Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Gã đàn ông 45 tuổi là tôi lần đầu tiên biết xách túi đi chợ mua rau, mua thịt...

Đàn ông đa phần là không tỉ mẩn, lại cẩu thả, qua loa và không ít anh lười biếng nên các chị muốn được chồng chia sẻ, đỡ đần thì cần kiên nhẫn một chút, dịu dàng một chút...
Số tôi sướng từ trong trứng. Thầy bói phán thế. Mà tôi thấy cũng đúng. Từ bé, mẹ tôi đã chẳng bao giờ để tôi phải động tay động chân vào mọi việc trong nhà, chỉ có ăn với học. Lớn lên lấy vợ, vợ tôi cũng chiều tôi hệt như mẹ tôi. Vợ tôi là mẫu phụ nữ truyền thống nguyên bản. Trong mắt cô ấy, đàn ông là… tầng lớp trên, nhất là với một ông chồng học hành đỗ đạt như tôi thì ranh giới đó càng rõ ràng. Vợ tôi chăm chồng, ngoài tình thương còn có cả sự tận tụy của một người phục vụ. Việc nhà, vợ tôi quán xuyến trọn vẹn, không để chồng phải bận tâm.

Vợ tôi còn rất xót chồng. Thân mình ngã sưng đầu gối thì không một tiếng, nhưng chồng mà chẳng may đứt tay tí xíu là cuống quýt tìm bông, xức dầu. Thân mình làm quần quật ngày đêm chẳng sao, nhưng chỉ cần thấy chồng cầm chổi quét nhà hay bê chậu bát là vội giằng lấy, anh cứ lên phòng nghỉ ngơi để đấy em làm.

 
don rac cho chong 6840117
Ảnh mang tính minh họa - Ảnh: shutterstock

Hồi đầu, lắm lúc tôi cũng bực và khó chịu với vợ nhưng dần rồi quen, nghiễm nhiên thụ hưởng sự chiều chuộng của vợ mà chẳng nghĩ ngợi gì. Các con ra đời, vợ tôi vất vả gấp đôi gấp ba nhưng không một tiếng kêu ca. Rồi cũng như cha, hai đứa con tôi chẳng biết làm gì đỡ đần mẹ ngoài việc học cho giỏi, chơi cho ngoan. Mà hình như vợ tôi chỉ cần chồng thành đạt, con giỏi giang là vất vả, cực nhọc mấy cũng gánh hết.

Đùng một cái, vợ tôi bị tai nạn phải nằm bất động. Nhà cửa rối tinh rối mù. Gã đàn ông 45 tuổi là tôi lần đầu tiên biết xách túi đi chợ mua rau, mua thịt; về nhà thì loay hoay với cái bếp ga, bật mãi không lên, cứ làu bàu, lẩm bẩm. Vợ nằm trong phòng “nghe nhạc hiệu, đoán chương trình” điều khiển từ xa: “Anh cúi xuống phía dưới, mở khóa van ga ra”. Cứ thế mà tôi làm tới tới.

Hai thằng con cũng chẳng khác bố, tôi sai nhặt rau thì ngồi bứt từng lá, lau nhà thì chân trước giẫm lên chân sau. Mẹ vào bếp thì bày biện lắm món, giờ đến bữa bố chỉ có mỗi món mặn, món canh, nhưng hôm mặn hôm nhạt, có hôm ba bố con điệp khúc mì tôm qua bữa. Vậy mà không ít lần bố con cáu kỉnh nhau vì chẳng ai làm ra đường, ra lối. Vợ tôi nằm không yên, hết dặn con lại nhắc bố. Một tuần trôi qua như thế, chịu không nổi, tôi tìm người giúp việc. Cô thì vừa đến hôm trước, hôm sau đã đòi tăng lương; cô khác mới làm chưa được nửa tháng đã xin về quê vài ngày nên tôi cho giải tán hết.

Cực chẳng đã, ba bố con lại phải hò nhau mà làm. Cơm hôm khê, hôm nhão rồi cũng ngon. Cá, rau lúc mặn, lúc nhạt rồi cũng vừa miệng. Hai ông con đã không phụng phịu, thoái thác khi bố sai việc nữa. Rửa bát, quét nhà, đổ rác rồi chúng cũng làm đâu ra đấy. Bố về muộn là tự biết nấu cơm, tráng trứng ăn. Khi vợ tôi nhúc nhắc đi lại được cũng là lúc bố con tôi đã thành những quý ông thạo việc.

Tôi đùa với vợ: "Hóa ra em bị tai nạn lại có cái hay. Không thì bố con anh mãi vẫn là những con ngỗng đực". Vợ tôi cười: "Cũng tại em, cứ ôm việc vào người để bố con anh đói khát. Từ nay, em sẽ thay đổi". Từ khi được san sẻ việc nhà, vợ tôi không tất bật, bận bịu như trước nữa, vợ chồng có nhiều thời gian dành cho nhau hơn. Hai cậu con trai ngoài giờ học đã biết chủ động đỡ đần mẹ. Đôi khi nhìn chúng lúi húi trong bếp vợ tôi hài hước: "Các ông chồng, ông bố đảm của tương lai đây".

Hôm rồi ngồi đợi bạn trong quán cà phê, tình cờ nghe mấy chị bàn bên kêu ca về các ông chồng. Chị thì nhăn nhó, chồng em bừa bộn và luộm thuộm nhất quả đất. Chị thở dài: "Đi làm thì thôi chứ về đến nhà là nằm ườn ra đọc báo, xem ti vi". Có chị còn não nề hơn: "Lão nhà em còn có cái kiểu cứ cuối tuần lại lôi bạn đến nhậu nhẹt, no say là lăn ra ngủ, “chiến trường” bỏ mặc cho em".

Cô trẻ nhất phụ họa thêm: "Anh nhà em con hai tuổi rồi mà mỗi lần con tè hay đóng bỉm cho con lại í ới gọi vợ". Một chị nom già dặn nhất nhóm tổng kết: "Mình làm được đến đâu thì làm, không làm được thì thuê Ôsin, mong gì ở các ông ấy. Có làm thì vợ cũng phải đi theo mà dọn đến khổ". Rồi chị ta đưa ra ti tỉ dẫn chứng: chồng pha mì tôm xong thì kéo một nơi, gói gia vị một nẻo, dầu vung vãi khắp bếp; rửa bát thì không cọ xoong, không cọ bồn; quần áo lấy từ máy giặt ra không thèm giũ cứ thế móc lên phơi… Làm kiểu đó thà mình làm cố cho xong còn hơn là đuổi theo các lão mà dọn rác!

Tôi nghĩ, những gì các chị nói không hề sai, nhưng nếu phụ nữ cứ xót chồng như kiểu vợ tôi, hay như các chị ngại để chồng làm rồi phải đi theo “khắc phục hậu quả”, hay như bà chị tôi lần đầu chồng trổ tài vào bếp chiên gà hơi quá lửa, chị cứ chê õng chê eo… thì sợ là các chị sẽ phải một mình dọn rác cả đời. Đàn ông đa phần là không tỉ mẩn, lại cẩu thả, qua loa và không ít anh lười biếng nên các chị muốn được chồng chia sẻ, đỡ đần thì cần kiên nhẫn một chút, dịu dàng một chút, chấp nhận một chút, cỗ vũ, khích lệ thêm một chút. Được như vậy, chẳng có cớ gì mà các ông không cố gắng làm cho vợ hài lòng.

Tác giả bài viết: Hồng Lĩnh