Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Thủ tướng: 'Không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường'

Giao Bộ Nông nghiệp chủ trì tính toán sử dụng đúng mục đích số tiền bồi thường của Formosa, Thủ tướng khẳng định nếu các đơn vị tái diễn hủy hoại môi trường sẽ bị xử lý nghiêm.
Phát biểu tại ngày làm việc thứ hai phiên họp Chính phủ tháng 6 sáng 1/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Nếu các đơn vị tái diễn gây huỷ hoại môi trường thì phải xử lý nghiêm. Ở đây tôi nói rõ, không vì kinh tế, vì thu hút đầu tư mà chúng ta bỏ qua vấn đề môi trường, đánh đổi môi trường”.

Sau quá trình làm việc của cơ quan chức năng, Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) đã thừa nhận gây ra sự cố môi trường biển, khiến cá chết tại một số tỉnh miền Trung, đồng thời cam kết bồi thường 500 triệu USD. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cùng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ, sớm trình lên Chính phủ quyết định để thực hiện.
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, kiên quyết xử lý những sai phạm về môi trường

Những chính sách đó gồm hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ; khôi phục môi trường; hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân. “Hỗ trợ cho ngư dân bao nhiêu, hỗ trợ đánh bắt xa bờ mức nào, cho quỹ bảo vệ môi trường bao nhiêu... sẽ được công bố cụ thể, minh bạch nhằm sử dụng hiệu quả số tiền bồi thường của Formosa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng yêu cầu Formosa phải xử lý nghiêm sự cố này, cam kết không tái diễn và Chính phủ sẽ giám sát việc thực hiện các cam kết.

Liên quan tới việc khắc phục hậu quả môi trường và hỗ trợ ngư dân sau sự cố cá chết hàng loạt, tại phiên họp sáng nay, ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ngư dân đánh bắt gần bờ chủ yếu nằm ở các xã ven biển nên không có đất để chuyển sang sản xuất nông nghiệp.  Ngoài ngư dân thì các cơ sở du lịch cũng ảnh hưởng lớn, đặc biệt nhiều nhà đầu tư mới xây dựng xong.

Ông Cao đề nghị Chính phủ hỗ trợ để ngư dân chuyển đổi sang đánh bắt xa bờ, xuất khẩu lao động; chính sách tín dụng, giảm thuế giúp các nhà đầu tư vượt qua khó khăn, bởi khách du lịch đã huỷ dịch vụ từ khi sự cố xảy ra đến hết năm.

Hiện tượng cá chết hàng loạt xuất hiện vào ngày 6/4 gần khu công nghiệp Vũng Áng (Sơn Dương, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), sau đó lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Ngư dân 4 tỉnh lao đao vì cá biển không tiêu thụ được, hoặc bán với giá rẻ, không đủ bù chi phí đánh bắt.

Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt tối 30/6, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, với chứng cứ khoa học khách quan, chính xác, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cùng các bộ, ngành, và 4 địa phương khẳng định cá chết là do chất thải độc từ nhà máy Formasa Hà Tĩnh.

Ngày 28/6, Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm gây ra sự cố môi trường trên, công khai xin lỗi Chính phủ, nhân dân Việt Nam đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, xử lý môi trường biển với số tiền 500 triệu USD, tương đương 11.500 tỷ đồng

Formosa cũng cam kết khắc phục các tồn tại, hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, đảm bảo xử lý triệt để chất thải độc trước khi thải ra môi trường; không để tái diễn sự cố môi trường như vừa qua.

Đây là sự cố môi trường lớn nhất xảy ra ở Việt Nam. Số tiền 500 triệu USD cũng là khoản bồi thường chưa từng có.

Trước đó, Chính phủ cũng đã có một loạt biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân các tỉnh nhằm giảm thiểu khó khăn do thảm họa cá chết gây ra.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoài