Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Hôn nhau có bị sâu răng?

Câu trả lời là có, bởi nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn gây sâu răng có thể được truyền qua nước bọt trong lúc 'khóa môi', theo trang Self.

kiss2 YBLK
Vi khuẩn sâu răng được truyền qua tiếp xúc miệng với miệng khi có sự trao đổi nước bọt Ảnh: Shutterstock

Sâu răng vì hôn nhau

Có lẽ bạn đã từng được khuyên hạn chế tiếp xúc với những người bị cúm, vì khi ho hoặc hắt hơi họ có thể truyền vi trùng qua cho bạn. Nhưng chắc chắn bạn không hề lo lắng hay suy nghĩ đến việc hôn nhau cũng có thể lây nhiễm bệnh sâu răng. Sự thật là khi hai người hôn nhau, nụ hôn càng nồng nhiệt, càng lâu thì càng giúp cho vi khuẩn sâu răng “du lịch” dễ dàng hơn.

Tiến sĩ nha khoa, Smigel Irwin - chủ tịch Hiệp hội thẩm mỹ Nha khoa Mỹ cho biết ông đã chứng kiến rất nhiều bệnh nhân nữ, những người có tiền sử về răng miệng rất tốt, răng và nướu sạch sẽ, khỏe mạnh. Nhưng người tình lại bị sâu răng, bị bệnh nướu răng, hoặc là không khám răng trong nhiều năm, sau một thời gian chung sống, chính người phụ nữ lại phải đi chữa sâu răng.

Theo Emanuel Layliev, bác sĩ nha khoa tại Trung tâm Nha khoa thẩm Mỹ New York (Mỹ) cho biết sâu răng thực chất là sự tiêu hủy cấu trúc vôi hóa vô cơ (tinh thể canxi) của men răng và ngà răng, tạo nên lỗ hổng trên bề mặt răng do vi khuẩn gây ra. Yếu tố cơ bản gây bệnh sâu răng là vi khuẩn, đường (trong thức ăn) và thời gian. Vi khuẩn gây bệnh sâu răng tồn tại và bám trên bề mặt răng nhờ lớp mảng bám răng (bựa răng). Ngoài ra, vi khuẩn sử dụng đường để hình thành và phát triển các mảng bám răng, đồng thời chúng tiêu hóa đường để tạo a-xit, ăn mòn dần các chất vô cơ ở men răng và ngà răng, làm thành lỗ sâu. Vi khuẩn luôn tồn tại trong miệng từ 20 phút đến khoảng 1 giờ sau khi ăn, tuỳ thuộc vào hình thức chế biến trong thức ăn (đặc quánh hay lỏng, loãng).

Nước bọt có nhiệm vụ duy trì sự cân bằng các vi khuẩn tốt và xấu, nhưng một số chủng vi khuẩn có thể trở nên phát triển vượt trội và có hại theo thời gian, do đó nếu bạn ăn một chế độ có lượng đường cao chắc chắn sẽ làm thay đổi độ pH trong miệng và tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở dẫn đến sâu răng.

Cũng giống vi khuẩn cảm cúm thông thường, những vi khuẩn gây sâu răng có thể dễ dàng xâm nhập vào miệng thông qua hôn nhau. Tiến sĩ Layliev nói rằng sâu răng được truyền qua tiếp xúc miệng tới miệng khi có sự trao đổi nước bọt. Chỉ cần nghĩ lượng nước bọt mà bạn tiếp nhận từ đối tác bao nhiêu thì có nghĩa bạn đã rước vào miệng mình bấy nhiêu vi khuẩn.

Năm 1993, Viện nha khoa thuộc ĐH Helsinki ở Phần Lan đã nghiên cứu 4 cặp vợ chồng, và phát hiện cứ một người bị sâu răng, người còn lại chắc chắn sẽ lây bệnh sâu răng. Thủ phạm gây sâu răng là vi khuẩn liên cầu có tên khoa học là Mutans. Mutans rất phổ biển và đặc biệt di chuyển dễ dàng.

 
kiss xyzg
Vi khuẩn gây sâu răng dễ lây truyền qua đường hôn nhau Ảnh: Shutterstock

Lỡ bị sâu răng, phải làm sao?

Bạn có biết một nụ hôn có thể giúp truyền 278 loại vi khuẩn cho người mình yêu. Khoảng thời gian hôn nhau đủ để truyền 10.000 con vi khuẩn sang đối phương và ngược lại. Đó chính là lý do vì sao chỉ nên hôn người mà bạn đã biết rõ và chăm chỉ đánh răng.

Nếu chẳng may lỡ có tình cảm với người thường xuyên bị đau khi sâu răng. Trong trường hợp này, bạn nên thuyết phục bạn tình đánh răng trước khi cả hai “khóa môi”. Nếu không tiện đánh răng, hãy tặng người ấy một viên kẹo cao su không đường. Nó sẽ giúp loại bỏ những vi khuẩn xấu. Nếu 2 phương án này đều không thực hiện được, bạn hãy cố gắng đánh răng và làm sạch kẽ răng trước khi đi ngủ.

Sâu răng lây từ mẹ sang con

Theo một nghiên cứu mới đây cho thấy sâu răng có thể lây từ người này sang người kia, và phổ biến là từ mẹ sang con. Khi mẹ bị sâu răng và nếm thức ăn, rồi sau đó cho con ăn, thế là vi khuẩn sâu răng sẽ “bò” sang răng bé. Một nghiên cứu của Trường đại học Queensland của Úc chuyên về nha khoa được thực hiện vào năm 2007 cho biết, 30% ở trẻ trên 3 tháng có vi khuẩn sâu răng trong miệng.

Còn trẻ 24 tháng trở lên là một con số đáng kinh ngạc, 80%.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi chưa có khả năng tự đánh răng, người lớn hãy luôn nhớ làm sạch răng các bé bằng gạc và nước ấm. Đối với trẻ đã tự đánh răng được trở lên, nên dùng kem đánh răng có chứa Flouride. Bên cạnh đó chỉ nha khoa cũng được khuyên dùng vì nó giúp làm sạch mảng bám của thức ăn, như kẹo, một loại thức ăn thường dính chặt trên răng.

Nhai kẹo cao su cũng là một phương pháp giúp bạn hạn chế sâu răng và làm sạch răng dành cho những người bận rộn, không có thời gian đánh răng, hay chăm sóc răng thường xuyên.

Tác giả bài viết: Ngọc Khuê