Cán bộ chỉ được nhận quà tặng giá trị dưới 2 triệu đồng
- 07:50 28-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
“Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trường hợp quà tặng có giá trị trên 2 triệu đồng thì người nhận quà phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”.
(Ảnh minh họa)
Đó là một trong những nội dung mới được Thanh tra Chính phủ đưa ra trong dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.
Theo dự thảo luật, cơ quan, tổ chức, đơn vị, người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý chỉ được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để tặng quà theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật và phải công khai việc tặng quà. Cán bộ, công chức, viên chức không được nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trực tiếp đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình.
“Cán bộ, công chức, viên chức chỉ được phép nhận quà tặng mang tính chất lưu niệm và có giá trị đến 2 triệu đồng trong thực hiện công vụ, nhiệm vụ. Trường hợp quà tặng có giá trị trên 2 triệu đồng thì người nhận quà phải nộp lại quà tặng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị mình”- dự thảo nêu rõ.
Tuy nhiên, dự thảo luật đề xuất người nộp lại quà tặng theo quy định được ưu tiên mua lại quà tặng. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý cán bộ, công chức, viên chức quyết định việc tổ chức bán quà tặng. Tiền thu được từ việc bán quá tặng, sau khi trừ các chi phí hợp lý liên quan đến việc bán quà tặng phải được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Chính phủ sẽ quy định chi tiết việc nộp lại quà tặng, bán quà tặng và nộp vào ngân sách nhà nước tiền thu được từ việc bán quà tặng.
Cơ quan nào kiểm soát tài sản, thu nhập của thành viên Bộ Chính trị ?
Theo Thanh tra Chính phủ, xuất phát từ tầm quan trọng biện pháp minh bạch và kiểm soát tài sản, thu nhập trong phòng, chống tham nhũng, dự thảo luật đã quy định một chương riêng với nhiều quy định mới, thực chất nhằm tới việc kiểm soát được tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và một số người có chức vụ, quyền hạn khác, đặc biệt là trong công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và quỹ đầu tư.
Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ cho rằng để khắc phục hạn chế hiện nay khi giao cho cơ quan quản lý người có nghĩa vụ kê khai đồng thời quản lý bản kê khai và xác minh tài sản, thu nhập, làm cho việc kê khai rất hình thức, thực chất không giúp kiểm soát được biến động về tài sản, thu nhập, dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã đề xuất quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập bao gồm: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước…
(Ảnh minh họa: Ngọc Diệp)
Cụ thể, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng sẽ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại các Ban của Trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước.
Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,7 trở lên công tác tại bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đơn vị sự nghiệp, cơ quan, tổ chức do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.
TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các tòa án, viện kiểm sát, kiểm toán nhà nước.
Thanh tra bộ, đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại cơ quan thuộc Chính phủ nơi không có cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước do Bộ quản lý.
Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Bộ Quốc phòng kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai công tác trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đơn vị phụ trách công tác tổ chức - cán bộ tại các Ban của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng ngân sách nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai được hưởng phụ cấp chức vụ dưới 0,7.
Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã; những người có nghĩa vụ kê khai thuộc diện quản lý của Hội đồng thành viên tại doanh nghiệp nhà nước do UBND cấp tỉnh quản lý.
Giải thích về điều này, Thanh tra Chính phủ cho rằng các đơn vị trên có địa vị pháp lý “độc lập tương đối” với cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai. Phương án này sẽ giúp cho việc theo dõi, giám sát và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hiệu quả hơn, qua đó kịp thời xác minh để phát hiện, xử lý tham nhũng.
Phải tổ chức họp báo định kỳ và thực hiện quy chế phát ngôn
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đã có hẳn một điều khoản mới về chế độ họp báo, phát ngôn. Theo đó, Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức họp báo định kỳ và thực hiện quy chế phát ngôn theo quy định của pháp luật.
Đối với vụ việc có liên quan đến tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà dư luận xã hội quan tâm thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó phải xem xét tổ chức họp báo đột xuất hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin, làm rõ vụ việc có liên quan.
Cơ quan kiểm tra của Đảng, Kiểm toán nhà nước, cơ quan thanh tra nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp tổ chức họp báo định kỳ, họp báo đột xuất hoặc cử người phát ngôn cung cấp thông tin về công tác phòng, chống tham nhũng và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng.
Trong trường hợp báo chí đăng tải thông tin có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, giải trình. Cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng tải công khai nội dung giải trình trên báo. Trường hợp người có thẩm quyền kết luận về nội dung mà báo chí đăng là không đúng sự thật thì cơ quan báo chí phải cải chính, xin lỗi công khai trên báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản
Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng đề xuất Thanh tra Chính phủ phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương tích hợp, xây dựng, thống nhất quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về bản kê khai tài sản, thu nhập trong phạm vi cả nước. Thanh tra Chính phủ sẽ chủ trì, điều phối và hướng dẫn cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập trong việc xây dựng, quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu về bản kê khai tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất cho phép cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập có quyền yêu cầu hoặc đề nghị người có thẩm quyền yêu cầu người đang trực tiếp quản lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không được giải trình một cách hợp lý giữ nguyên hiện trạng tài sản, phong tỏa tài khoản, kiểm soát tài sản, thu nhập khi có dấu hiệu tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc chuyển dịch tài sản, thu nhập.
Tác giả bài viết: Thế Kha