Quỳnh Lưu, Nghệ An: Cháy người mưu sinh giữa cái nắng hơn 40⁰C
- 13:29 29-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong nhiều ngày qua, tại huyện ven biển Nghệ An nhiệt độ vào buổi trưa thường lên tới trên 40 độ C. Thế nhưng dưới cái nắng nóng như đổ lửa, giữa trưa hè người dân nơi đây vẫn phải nhọc nhằn kiếm sống...
Tranh thủ nghỉ trưa bên bờ ruộng.
Từng có người chết gục vì nắng
Những ngày cuối tháng 6, đợt nắng nóng gay gắt quay trở lại xứ Nghệ. Chúng tôi cuốc bộ chưa đến nửa cây số mà nắng hoa cả mắt, bầu trời không một gợn mây, chỉ có mặt trời sưởi đốt, gió Lào thổi ào ạt như “hắt lửa” vào mặt. Ở xứ Nghệ, người ta gọi đây là “nóng lửa” thường gặp vào giữa mùa hạ.Vậy mà, giữa cái nắng như thiêu như đốt ấy đội quân gặt thuê, cấy thuê vẫn quần quật ngoài đồng. Một ngày phơi nắng ngoài đồng tùy theo năng suất lao động, họ kiếm được 100.000 – 120.000 đồng.
Mới 9 giờ sáng, người tham gia giao thông trên đường từ phụ nữ đến nam giới đều phải trùm kín người bằng áo tay dài, khẩu trang, nón… để ngăn cái nắng thiêu đốt. Càng về trưa, không khí càng oi bức, ngột ngạt, đường sá vắng tanh.
Chị Nguyễn Thị Thu, 42 tuổi, ở xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu dẫn đầu một tốp cấy thuê vừa nhận được “hợp đồng” của một chủ nhà ở xã Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu, Nghệ An) vui mừng nói: “Họ thuê cấy 2 sào phải xong trong ngày, được trả công 400.000 đồng. 6 người cấy thông trưa mới xong được”. Chị Thu cho biết, đến ngày mùa chị và một số chị em nhanh chóng hoàn tất công việc đồng áng của gia đình, sau đó lập thành đội gặt, cấy thuê đi khắp vùng. Có nhiều ngày các chị không về nhà. “Mình gói cơm ra ruộng, trưa đến tranh thủ ăn khoảng 10 phút, nghỉ ngơi 15 phút lại làm tiếp. Có những người thuê thấy chúng tôi vất vả quá họ mời về ăn cơm trưa, hoặc cơm chiều. Nhưng nhà mời nhiệt tình lắm chúng tôi cũng chỉ ăn cơm chiều. Còn bữa trưa ăn ngay ngoài đồng… cho tiện”, chị Thu trải lòng.
Ngày mùa ở những cánh đồng ven biển này chỉ vỏn vẹn trong khoảng 1 tháng. Có khi, các chị đi cả tuần lễ liền mới trở về nhà một đêm, sáng hôm sau lại trở lại. Chị Thu cho biết đó là “ngày làm tháng ăn” nên phải tranh thủ. Có nhiều hôm, mới hơn 4 giờ sáng các chị đã giục nhau ra đồng gặt hoặc cấy cho mát. Nghề gặt, cấy thuê đã xuất hiện từ nhiều năm nay ở xứ Nghệ. Chị Thu bảo, những xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Bá, Quỳnh Hậu… có nhiều người hưởng lương nhà nước hoặc có con em làm ăn xa gửi tiền về để bố mẹ thuê làm mùa thì các chị mới có cửa mưu sinh.
Cũng theo chị Thu thì chị có thâm niên 6 năm trong nghề gặt thuê, nhưng trong nhóm chị Bảy đã đi gặt thuê cả chục năm nay. Đối với các chị sợ nhất là bị say nắng giữa trưa. “Say nắng gục ngoài đồng không phải là chuyện hiếm, bị hoa mắt, chóng mặt hầu như ai cũng bị, đặc biệt đối với những chị em còn trẻ tuổi chưa quen với phơi mình giữa trời nóng”, chị Lan, sống ở ngã 3 Tuần xã Quỳnh Châu chia sẻ.
Ông Hồ Quang Vinh, người làm ruộng ở Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu nhẩm tính: “Sau 6 tháng cần cù miệt mài bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, lúa tốt, không mất mùa, tổng thu một sào (500m2) bình quân là 300 kg thóc nhân với giá hiện tại là 550.000 đồng/tạ thì được 1.650.000 đồng. Mỗi năm 2 vụ, tính ra thu nhập hơn 3 triệu đồng/sào. Người nông dân vẫn phải đội nắng ra đồng, nếu không có nghề tay trái, làm hết phần ruộng mình, phải chạy đi cấy gặt thuê không thì chết đói”.
Bán nửa tạ muối được vài liều thuốc cảm
Mưu sinh trên đồng muối An Hòa. Ảnh: HP
Ở rẻo đất hẹp này, cánh đồng lúa và đồng muối chỉ cách nhau mấy bước chân. Người làm lúa một nắng hai sương, người làm muối, gắn bó với biển vất vả cực nhọc không kém.
Chỉ cách bờ biển một rặng phi lao xanh ngút, tôi đứng nheo mắt nhìn mấy phụ nữ vấn áo khăn lên đầu đạp xe đạp lọc cọc đèo những bì muối, khản giọng rao: “Muối ơ...! Muối ơ...!”. Tiếng rao vọng trong nắng chói nghe đến não lòng. Bán hết một bì muối khoảng 40 - 50kg nhiều khi không đủ mấy liều thuốc cảm nắng. Những người bán muối rong, hoặc tự làm ra hoặc nhập lại của các chủ ruộng rồi đạp xe thồ bán dạo. Chị Bình, đi buôn muối ở xã An Hòa (Quỳnh Lưu) cho biết: “Nếu không tự làm ra muối, mà chỉ mua sỉ, bán lẻ, một cân muối chỉ được mấy trăm đồng. Dưới cái nắng như ngồi trong lửa ri (như thế này), cực lắm”.
Vựa muối An Hòa lúc 10 giờ sáng nắng chang chang. Cùng với bố mẹ, các em nhỏ hơn 10 tuổi đã ra đồng lao động. Em Lê Thị Linh (14 tuổi, ở xã Quỳnh Phương) cho biết: “Nắng to thế này làm muối mới được nhiều ạ! Nghỉ hè, bọn em đi làm giúp gia đình. Ngày thường, chúng em một buổi làm, buổi đi học. Nghỉ học, ở nhà đi làm luôn”. Những ngày hè nắng nóng đỉnh điểm, những diêm dân vùng biển này chỉ thu được 100.000 đồng/ngày. Trong nhà, người lớn đã huy động cả trẻ em tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Nắng nóng làm cho gió từ biển thổi lên cũng hầm hập, mồ hôi con trẻ đã làm cho hạt muối như tăng thêm vị mặn.
Em Linh cho biết thêm: “Một ngày nắng nóng, thời tiết thuận lợi, gia đình em gồm 4 người có thể làm được 4 xe muối (tương đương với 400kg). Từ dịp 30/4 đến nay, trời nắng chang chang không một giọt mưa nên việc nhiều hơn”. Chúng tôi hỏi Linh, hè có được đi chơi đâu không thì em cười buồn: “Ở nhà lao động giúp gia đình”. Linh bảo rằng, không chỉ riêng em mà phần nhiều bạn bè em sau khi nghỉ hè là trở về với ruộng muối giúp gia đình.
Mọi người kể lại cho nhau hai trường hợp đều ở xã Nghi Thạch tử vong do say nắng vụ hè năm ngoái. Sáng sớm hôm đó, bà Nguyễn Thị An ra đồng làm việc, đến khoảng 9h30’ bà thấy choáng rồi nhờ người báo tin về cho gia đình. Lúc mọi người tới nơi thì bà An đã nằm bất động dưới đất. Sau cái chết của bà An, người dân xã Nghi Thạch lại một lần nữa bàng hoàng khi nghe thông tin về trường hợp ông Nguyễn Văn Liễu (SN 1964) cũng bỗng nhiên ngất xỉu rồi tử vong khi đang làm việc ngoài đồng vào trưa ngày 1/6. |
Tác giả bài viết: Hà Phương