Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Chuyện mời chài khách của gái mại dâm Anh

Một nhóm các nghị sĩ Anh đang đề nghị phi hình sự hóa hoạt động mời chài mua dâm mà nếu được chấp thuận, sẽ là bước ngoặt đối với hàng nghìn người đang hành nghề mại dâm tại nước này.
 
Bán dâm là hợp pháp, nhưng mời chài mua dâm lại là bất hợp pháp ở Anh. Ảnh: PA

Phi hình sự hóa việc mời chài mại dâm ở Anh và xứ Wales sẽ dẫn tới một trong những bước ngoặt về cách thức xã hội nhìn nhận mại dâm, kể từ khi nó được hợp pháp hóa 200 năm trước. Tuy nhiên, việc phi hình sự hóa có ảnh hưởng thế nào đối với hành vi mời chài mại dâm trên đường phố London?

Tại Anh, bán dâm là hợp pháp nhưng những hoạt động liên quan tới mại dâm như môi giới, bảo kê, điều hành nhà chứa hay mời chài mua dâm trên đường phố lại là tội hình sự.

Theo báo cáo của cơ quan nội vụ Anh, khoảng 11% đàn ông, tương đương 2,3 triệu người, từ độ tuổi 16 đến 74 ở Anh từng mua dâm ít nhất một lần.

Số lao động hành nghề mại dâm ở Anh ước tính khoảng 72.800 người, trong đó 32.000 người ở London. Người bán dâm tiếp trung bình 25 khách một tuần, thu nhập bình quân 103 USD một lần đi khách.

Từ năm 2014 đến 2015, đã có 456 người bán dâm bị truy tố vì tội lảng vảng mời chài mua dâm. Từ năm 1990 tới 2015 đã có 152 người bán dâm bị sát hại. Có gần 1.500 người là nạn nhân của bọn buôn người, bị bóc lột tình dục từ năm 2014-2015. 

Một nhóm các nghị sĩ Anh hôm 1/7 đã kêu gọi hợp pháp hóa hoạt động mời chài mại dâm. Theo BBC, việc này sẽ dẫn tới những thay đổi căn bản của luật pháp về mại dâm. Đây dường như là tin đáng mừng đối với những người bán dâm tại London.

Bán dâm để mưu sinh 

Jenny Medcalf cho biết bắt đầu bán dâm từ năm 2004 khi người yêu cũ gợi ý. Lúc đó, cô đang làm chuyên viên thống kê, chật vật để lo liệu cuộc sống cho ba đứa con nhỏ và thanh toán khoản thế chấp vay mua nhà ở Surbiton.

Jenny tốt nghiệp đại học Durham, nói rằng sau một cuộc hôn nhân đau khổ và một chuỗi bạn trai "không lấy gì làm tốt đẹp", cô lại sa vào một gã khác, kẻ đưa cô vào thế giới của BDSM (một hình thức bạo dâm theo kiểu đóng vai).

"Tôi tuyệt vọng, rất cần tiền", Jenny, 47 tuổi cho biết. "Lúc đó tôi nghĩ rằng mình quyết định đi bán dâm để đáp ứng nhu cầu tiền bạc và sẽ coi đó là một công việc kinh doanh".

Jenny cho biết cô quảng cáo trên mạng và sẽ gặp khách hàng tại khách sạn hay nhà họ. 

"Người tôi gầy gò, ngực phẳng, trông hơi nam tính nhưng tôi lại cung cấp dịch vụ BDSM".
 
Jenny ủng hộ cho phép phụ nữ mời chài mua dâm trên đường phố. Ảnh: BBC

Jenny cho biết cô từng phải dùng ma túy để ngăn mình nghĩ về những thiệt hại vật chất và tinh thần mà công việc đem tới. Sau 5 năm làm việc trong ngành này, cô bắt đầu muốn nghỉ việc.

"Có một gã nhốt tôi vào lồng, dùng roi quất. Tôi chửi thề, hét lên. Tôi không bao giờ gặp lại hắn lần nữa, mặc dù gã đó vẫn muốn gặp tôi. Đó là lúc tôi muốn nghỉ việc. Công việc này làm tôi suy sụp hoàn toàn", Jenny nói.

Cô ý thức được mình không còn kiểm soát được công viêc và ghét bỏ bản thân. Cô bắt đầu mời chài mua dâm trên phố nhưng tình hình ngày càng tệ hại, Jenny không còn kiếm đủ tiền trả ngân hàng và mất nhà, cùng với quyền nuôi dưỡng ba đứa con, lũ mèo và tất cả tài sản. 

Sau lần tự tử không thành, tái nghiện ma túy và rượu, Jenny gặp được người sau này trở thành chồng mình, người đủ lòng kiên nhẫn cho cô sức mạnh thay đổi bản thân.

Cô bắt đầu làm tình nguyện viên cho tổ chức từ thiện Spires ở Tooting và trở thành một trong những nhân viên giỏi nhất của tổ chức. Tối nào Jenny cũng ra đường để tìm và giúp đỡ mọi người - đa phần là phụ nữ đang làm gái mại dâm. Gái đứng đường thường kiếm được 26 USD cho một lần đi khách, nhưng đôi khi có thể mặc cả xuống còn 6 USD.

Cô cho họ quần áo ấm, bánh kẹo, khoai tây chiên, bao cao su và sự an ủi. Jenny và đồng nghiệp thường xuyên tới thăm họ, đôi lúc ở bệnh viện hoặc trong nhà lao, thường vào nửa đêm.

"Tôi ủng hộ cho phép gái bán dâm mời chài trên đường phố", Jenny nói. "Một số tầm tuổi tôi. Họ chính là tôi, nhưng vẫn mắc kẹt trong đó. Tôi tôn trọng họ vì họ là phụ nữ, tôi yêu họ vì họ là phụ nữ, tôi thấy rằng họ có thể trở thành người tốt hơn nhiều so với hiện tại".

Tổ chức Spires đã giúp đỡ khoảng 200 phụ nữ, 17 người đã không còn làm gái bán dâm nữa.

Bán dâm vì sở thích

Tuy nhiên, bán dâm cũng có thể là công việc tích cực, theo quan điểm của một phụ nữ 30 tuổi người London. Alice (tên giả), làm giám đốc dự án cho một tổ chức lớn của chính phủ, bắt đầu bán dâm 7 năm trước.

Một người bạn đã giới thiệu cô tới trang web bán dâm khi Alice đang "thiếu tiền". Cô bán dâm cho nam giới, phụ nữ, cặp đôi, người già, người tàn tật. 

"Sự gần gũi thân mật, da tiếp da là một cách tự nhiên khiến tâm trạng chúng ta tốt hơn", Alice nói. "Thật là khó tin, tôi được trả tiền để làm thú vui yêu thích của mình".

Bạn bè, người nhà và người yêu - những người Alice gọi là tình yêu đời mình, đều biết cô đi bán dâm và "hoàn toàn chấp nhận nó", cho dù ban đầu có hơi lo lắng cô sẽ gặp nguy hiểm.

Alice cho biết chưa bao giờ bị khách hàng bạo hành nhưng thỉnh thoảng cũng bị những vị khách nhất thời xúc động làm phiền. Mặc dù sự kỳ thị của xã hội khiến công việc khó khăn hơn nhưng Alice cho biết khách hàng đều là những người "tốt bụng, bình thường".

"Tôi không cần ai cứu giúp cả", Alice nói.

Xu hướng

Những câu chuyện như Alice và Jenny đang diễn ra trên quy mô lớn khắp nước Anh. Năm 2015, một khảo sát do quỹ NUM và đại học Leeds tiến hành cho thấy, 71% người bán dâm từng làm việc trong các ngành y tế, chăm sóc xã hội, giáo dục, chăm sóc trẻ em hoặc lĩnh vực từ thiện.

Alex Feis-Bryce, giám đốc quỹ NUM cho biết, xu hướng gia tăng một phần vì việc cắt giảm nhân sự trong các ngành nghề trên những năm gần đây. Người ta bị thu hút bởi nghề bán dâm rất linh hoạt.

45% trong số 240 người tham gia khảo sát từ tháng 11/2014 - 1/2015 vừa bán dâm vừa làm công việc khác.

"Ngày càng nhiều người làm việc trong ngành bán dâm bị làm phiền và quấy rối, số vụ quấy rối đã tăng 188% từ năm 2014 đến năm 2015", Alex nói thêm.

Ông cho biết, họ thường bị người khác lợi dụng, đe dọa sẽ kể cho người yêu hay người sử dụng lao động biết chuyện. 


Josh Brandon, một nam thanh niên hành nghề mại dâm ở London. Ảnh: BBC

Bán dâm vẫn luôn hiện hữu trên đường phố London. Tuy nhiên, suy nghĩ về một cô gái điếm quyến rũ như nhân vật do Julia Roberts thủ vai những năm 1990 trong bộ phim bom tấn "Người đàn bà đẹp" không phản ánh thực tế ở thủ đô London. 

Phụ nữ bán dâm trên đường phố nhìn bề ngoài có thể giống như một người bạn, một người dì, hay một bà mẹ. Họ mặc quần áo dày dặn ấm áp, đi giày thoải mái để đứng trên đường phố giá lạnh cả đêm chứ không phải giày cao gót quyến rũ như trong phim ảnh. Họ cũng không phấn son lòe loẹt.

Christine Jones, một sĩ quan cảnh sát cho biết, cô thường xuyên tiếp xúc với phụ nữ phải bán dâm vì bị cưỡng ép, không còn lựa chọn nào khác, và dễ bị tổn thương. Cô cho rằng, đề xuất của nhóm nghị sĩ nên nhắm mục tiêu vào những kẻ bóc lột phụ nữ và mua dâm, hơn là cố đưa gái bán dâm vào tù. 

Tuy nhiên theo quan sát của Laura Watson, phát ngôn viên của ECP - một tổ chức chuyên giúp đỡ gái mại dâm, cảnh sát vẫn không ngừng nhắm mục tiêu vào gái bán dâm, chứ không phải lũ ma cô hay người mua dâm.

"Chúng tôi đang đấu tranh cho những vụ gái bán dâm bị cảnh sát bắt giữ", Laura nói. 

Những phụ nữ này nói với Laura họ "không tin" cảnh sát, những người phụ trách khi họ tới báo án bị đánh đập hay lạm dụng. Một số còn bị đe dọa sẽ phải ngồi tù nếu còn dám báo án. 

"Họ phải đi tới nhiều khu vực xa lạ để chào khách, hay không có thời gian mặc cả vì khách hàng sợ bị bắt, vì thế mọi biện pháp an toàn đều bị bỏ qua và hậu quả là điều khủng khiếp sẽ xảy ra", Laura nói.

Đa số phụ nữ đều làm mẹ, phải nuôi con, nên không thể không làm việc. Do đó, số lượng người chuyển sang làm gái mại dâm tăng lên vì kinh tế suy thoái, cắt giảm việc làm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, những phụ nữ từng làm gái điếm nay quay lại hành nghề.

Liệu đề nghị của nhóm nghị sĩ có được chấp thuận hay không vẫn còn bỏ ngỏ, mà bất kỳ động thái nào như vậy cũng cần nhiều thời gian để thực hiện. Trong khi đó, dù một số người như Alice đủ năng lực kiểm soát việc bán dâm, trên thực tế, đa phần vẫn phải chật vật kiếm sống và không được luật pháp bảo vệ.

Tác giả bài viết: Hồng Hạnh