Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Tham vọng khiến Trung Quốc không chịu từ bỏ đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông

Năng lực hạn chế của hải quân trong việc bảo vệ Con đường Tơ lụa trên biển thúc đẩy Bắc Kinh bồi lấp, củng cố các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

 

Tàu sân bay Liêu Ninh của hải quân Trung Quốc. Ảnh: PLAN


Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) mới đây thông báo sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện "đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương vẽ ra trên Biển Đông vào ngày 12/7. Trung Quốc khăng khăng từ chối theo kiện, không thừa nhận thẩm quyền của tòa trọng tài, đồng thời tuyên bố sẽ bác bỏ phán quyết của tòa.

Theo các chuyên gia phân tích, việc Trung Quốc tuyên bố phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài đã đi ngược lại với cam kết duy trì trật tự dựa trên pháp luật quốc tế của họ, và điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nước này trên trường quốc tế, theo CNN.

Tuy nhiên, ông Ian Storey, chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, cho rằng dù phán quyết của PCA có thế nào đi chăng nữa, Trung Quốc cũng sẽ không chịu từ bỏ các đảo nhân tạo bồi lấp phi pháp trên Biển Đông, và Bắc Kinh sẽ tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng ảnh hưởng bằng chiến lược đảo nhân tạo của mình.

Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình đề xướng khái niệm "Giấc mơ Trung Hoa", Trung Quốc bắt đầu ồ ạt mở rộng ảnh hưởng xuống phía nam bằng các dự án bồi lấp, cải tạo đảo nhân tạo phi pháp. Chỉ trong vòng một năm, nước này đã gấp rút bồi lấp gần 1.300 hecta đất, biến 7 bãi cạn, đá ngầm thành đảo nhân tạo trái phép. Sau đó, nước này còn xây dựng các đường băng, công trình quân sự, trạm radar trên các đảo nhân tạo này, làm thay đổi cán cân sức mạnh trên Biển Đông.

Trong một bài viết trên Diplomat, ông Frederick Kuo, chuyên gia phân tích xã hội – lịch sử ở San Francisco, Mỹ, nhận định rằng phán quyết rất được mong chờ của PCA sẽ có tác động rất nhỏ đến các hành động của Trung Quốc, bởi các hành động đó được định hình bằng tham vọng lớn của Bắc Kinh nhằm xây dựng một đế chế thương mại không có đối thủ xuyên suốt khu vực Á – Âu và châu Phi.

Khi phân tích mô hình đầu tư và phát triển thương mại của Trung Quốc, ông Kuo cho rằng chiến lược xây đảo nhân tạo của Bắc Kinh trên Biển Đông được thúc đẩy bởi hai động cơ chính, đó là tham vọng thương mại của nước này và nỗ lực khắc phục điểm yếu của hải quân.

Đế chế thương mại

Sau hai thập kỷ công nghiệp hóa và đổi mới kinh tế, Trung Quốc đã vươn lên trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, với tổng giá trị thương mại lên tới hơn 4,3 nghìn tỷ USD trong năm 2015.

Với sự trỗi dậy mạnh mẽ của nền kinh tế, Trung Quốc đã xây dựng một "đế chế thương mại" ngày càng lớn, với mạng lưới giao thương mở rộng đến châu Âu, châu Phi, Trung Đông, Nam Á. Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc tăng vọt lên mức gần 120 tỷ USD trong năm 2015. Nước này trở thành đối tác thương mại lớn nhất ở châu Phi, với kim ngạch thương mại hơn 160 tỷ USD trong năm ngoái.

Trung Quốc cũng là đối tác thương mại lớn thứ hai của châu Âu, với kim ngạch 580 tỷ USD mỗi năm. Các khoản đầu tư, thương mại của Trung Quốc đến các quốc gia Trung Đông, Nam Á cũng tăng mạnh trong những năm qua. Tuy nhiên, mạng lưới này lại chứa một mắt xích yếu, đó chính là đường biên giới biển của Trung Quốc rất dễ tổn thương một khi bị các cường quốc nước ngoài bao vây, phong tỏa.

Các hướng tiếp cận với Thái Bình Dương của Trung Quốc gần như bị phong tỏa bởi các đồng minh, đối tác của Mỹ trên vành đai mang tên "Chuỗi đảo thứ nhất", kéo dài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan xuống tới Philippines. Dù nguy cơ nổ ra xung đột toàn diện trong khu vực là rất thấp, Trung Quốc vẫn rất lo lắng bởi mắt xích yếu này, khi căng thẳng do tranh chấp biển đảo với các nước láng giềng ngày càng tăng lên.

Để củng cố mắt xích này phục vụ mục tiêu mở rộng không ngừng đế chế thương mại của mình, Trung Quốc đã khởi xướng chiến lược "Một vành đai, một con đường", lấy cảm hứng từ Con đường Tơ lụa từ thời cổ đại. Nếu thành công, chiến lược này về cơ bản sẽ thay đổi cán cân sức mạnh toàn cầu nghiêng về Trung Quốc, xây dựng đế chế thương mại lớn chưa từng có trong lịch sử gồm hơn 60 nước xuyên suốt châu lục Á – Âu và châu Phi, với mục tiêu "mọi con đường đều dẫn tới Bắc Kinh".

 

Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc đi qua Biển Đông, tới Ấn Độ Dương, kết nối với châu Phi, châu Âu. Đồ họa: BBC


Dự án "Một vành đai, một con đường" này gồm hai tuyến giao thương chính trên bộ và trên biển, trong đó tuyến đường trên biển chạy dọc Biển Đông xuống hướng nam, xuyên qua eo biển Malacca, vượt Ấn Độ Dương để tới châu Phi, Trung Đông và châu Âu.

Điểm yếu của hải quân

Tuy nhiên, nhiệm vụ bảo vệ tuyến giao thương trên biển đầy tham vọng này khiến hải quân Trung Quốc đối diện với thách thức an ninh hàng hải lớn chưa từng có. Trong lịch sử, Trung Quốc chưa từng sở hữu lực lượng hải quân mạnh có thể vươn ra khắp các đại dương, và sau nhiều nỗ lực hiện đại hóa, hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể xây dựng được một "lực lượng biển xanh" như Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây.

Trung Quốc đến nay mới chỉ có trong tay một tàu sân bay Liêu Ninh, chủ yếu phục vụ cho mục đích huấn luyện, và chưa thể thành lập được một cụm tàu sân bay chiến đấu. Hải quân nước này chủ yếu thực hiện chiến lược phòng thủ ven bờ, chống tiếp cận, chống xâm nhập khu vực, trong khi các chiến đấu cơ chưa thể mở rộng tầm hoạt động, tác chiến khi thiếu máy bay tiếp dầu trên không.

Theo ông Kuo, các nỗ lực xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua nhằm phục vụ cho mục đích kiểm soát an ninh trên tuyến đường giao thương trên biển. Ý đồ của Trung Quốc là biến các đảo nhân tạo phi pháp này thành những tiền đồn có thể giám sát và bảo vệ tuyến giao thương hàng hải mà họ ngày càng phụ thuộc lớn hơn.

Nói cách khác, nỗi ám ảnh về việc mất quyền kiểm soát tuyến giao thương hàng hải trọng yếu từ Biển Đông tới căn cứ hải quân mới thành lập ở Djibouti là động lực thúc đẩy Trung Quốc biến các bãi cạn mà họ kiểm soát phi pháp thành những "tàu sân bay không thể chìm", để có thể triển khai chiến đấu cơ và các công trình quân sự khác hoạt động lâu hơn, xa hơn trên Biển Đông.

Ông Kuo cho rằng trong chiến tranh, các đảo nhân tạo và công trình quân sự trên đó không có nhiều ý nghĩa chiến lược, bởi chúng dễ dàng bị "thổi bay" bởi các loại hỏa lực không quân, hải quân của đối phương. Tuy nhiên, để phục vụ mục đích giám sát, kiểm soát tuyến hàng hải ở Biển Đông trong thời bình, những căn cứ quân sự và trạm radar giám sát trên các đảo nhân tạo này là đủ.

 

Đường băng 3.000 mét và các công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam. Ảnh: CSIS


Chuyên gia này cho rằng với những giá trị mang tính chiến lược đó, Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trái phép trên Biển Đông, bất chấp phán quyết của PCA hay áp lực đến từ Mỹ và cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực xây dựng hình ảnh "trỗi dậy hòa bình" mà Trung Quốc đang theo đuổi cũng như vai trò đối tác phát triển với khu vực Đông Nam Á.

"Đây có thể là cái giá mà Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận để đổi lấy việc kiểm soát hiệu quả tuyến đường hàng hải trọng yếu nối đế chế thương mại của họ với Ấn Độ Dương. Bởi vậy, khu vực này nhiều khả năng sẽ còn chứng kiến nhiều căng thẳng hơn nữa, trước khi một hiện trạng mới hình thành", ông Kuo nhận định.

Tác giả bài viết: Trí Dũng