Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Vì sao Trung Quốc sẽ không ngừng xây đảo nhân tạo ở Biển Đông?

Trung Quốc sẽ không ngừng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông vì Bắc Kinh muốn đẩy mạnh chiến lược “Một vành đai, Một con đường” vốn chỉ có lợi cho nước này, theo chuyên san The Diplomat.

 

Công trình trái phép Trung Quốc xây dựng trên đá Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông


Thế giới đang trông chờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA, trụ sở tại The Hague, Hà Lan) về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông, nhưng phán quyết này sẽ không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, theo bài viết của chuyên gia Mỹ Frederick Kuo trên chuyên san The Diplomat ngày 2.7.

Theo Báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (thuộc Quốc hội Mỹ) trình Quốc hội hôm 12.4, Trung Quốc bồi đắp và xây đảo nhân tạo trên bảy đá (với tổng diện tích trên 12 km2) ở Trường Sa trong giai đoạn từ tháng 12.2013 - 10.2015. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn xây những cơ sở dân sự và quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp.

Mặc dù bị Mỹ và nhiều nước lên án, nhưng Trung Quốc vẫn bất chấp những áp lực từ cộng đồng  quốc tế và đẩy mạnh kế hoạch bành trướng đầy tham vọng, làm leo thang căng thẳng Biển Đông.

Ông Kuo nhận định có hai động cơ khiến Trung Quốc đẩy mạnh chiến lược bành trướng ở Biển Đông, đó là tham vọng xây dựng đế chế thương mại và sự yếu kém của hải quân nước này.

 

Đoàn tàu lửa đầu tiên hoàn tất chuyến hành trình gần 10.000 km từ Trung Quốc đến Iran, tháng 2.2016AFP


Đầu tiên, để mở rộng đế chế thương mại, Trung Quốc xúc tiến chiến lược “Một vành đai, Một con đường”, hay còn gọi là Con đường Tơ lụa mới, được xây dựng theo hướng khôi phục các lộ trình buôn bán thời xưa.

Nếu thành công, dự án này sẽ dịch chuyển cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho Trung Quốc, từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại khắp lục địa Á - Âu và châu Phi với các con đường hướng về phía Trung Quốc.

Với mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ USD, Con đường Tơ lụa mới sẽ liên kết trên 60 quốc gia khắp lục địa Á -Âu và châu Phi với tổng dân số 4,4 tỉ người, với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng từ đường sắt, đường ống dẫn dầu và khí đốt đến cảng biển.

“Tham vọng của Trung Quốc là xúc tiến phát triển sự liên kết toàn diện về mặt cơ sở hạ tầng giữa ba lục địa và kết lại thành một đế chế thương mại không có đối thủ đầu tiên trong lịch sử”, ông Kuo viết.

 

Dự án “Một vành đai, Một con đường” bao gồm hai tuyến đường chính. Một là tuyến đường trên đất liền đi qua lục địa Á - Âu giúp nối kết Trung Quốc với những đối tác thương mại ở Trung Á, Trung Đông và châu Âu. Tuyến đường thứ hai là tuyến trên biển, đi qua Biển Đông và Eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương đến châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
 

 Trung Quốc cấp tập xây đảo nhân tạo phi pháp ở đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, ảnh chụp tháng 12.2015DIGITALGLOBE


Động cơ thứ hai, dù Trung Quốc lâu nay được xem là cường quốc, nhưng quân đội nước này không có lực lượng hải quân hùng mạnh kể từ thế kỷ 15, khi đó đội tàu của nhà thám hiểm Trung Quốc Trịnh Hòa đến châu Phi, theo đánh giá của ông Kuo.

Trong thời hiện đại, Trung Quốc bị các tàu chiến phương Tây đánh bại dẫn đến sự sụp đổ vương triều Thanh và sau đó là thời kỳ rối rắm lúc Mao Trạch Đông lãnh đạo Trung Quốc. Bởi vì Trung Quốc chỉ là “kẻ đến sau” trong chính trường của các cường quốc, nên Bắc Kinh nhận thấy các biên giới trên biển dễ bị nước ngoài, từ Mỹ cho đến những quốc gia châu Á khác thống trị.

Chính vì lẽ đó, Trung Quốc buộc phải dồn sức vào công cuộc hiện đại hóa và nâng cấp hải quân nước này. Giờ đây, Hải quân Trung Quốc hiện sở hữu một tàu sân bây và đang đóng tàu sân bay thứ hai;  chiếc thứ ba được lên kế hoạch đóng trong vòng một thập niên tới.

Bên cạnh đó, Trung Quốc xây các đảo nhân tạo phi pháp để tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông một phần là do lo sợ mất quyền kiểm soát các tuyến đường hàng hải quan trọng ở vùng biển này; phần khác là vì lực lượng hải quân nước này không đủ mạnh để bảo vệ hết vùng biển rộng lớn như vậy, ông Kuo nhận định.

Tác giả bài viết: Phúc Duy