Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Đề xuất bỏ “giấy phép con” với doanh nghiệp vay vốn bằng vàng

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết để tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Chủ tịch Nguyễn Thành Long cho rằng: Từ Luật Doanh nghiệp 1999, Luật Doanh nghiệp 2005, Luật doanh nghiệp 2014, đến Luật Đầu tư 2014 đều đã khẳng định nhất quán quy định:“Điều kiện đầu tư kinh doanh được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh”.

Do đó, NHNN quy định chi tiết hồ sơ, thủ tục, điều kiện kinh doanh vàng trong Thông tư 16/2012/TT-NHNN, Thông tư 38/2016/TT-NHNN, và Bộ Khoa học và Công nghệ quy định điều kiện kinh doanh trong Thông tư 22/2014/TT-BKHCN là không đúng thẩm quyền ban hành và hoàn toàn trái với quy định hiện hành của pháp luật.

Vậy nên, tại công văn trên, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Điều kiện Vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; Tạm nhập, tái xuất vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ…



Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam đề xuất bỏ “giấy phép con” với doanh nghiệp vay vốn bằng vàng


Đặc biệt, một trong những đề xuất đáng chú ý của hiệp hội này là kiến nghị NHNN và Bộ Tư pháp không nên coi hoạt động huy động vàng của các DN là hoạt động kinh doanh vàng khác để áp đặt DN phải xin phép cơ quan quản lý Nhà nước. Lý giải đề xuất của mình, đại diện Hiệp hội cho rằng, Luật các TCTD năm 2010 không quy định về điều kiện huy động vàng đối với các DN. Hơn nữa, Thông tư 11/2011 cũng chỉ quy định chấm dứt huy động vốn bằng vàng của các TCTD.

Do đó, hoạt động huy động vàng của các DN được điều chỉnh theo quy định tại Luật đầu tư 2014, Luật DN 2014 và Bộ luật dân sự 2005. Theo giải thích của Hiệp hội, quy định tại Luật đầu tư 2014, việc DN vay vàng của các tổ chức, cá nhân không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Hơn nữa, hoạt động này cũng không thuộc hoạt động kinh doanh vàng khác quy định tại Nghị định 24/NĐ- CP. Bởi vì, các doanh nghiệp chỉ vay vàng để làm nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và trả lãi cho người gửi, chứ DN không cho vay lại, không thu phí giữ hộ.

Như vậy, hoạt động vay vàng của DN chỉ là một công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh vàng trang sức và nó không phát sinh lợi nhuận. Do vậy, hoạt động này không thể được coi như hoạt động kinh doanh vàng khác theo quy định của Nghị định 24/NĐ-CP. Theo Hiệp hội, hoạt động kinh doanh vàng khác bao gồm kinh doanh vàng trên tài khoản, sàn vàng, giao dịch vàng phái sinh (giao dịch vàng kỳ hạn, giao dịch vàng quyền chọn, giao dịch vàng tương lai), quỹ đầu tư vàng.

 

Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long vừa có công văn gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ các giấy phép con không cần thiết để tránh tình trạng tạo ra cơ chế xin cho, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).


Tại công văn này, ông Long cho rằng, hoạt động thử nghiệm vàng cũng không thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư 2014. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 22, doanh nghiệp phải được cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng trước khi thực hiện hoạt động này. Theo Hiệp hội, đây thực chất là giấy phép con không cần thiết, núp bóng dưới giấy chứng nhận. Do đó, Hiêp hội đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận chỉ định thử nghiệm vàng, mà chỉ quy định các doanh nghiệp đăng ký dịch vụ thử nghiệm vàng với cơ quan quản lý Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động này…

Theo lý lẽ của Hiệp hội, trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ là hàng hóa thông thường, không thuộc đối tượng bị hạn chế kinh doanh hay kinh doanh có điều kiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Nếu NHNN hạn chế quyền vay vốn tín dụng của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ, thì sẽ trái với tinh thần Nghị quyết số 35/NĐ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Hơn nữa, theo quy định của Luật đầu tư 2014, hoạt động vay vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hiền