không được đưa về đến quê nhà để trút hơi thở cuối cùng. Lúc đó chị cũng như những người thân trong gia đình đã phẫn nỗ đến tột cùng.

Câu hỏi về chuyện "ngăn xe cấm lối" và cách hành xử vô văn hóa của nhóm bảo vệ tại BV Nhi Trung ương sẽ được xem xét, xử lý như thế nào vẫn còn đang bị bỏ ngỏ.

Tác giả bài viết: Bình Nhi