Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Giải mã chuyện hàng loạt máy bay bỗng dưng đâm vào núi ở Sơn La

Vùng đất này có trường từ rất cao, nên khi máy bay bay qua, những bộ phận điều khiển bằng điện tử dễ bị nhiễu loạn, gây nên những tai nạn thảm khốc?
Bí ẩn kinh dị về ngọn núi tử thần 'hút' máy bay cuối dãy Hoàng Liên

Kỳ 2 (kỳ cuối): Giải mã bí ẩn ngọn núi tử thần

Cho đến nay, chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu về vùng đất “nuốt” máy bay ở Bắc Yên, Sơn La. Đồng bào Mông trong vùng cũng không hiểu vì sao lại có những chiếc máy bay lao xuống gần nơi họ đang ở.

Khi tôi trình bày ý định đi tìm vùng đất máy bay rơi, ông Đoàn Khiêu và Đại tá Mùi Trọng Bứng đều khuyên giải: “Nhà báo không đi nổi đâu. Rừng rú hoang rậm lắm. Hồi trẻ, chúng tớ phải đi bộ 2 ngày mới đến lưng chừng ngọn núi đó đấy!”.

Biết không ngăn cản được tôi, ông Bứng đã vẽ lại cụ thể đường vào núi U Bò, nơi có nhiều máy bay rơi cho tôi. Ông Bứng và ông Khiêu cũng kể rằng, hồi truy tìm hai chiếc máy bay tử nạn năm 1985 và 1994, hai ông cũng từng tận mắt một động cơ máy bay nằm rúm ró bên một con suối. Đồng bào đã vặt những bộ phận nhỏ về làm dao, cuốc, riêng chiếc động cơ quá nặng, không khiêng được, nên họ bỏ lại.

Con đường lên Tà Xùa dốc ngược như đường lên trời. Xe bò lên đến mỏm núi, nơi đặt trụ sở UBND xã, nhìn xuống phía thị trấn Bắc Yên, thấy mây bay dưới “hạ giới”.

Trưởng Công an xã Giàng A Sê dắt tôi ra mỏm núi chỉ về hướng Bắc bảo: “Hôm nào trời trong veo mới nhìn thấy đỉnh U Bò mờ mờ ảo ảo. Lúc nào nó cũng chìm trong mây mù, hiếm khi trông thấy lắm!”. Tôi tiếp tục phóng xe leo dốc, thả đèo, đến nhập nhoạng tối mới vào tới xã Xím Vàng.
 

Núi U Bò ẩn hiện trong mây mờ  

Chủ tịch UBND xã Xím Vàng Hạng A Củ không tỏ vẻ ngạc nhiên gì khi tôi hỏi chuyện máy bay rơi.

Ông Củ bảo: “Ngày trước thi thoảng lại có đoàn cán bộ lên đây hỏi han, rồi thuê người Mông chúng ta dẫn đường vào chân ngọn núi U Bò kia. Họ vác theo máy móc đo đạc cái gì ta cũng chả biết. Còn có cả những phái đoàn người Tây vào xã ta tìm hiểu chuyện máy bay rơi. Nhưng họ có tìm hiểu được gì không thì ta không biết, vì họ có nói đâu.

Nghe các cụ già kể lại, từ chiến tranh chống Pháp, đến chống Mỹ, rồi thời hòa bình, đã có cả chục chiếc máy bay, cả của ta lẫn của địch, bay qua khu vực này rồi đâm xuống núi. Cứ mỗi lần nghe thấy tiếng nổ, bà con trong xã lại tổ chức vào ngọn núi U Bò để tìm, trước hết là tìm những nạn nhân xấu số, sau đó là kiếm sắt thép về rèn dao, cuốc… Ta cũng có mấy cái dao, cái cuốc rèn bằng thép máy bay mà”.

Chúng tôi tìm đến nhà Sồng A Tong theo chỉ dẫn của ông Hạng A Củ. Hỏi chuyện máy bay rơi, Hạng A Củ chạy vào trong phòng lấy chiếc dao khoe với tôi.

Theo lời Tong, chiếc dao này được rèn từ 40 năm trước song vẫn sắc lẹm, vung tay chém gỗ một nhát ngập lút lưng dao.
 

Một bộ phận của chiếc máy bay trực thăng bị rơi ở Bắc Yên  

Tong còn dẫn tôi vào nhà Sồng A Vàng để xem chiếc điếu cày rèn bằng nhôm của máy bay. Chiếc điếu cày lên màu nhôm sáng bóng, cầm nhẹ bẫng. Tôi hỏi mua về làm kỷ niệm, Vàng chỉ lắc đầu, nhất định không bán.

Tôi quay sang hỏi Sồng A Tong: “Từ năm 1994 đến nay có thấy chiếc máy bay nào rơi nữa không?”. Tong hồn nhiên bảo: “Chắc cái máy bay nó sợ chúng ta rèn dao, rèn cuốc, nên không thấy bay qua nữa rồi!”.

Thực tế, sau vụ rơi máy bay năm 1994, mặc dù các nhà khoa học vẫn chưa tìm được lời giải, song đường bay từ Hà Nội lên Sơn La, Điện Biên, Bắc Lào và ngược lại, xuyên qua khu vực xã Xím Vàng đã bị cấm. Do đó, 15 năm nay, không có tiếng động cơ máy bay vang lên trên bầu trời Xím Vàng nữa.

Theo Sồng A Tong, sở dĩ đỉnh núi cao ngất ngưởng mây xanh kia được đồng bào Mông gọi là núi U Bò bởi trông từ xa, nó nhô lên như cái u trên vai của con bò mộng.

Còn người dân ở huyện lỵ Bắc Yên, đã nhiều phen náo loạn vì những xác chết cháy xém, không còn rõ hình hài được đưa ra từ rừng già thì gọi ngọn núi U Bò kia là “núi tử thần”, núi “nuốt máy bay”.

Tôi trèo lên một mỏm núi gần trung tâm xã Xím Vàng, nhìn về phía đỉnh U Bò chỉ thấy tầng tầng mây trắng. Tong bảo, hiếm hoi lắm mới nhìn thấy đỉnh U Bò lộ ra khỏi mây mù.

Sồng A Tong cũng chẳng rõ đỉnh núi ấy thuộc địa phận xã nào, bởi nó nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Phù Bắc Yên, nằm giữa địa phận hai huyện Bắc Yên (Sơn La) và Trạm Tấu (Yên Bái).

Một số thợ săn người Mông kể rằng, chỉ đứng trên sườn núi cũng nhìn rõ thị trấn Trạm Tấu. Nếu trời trong veo, có thể nhìn thấy cả thị xã Nghĩa Lộ của Yên Bái.

Sồng A Tong bảo, chưa có con số chính xác, nhưng các nhà địa chất lên đo đạc đều khẳng định đỉnh núi đó phải cao 3.000m so với mặt nước biển.

Loanh quanh suốt buổi tối rồi tôi cũng thuê được một thợ săn dẫn đường vào núi U Bò. Xuất phát từ trung tâm xã, tôi và người dẫn đường Sồng A Don cứ nhằm con đường mòn đi nương của đồng bào mà cuốc bộ.
 

Vỏ nhôm máy bay biến thành điếu cày

Xuyên qua lãnh địa pơ-mu, tôi được tận mắt cảnh tượng phá rừng hết sức đau lòng. Hàng trăm người dựng lều xẻ gỗ, vừa vác vừa kéo nhẩn nha suốt ngày đêm như đàn kiến tha mồi. Cứ tình trạng phá rừng như thế này, chẳng mấy chốc mà vùng đất được mệnh danh là “vương quốc pơ-mu” cũng sẽ sạch bách loài gỗ quý.

Đi hết đường mòn thì đến dòng suối Chin. Tôi và Don cứ nhảy trên những mỏm đá giữa suối như loài dê núi mà đi. Đi hết suối Chin thì sẽ đến chân núi U Bò. Tuy nhiên, nếu cứ lội dọc suối thì phải cuốc bộ trung bình 10km mới được 1km đường chim bay, bởi suối chảy quá vòng vèo. Do vậy, đoạn nào suối chảy vòng thì lại phải cắt rừng mà đi.

Theo Don, có tới 4 con suối bắt nguồn từ đỉnh U Bò này. Một con suối chảy sang Trạm Tấu, suối Phình Hồ và suối Sập chảy ra sông Đà, suối Chin nhỏ nhất chảy loanh quanh mãi, đổ ra đâu Don cũng chả biết.

Chúng tôi cuốc bộ liên tục đến chiều, khi đôi chân đã rã rời thì ngọn núi U Bò thẫm sì hiện ra trước mắt. Ngọn núi nằm im lìm hàng triệu năm kia có gì đặc biệt mà nó đã “hóa kiếp” cả chục chiếc máy bay?

Theo GS-TSKH Đặng Vũ Khúc (Cục Địa chất Khoáng sản Việt Nam), chúng tôi đang đứng trên một vùng đất có nhiều dị thường về địa chất, trường từ. Vùng đất này có trường từ rất cao, nên khi máy bay bay qua, những bộ phận điều khiển bằng điện tử dễ bị nhiễu loạn, gây nên những tai nạn thảm khốc?

Đại tá Mùi Trọng Bứng, nguyên Huyện đội trưởng Bắc Yên cho biết, hồi năm 1993, có một đoàn khảo sát địa chất lên đây nghiên cứu, ông đã hỏi thì họ đặt nghi vấn về một mỏ uranium nằm trong lòng đất Bắc Yên. Có thể, thứ nguyên liệu chế tạo bom nguyên tử này đã gây nhiễu loạn với các thiết bị điện tử.

Theo lý giải của đồng bào Mông nơi đây, do ngọn núi U Bò quá cao, lại quanh năm chìm trong mây mù, trong khi phi công lại chủ quan khi lái máy bay qua khu vực này, nên đã đâm vào vách núi.

Lý giải này có vẻ không đáng tin cậy lắm, bởi máy bay có nhiều công nghệ hiện đại, thiết bị định vị dẫn đường, vả lại phi công đều đã nắm rõ địa hình địa vật, chứ đâu dễ dàng bay liều trong mây.

Hơn nữa, có một thực tế là ngoài một số máy bay đâm vào vách núi vỡ tan tành thì theo lời kể của các cụ già người Mông có nhiều máy bay không va vào vách núi mà rơi tõm xuống chân núi.

Có một số ý kiến cho rằng, khu vực Xím Vàng nhiều núi cao, vực sâu, thung lũng hun hút. Những cấu tạo đặc biệt về địa hình, địa vật, tạo ra luồng không khí đối lưu mạnh, đủ sức hút rơi cả máy bay (?!).

Ngọn núi “tử thần” và những chiếc máy bay rơi không rõ nguyên nhân sẽ mãi mãi chìm trong bí ẩn nếu các nhà khoa học không vào cuộc tìm câu trả lời.

Nếu nhìn trên bản đồ, kẻ một đường thẳng thì Hà Nội – Xím Vàng (Bắc Yên, Sơn La) - Điện Biên nằm trên một đường thẳng. Đó là tuyến đường không lưu ngắn nhất nếu đi máy bay. Vì thế, người Pháp đã mở đường bay từ Hà Nội thẳng lên Điện Biên, bay qua vùng núi Bắc Yên này.

Tuy nhiên, rất nhiều vụ máy bay rơi bí ẩn ở Bắc Yên khiến họ phải bẻ chệch đường bay. Theo thông tin từ các cụ già sống ở Bắc Yên, riêng trong thời kỳ Pháp thuộc, đã có tới 5 tai nạn máy bay xảy ra bí ẩn ở vùng đất này. Ngoài ra, một số vụ máy bay khi qua đây bị mất tích.

Thời kỳ chống Mỹ, máy bay Mỹ thường bay từ Thượng Lào, Thái Lan qua khu vực này ném bom miền Bắc. Nhiều phi công cho biết, khi bay qua vùng Bắc Yên, các thiết bị điện tử thường nhiễu loạn, tâm trí phi công không được ổn định. Vì thế, họ thường tìm cách tránh khu vực này, dù phải bay đường vòng.

Tác giả bài viết: Dương Phạm