Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Người Trung Quốc công khai giăng băng rôn “lạ” ở Nha Trang

Ngoài tình trạng hướng dẫn viên người Trung Quốc hoạt động thuyết minh trái phép, TP Nha Trang còn phát hiện người Trung Quốc “giăng băng rôn” đủ các màu sắc ở một số điểm đến.
► HDV người Việt ở Nha Trang: “Người Trung Quốc thuyết minh xuyên tạc về Việt Nam…”
Không thể chấp nhận việc HDV “chui” người Trung Quốc giới thiệu sai lệch về Việt Nam

Tại cuộc họp sơ kết du lịch 6 tháng đầu năm 2016, sáng 6/7, ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã bày tỏ sự gay gắt với lãnh đạo các ngành du lịch, văn hóa, lao động… liên quan đến các bất cập khi khách Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa. Ông Hải đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, tình hình du lịch Nha Trang - Khánh Hòa “phức tạp”, số vụ vi phạm của người nước ngoài nhiều, số tiền xử phạt cũng nhiều hơn trước đây.

Kiên quyết xử lý người Trung Quốc giăng băng rôn

Ông Nguyễn Sỹ Khánh, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, cho biết, cách đây chưa lâu đã phát hiện tình trạng người Trung Quốc giăng băng rôn và tụ tập đông người ở công viên bờ biển Nha Trang, chùa Long Sơn để chụp hình. “Người Trung Quốc căng băng rôn đủ màu sắc, màu xanh có, màu đỏ có… và khi phát hiện chúng tôi đã tiến hành thu giữ. Mà nếu thu về rồi, kiểm tra nội dung không tốt thì rất nguy hiểm”, ông Khánh lo ngại.

Do bất đồng ngôn ngữ, ông Khánh đề xuất cần có phiên dịch tiếng Trung cùng đi kiểm tra tình trạng người Trung Quốc giăng băng rôn và có chế tài xử lý mạnh hơn ngoài việc thu giữ.

Trước việc HDV người Trung Quốc hoạt động “chui”, ông Khánh cho rằng để ngăn chặn tình trạng này thì mỗi điểm tham quan cần phải bố trí riêng một đội ngũ HDV tiếng Trung người Việt Nam. “Khi các đoàn đưa khách Trung Quốc đến thì không cho HDV đoàn đó vào mà bắt buộc phải chuyển giao đoàn khách cho HDV người Việt Nam tại đó”, ông Khánh kiến nghị.

Người Trung Quốc (áo xanh, dép lê...) thuyết minh trái phép ở chùa Long Sơn (TP Nha Trang) lúc 11h10 ngày 5/7 - Ảnh: Viết Hảo

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Khánh Hòa, cho biết, đơn vị quản lý 2 di tích tại TP Nha Trang, gồm tháp bà Ponagar Nha Trang và Danh thắng Hòn Chồng. Hiện nay tại 2 di tích nói trên đã bố trí bảng hiệu nghiêm cấm người nước ngoài làm HDV.

Ông Trần Sơn Hải yêu cầu ông Hoa cần bố trí ngay HDV tiếng Trung người Việt tại 2 điểm đang quản lý để thuyết minh cho các đoàn khách Trung Quốc. “Nó nói gì đó ở trên xe ô tô hay nói ở đâu thì mình không biết nhưng vô tham quan thì phải là HDV của mình dẫn đoàn, thuyết minh. Ở Đà Nẵng thì đã bị cái chuyện này rồi, còn ở mình thì chưa nghe nhưng cũng có thể là nó đã nói rồi nhưng mình chưa biết, mình làm như thế là đề phòng, để tránh câu chuyện nó nói A, B, C… gì đó”, ông Hải nhấn mạnh.

Tại Chùa Long Sơn, ông Hải yêu cầu cử 3-4 HDV tiếng Trung người Việt ứng trực, thuyết minh cho khách Trung Quốc. Ngoài ra, ông Hải yêu cầu xử lý mạnh các trường hợp giăng băng rôn theo luật quảng cáo. Theo đó, nếu băng rôn không có tiếng Việt ở trên, tiếng nước ngoài nhỏ hơn (ở dưới) thì xử phạt.

“Khách Bắc Âu thấy khách Trung Quốc là họ không ở”

Theo bà Phan Thanh Trúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch, 6 tháng đầu năm nay Khánh Hòa đón hơn 203.000 lượt khách Trung Quốc, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ, trong khi thị trường khách truyền thống Châu Âu giảm 28% so với cùng kỳ năm ngoái, Úc giảm 20%, Mỹ giảm 10%… Trước thực trạng này, ông Hải đã đặt câu hỏi là vì sao khi khách Trung Quốc tăng mạnh thì khách Châu Âu lại ra đi, câu chuyện đó có phải là do khách Trung Quốc gây nên hay không?

Trả lời thắc mắc của ông Hải, ông Lâm Duy Anh Cường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho biết, dưới con mắt của dòng khách truyền thống, các nhà lữ hành châu Âu thì Nha Trang như được mặc định là nơi có đông khách Nga, Trung Quốc nên họ không thiết tha. Theo ông Cường, vào thời điểm khách Nga giảm mạnh vào cuối năm ngoái thì các khách sạn ở Nha Trang bán giá dịch vụ, giá phòng ở mức rất thấp cho giới kinh doanh Trung Quốc. “Tôi cho rằng, cần chấn chỉnh thị trường khách Trung Quốc vì giảm giá quá mức và có sự đồng thuận giữa các khách sạn về một mức giá tối thiểu”, ông Cường nhận định.

 
nguoitrungquoccongkhaigiangbangronlaonhatrang
Một người Trung Quốc (đeo kính) không biết có hiểu gì về văn hóa, lịch sử Việt Nam không nhưng đang thao thao giới thiệu cho đoàn khách Trung Quốc ở chùa Long Sơn, TP Nha Trang, lúc 11h25, ngày 5/7 - Ảnh: Viết Hảo

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, cho rằng, việc các đơn vị kinh doanh lữ hành, khách sạn thiếu kinh nghiệm trong việc “chăm sóc” dòng khách châu Âu cũng là nguyên nhân khiến dòng khách này giảm mạnh. Ngoài ra, việc chưa có kinh nghiệm khi đón một lượng lớn khách Trung Quốc đến Nha Trang - Khánh Hòa đã dẫn đến tình trạng đưa đón khách xô bồ, khách sinh hoạt ồn ào.

Lãnh đạo một Sở ở tỉnh Khánh Hòa tham gia cuộc họp cũng cho rằng, từ lâu nay như ăn vào tiềm thức là khách Bắc Âu khi thấy khách Trung Quốc thì họ không ở, bỏ đi nơi khác. “Nếu các đồng chí đến nơi nào mà có khách Trung Quốc thì thấy họ rất ồn ào, sinh hoạt rất lộn xộn và làm mất đi chất lượng dịch vụ ở nơi họ lưu trú”, lãnh đạo này nhấn mạnh.

Kiểm tra, siết chặt người Trung Quốc lao động trái phép

Thừa nhận tình hình du lịch 6 tháng đầu năm là phức tạp, trong đó nổi cộm là tình trạng HDV người Trung Quốc “chui”, lao động người Trung Quốc trái phép, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - ông Trần Sơn Hải, cho rằng, các ngành đã “phản ứng với chậm, lúng túng với các tình huống, diễn biến”. Ông yêu cầu cần có giải pháp khắc phục thị trường khách truyền thống; chuẩn bị một tổ phiên dịch tiếng Trung để hỗ trợ cho các đoàn kiểm tra liên ngành; yêu cầu các đơn vị lữ hành có cam kết thực hiện đúng các “quy định cụ thể” khi đưa khách đến; kiểm tra, siết chặt tình trạng người Trung Quốc lao động trái phép ở Nha Trang.

Theo Sở Du lịch Khánh Hòa, trong 6 tháng đầu năm nay, Thanh tra Sở đã tổ chức kiểm tra 22 đơn vị kinh doanh du lịch, xử phạt 105 triệu đồng; ngoài ra, Công an tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Sở Du lịch, LĐ-TB&XH phát hiện 18 trường hợp người nước ngoài hoạt động hành nghề trái phép và tiến hành xử lý vi phạm hành chính 7 trường hợp với tổng số tiền 140 triệu đồng; hủy thị thực, rút ngắn thời hạn tạm trú, yêu cầu đương sự xuất cảnh; đưa vào diện “chú ý xét duyệt” (16 trường hợp); diện “chưa cho nhập” (2 trường hợp).

Tác giả bài viết: Viết Hảo