Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Bài 9: Những trận đấu súng nghẹt thở của tướng cướp

Sẵn sàng nhả đạn nếu đối tượng chống cự, sẵn sàng xiết cò nếu như bị lực lượng công an truy đuổi… với 9 khẩu súng (6 khẩu K59, 2 khẩu K54, 1 khẩu Rulo), băng cướp do đại ca Toọng cầm đầu thực sự trở thành mối đe doạ đối với xã hội. Lực lượng công an, bộ đội đặc công với những trinh sát giỏi nhất đã được huy động để phá án. Rất nhiều lần giáp mặt với công an, Trương Hiền đã nhả đạn rồi tẩu thoát.
Xả đạn, mở đường máu để thoát thân

Khu phố 3, nơi có chợ Vinh sầm uất là nơi Toọng và đàn em thường lai vãng đến để “ăn hàng”. Tại đây, những năm 1978-1979, toán cướp do Toọng chỉ huy đã từng gây ra nhiều vụ trấn lột. Để ngăn chặnsự tác quai, tác quái và bảo vệ bà con tư thương buôn bán, Ty Công an Nghệ Tĩnh đã chỉ đạo cho công an Thành phố Vinh lập một chốt chặn trước cổng chợ Vinh. Trung tá Phạm Hồng Quang được chỉ định làm tổ trưởng.

Chợ Vinh ngày đó mỗi tháng có 3 chợ phiên: mồng 2, 17 và 27; kẻ bán, người mua tấp nập. Đấy cũng là dịp mà những tên móc túi, trấn lột thường hay lui tới, chờ cơ hội thuận tiện để ra tay.

 
Bản án sơ thẩm ngày 15/8/1981 Tóa án nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh, xét xử băng cướp Trương Hiền và đồng bọn.

Ngày 27, phiên chợ cuối cùng của tháng 11/1978, có 2 người đàn ông mặc áo quần bộ đội, mắt lấm la, lấm lét nhìn xung quanh. Một người có dáng thấp, da ngăm đen, nói giọng ở miền Trung, trong người thủ sẵn 1 khẩu K54 và 1 khẩu Rulo đã lên đạn sẵn. Người còn lại to béo, đội mũ cối, mặt lúc nào cũng cúi gằm xuống đất.

Tổ trưởng Phạm Hồng Quang lập tức nhận ra 2 người đàn ông lạ mặt đó là Toọng và Khang "bệu". Không để cho Hiền trốn thoát, Phạm Hồng Quang lách đám đông, bám sát mục tiêu, cố giữ khoảng cách để cho Toọng không phát hiện mình đang bị theo dõi.

Nhưng với kinh nghiệm bao năm lăn lộn trong giới giang hồ, Toọng nhận ra hành tung của mình đã bị lộ. Nhanh như cắt, hắn vội lách vào đám đông, rồi rẽ sang phía sạp vải. Đệ tử của hắn rẽ vào một con ngõ hẻm rồi mất hút.

Phía sau, mấy chiến sỹ công an vẫn dán mắt vào người thanh niên có nước da sạm đen, cao khoảng 1m6 đang tìm cách lẩn trốn. Khoảng cách giữa 2 bên dần dần rút ngắn.

Đúng vào dịp chợ phiên nên người khá đông. Nếu nổ súng, sẽ không loại trừ trường hợp người dân bị thương. Nghĩ vậy, nên dù khi Toọng chỉ cách gần chục bước chân, Phạm Hồng Quang quyết định bắn chỉ thiên.

Nghe tiếng súng, Toọng vội dạt người sang một bên, rút trong người khẩu K54 đã lên đạn sẵn và hướng về phía sau xiết cò. Hai tiếng nổ chát chúa vang lên. Anh Quang nằm rạt xuống đất, tránh được luồng đạn vừa hướng vào mình.

Nghe tiếng đạn nổ, bà con tiểu thương bỏ chạy ráo rác. Lợi dụng lúc đó, Toọng chạy ra khỏi chợ Vinh, vòng qua đường 1 và hướng về phía ngã 6 để tẩu thoát.

Vừa bước ra khỏi chợ Vinh, đến quốc lộ 1A, Toọng ngoái lại phía sau thì thấy 1 chiến sỹ công an và một người mặc sắc phục quân đội đang bám theo mình. Không ngần ngại, hắn chĩa nòng súng đen ngòm vào lực lượng truy đuổi và nhả đạn. Lợi dụng sự hỗn độn, tướng cướp nhảy qua bờ tường một ngôi nhà rồi mất hút trong con ngõ ngoằn nghèo.

Sa lưới

Sau lần trốn thoát sự truy đuổi của lực lượng công an, Toọng cùng đàn em lui vào ở ẩn. Địa điểm ẩn náu cũng được hắn thay đổi thường xuyên, thoắt ẩn, thoắt hiện. Có khi người dân phát hiện hắn ở chỗ này, vội báo cho lực lượng công an thì hắn đã nhanh chân trốn sang nơi khác.

Bằng mọi giá phải bắt được tên cầm đầu cùng đàn em của Toọng để lập lại trật tự trên địa bàn, đó là mệnh lệnh được Ty Công an Nghệ Tĩnh ban xuống. Ngoài việc huy động các trinh sát dày dạn về nghiệp vụ, lực lượng phá án còn được bổ sung đáng kể khi có sự tham gia của đội đặc nhiệm quân sự.

 
10 trong số 19 tên trong băng cướp bị đưa ra xét xử tại TAND tỉnh Nghệ Tĩnh. Tòa án đã tuyên 4 án tử hình, 4 án chung thân, 1 án 20 năm và 1 án 15 năm đối với các bị cáo.

Ga tàu, bến xe và chợ Vinh là những địa điểm mà công an ém quân, chờ sự xuất hiện của Toọng là tiến hành truy bắt.
Ngày 9/3/1979, nguồn tin từ tiểu thương chợ Vinh cho hay, đã phát hiện Toọng cùng 1 người nữa xuất hiện tại chợ. Không kịp báo cáo thông tin lên Công an Thành phố, trinh sát Nguyễn Văn Bình cùng đồng đội tên là Nguyễn Văn Học đuổi theo.

Linh tính thấy rằng hình như có người đang bám theo mình, Toọng vội nhào ra phía cổng. Chưa kịp rẽ qua đường lớn thì hắn đã bị một bàn tay vạm vỡ, rắn như thép chộp lấy. Toọng cúi gập người xuống, nhoài sang một bên để né tránh. Đoạn, hắn vung chân đá vào người anh Học. Chân vừa tiếp đất, hắn rút nhanh khẩu súng đút sẵn trong túi quần rồi nhả đạn.

Trinh sát Bình vội lăn nhoài, nằm rạp xuống đất để tránh 2 viên đạn xả thẳng vào người anh. Trong lúc Toọng đang cố gắng tìm đường để chạy thoát sau 2 phát súng không trúng đích thì bất ngờ anh Bình bật dậy, quét thẳng vào chân trụ của tướng cướp, làm hắn ngã ngửa. Chỉ chờ có thế, trinh sát Bình lao tới, dùng sức khống chế, bẻ quặp 1 tay Toọng ra phía sau.

Tay phải bị bẻ quặp, Toọng vội xoay mình, rút trong túi quần ra một khẩu súng khác và nhằm vào ngực anh Bình siết cò. Không có tiếng súng nổ. Viên đạt bị tắc. Anh Bình thoát chết trong gang tấc.

Lúc này, trinh sát Học cùng bà con chạy đến, ghì chặt Trương Hiền xuống ruộng muống bên cạnh. Anh Bình một tay khống chế Toọng, một tay rút cướp khẩu súng trong tay Toọng vứt ra xa.

Toọng bị bắt, lực lượng công an thu được 1 khẩu súng K54 cùng với 10 viên đạn. Trong hồ sơ về tướng cướp Trương Hiền còn ghi rất rõ nguồn gốc của 2 khẩu súng mà y thường sử dụng: khẩu K59 là do một người tên Hùng, người Hà Nội cho y. Sau một thời gian sử dụng, khẩu súng trên được Toọng bàn giao lại cho tên Đậu Kim Sơn (tức Sơn hảo) để tên này đi thực hiện hành vi phạm tội.

Còn khẩu súng K54 mà y sử dụng bắn lại công an lần cuối trước khi bị bắt được sản xuất 1966. Khi bị bắt, trong khẩu súng còn 5 viên đạn (đã bắn 2 viên), và trong túi quần y còn có 5 viên đạn khác. Khẩu K54 mà y sử dụng là do một người tên Hoàng, từng là chiến sỹ công an (C5) đã bị sa thải cho y.

Rút cuộc thì tướng cướp có biệt danh cu Toọng đã sa lưới pháp luật. Lực lượng công an ngày đó đã phải tăng cường lực lượng, canh chừng hết sức cẩn mật khu vực trại giam, tránh trường hợp Toọng cắt song sắt trốn ra ngoài. Bởi, với tướng cướp này, mọi việc y đều có thể làm được. Toàn bộ hồ sơ, lời khai của bị can cũng được lực lượng công an gấp rút hoàn thành. 

Kỳ tới: 8 án tử hình và chung thân được tuyên. Trước ngày ra pháp trường, Toọng mới cảm nhận hết những tội lỗi mà mình gây ra. Ước mong cuối cùng của tướng cướp từng làm mưa, làm gió một thời này là mong được nhìn thấy người mẹ già, nhưng...

Tác giả bài viết: Hoàng Sang – Duy Tuấn