Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


Nếu Ban giám hiệu thấy khó, thấy mệt thì làm đơn xin nghỉ để người khác đảm nhận

Nếu ai đang làm Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng mà than khó, than mệt thì làm đơn xin nghỉ để người có khát vọng cống hiến đảm nhận.
"Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ"

LTS: Tiếp tục câu chuyện xoay quanh chủ đề Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền đứng lớp mà chả xấu hổ, hôm nay, thầy giáo Nguyễn Cao mạnh dạn đưa ra ý kiến của mình qua những câu chuyện được nêu trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam mấy ngày qua về công việc của Ban giám hiệu hiện nay.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.


Trong một đơn vị trường học dù lớn hay nhỏ đều có Ban giám hiệu, bao gồm Hiệu trưởng và các Phó Hiệu trưởng (cơ cấu Phó Hiệu trưởng tùy thuộc vào từng loại trường).

Đây được xem là “bộ mặt” của đơn vị, sự thành bại của một trường học đều phụ thuộc rất lớn vào vai trò lãnh đạo và quản lý của các Ban giám hiệu.

Nếu Ban giám hiệu gương mẫu, tận tụy, biết lấy cái chung làm mục đích thì đơn vị đi lên, nội bộ nhà trường đoàn kết, chất lượng giảng dạy được đảm bảo.

 
thao giang
Nếu Ban giám hiệu thấy khó, thấy mệt thì làm đơn xin nghỉ để người khác đảm nhận (Ảnh: vtv.vn)
 

Ngược lại, những Ban giám hiệu hạn chế về chuyên môn, tham lam, kết bè phái, ưa lời xu nịnh thì đơn vị lục đục, mất đoàn kết, đơn thư tố cáo nhiều dẫn đến chất lượng giảng dạy thấp, mọi người luôn sống trong trạng thái đề phòng, nói trước ngóng sau, e dè, ngại ngùng trong từng lời ăn tiếng nói.
 
Vì được xem là “bộ mặt” của đơn vị nên mọi hành động, phát ngôn hay chỉ đạo công việc của Ban giám hiệu được bàn dân thiên hạ đánh giá, dòm ngó.
 
Chính vì vậy mà thời gian qua, trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam có đăng tải một số bài viết về Ban giám hiệu nhà trường, như bài “Nhiều Ban giám hiệu không đứng lớp nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp mà chả xấu hổ” của tác giả Trần Sơn và bài: “Chưa bao giờ thấy Ban giám hiệu nào dám thao giảng một tiết học cụ thể!” của tác giả Đỗ Quyên. 

Trong hai bài viết này đề cập đến chuyện các Ban Giám hiệu nhà trường mặc dù không giảng dạy nhưng vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp và cả những bất cập trong việc thực hiện giảng dạy, thao giảng của Ban Giám hiệu nhưng lại “chỉ đạo rất hay, phán rất giỏi”.

Ngày 21/6 có bài trao đổi: “Một phó hiệu trưởng lên tiếng về "không đứng lớp, vẫn nhận tiền mà không xấu hổ" của tác giả Đỗ Tấn Ngọc.

Cả ba bài viết trên cùng viết về một đối tượng là Ban Giám hiệu nhưng có lẽ mỗi tác giả ở mỗi vị trí công tác khác nhau nên cách thể hiện quan điểm cũng khác nhau.

Song, có lẽ “sự đúng” thì chỉ duy có một. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi muốn trao đổi thêm cùng các thầy cô về đối tượng mà các bài báo đã nêu.

Phải nói rằng những bất cập trong ngành giáo dục của chúng ta hiện nay còn rất nhiều. Cả về sử dụng nhân sự, bố trí vị trí công tác, phân bổ quyền lợi, cách đối nhân xử thế…Trong vô vàn công việc như vậy đòi hỏi những thành viên của Ban giám hiệu phải dung hòa được tất cả.

Nhưng, trong một tập thể con người “chín người mười ý” thì để đạt được mong muốn của tất cả mọi người trong tập thể là điều rất khó.

Vấn đề quan trọng nhất là mỗi Ban giám hiệu cố gắng hạn chế tối đa sự sai sót, làm đúng bổn phận trách nhiệm của mình. Bởi suy cho cùng đã là con người thì mấy ai “nhân vô thập toàn”.

Việc Ban giám hiệu không dạy lớp mà nhận phụ cấp đứng lớp (cấp Tiểu học và THPT là 35%, cấp THCS là 30 %) từ lâu đã là đề tài đàm tiếu của nhiều nơi.

Nhiều Ban giám hiệu thực hiện rất tốt quy định này, Hiệu trưởng và Hiệu phó vẫn lên lớp giảng dạy bình thường nhưng cũng có nhiều Ban giám hiệu thường hợp thức hóa số tiết này như giảng dạy ngoài giờ, kiêm nhiệm công việc khác hay lấy lí do là do thừa giáo viên mà Ban Giám hiệu lại thường xuyên hội họp nên tìm mọi cách “lách” nhưng vẫn tìm cách để nhận tiền phụ cấp đứng lớp đầy đủ. 

Những Ban giám hiệu như vậy rõ ràng đã thực hiện sai hướng dẫn của ngành và gây nên nhiều thị phi đối với cấp dưới.

Tuy nhiên, xét đến tận cùng vấn đề, việc Ban giám hiệu phải đứng lớp cũng có nhiều cái khó, đó là có nhiều vị đã không giảng dạy nhiều năm, bây giờ phải dạy rất khó lấy lại kiến thức cơ bản, nhất là mấy môn xã hội, ngoại ngữ đòi hỏi kiến thức “thuộc, nhớ” nhiều.

Hơn nữa, tuần nào cũng hội họp hết cấp Phòng, Sở rồi dự họp các cuộc họp ở các đảng ủy, ủy ban xã (phường) chủ trì, dự các cuộc họp của các thôn (ấp) khi có việc, chủ trì giải quyết các công việc, họp hành của trường dẫn đến những lớp được các thành viên Ban giám hiệu dạy bị ảnh hưởng rất nhiều.

Lúc thì bố trí giáo viên khác dạy thay, lúc thì cho học sinh nghỉ. Trong những trường hợp như vậy, sự thiệt thòi lại thuộc về các em học sinh….

Chuyện Ban giám hiệu “chưa bao giờ giám thao giảng một tiết cụ thể”, dù rằng giáo viên rất muốn các vị này thao giảng để “học hỏi” bởi lâu nay Ban giám hiệu dự giờ mình thấy góp ý hay lắm. Nhưng, thực ra việc thao giảng không phải là của Ban giám hiệu.

Bởi chẳng có quy định nào bắt Ban giám hiệu phải thao giảng mà trong mỗi trường học dù cấp học nào đi chăng nữa thì cũng đã có Tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm chính về việc xây dựng và tổ chức các tiết thao giảng.
 
Ban giám hiệu có thể cùng Tổ trưởng chuyên môn xây dựng các tiết thao giảng nếu là thao giảng Hội đồng bộ môn hoặc thao giảng cấp Trường. Còn việc thao giảng trong tổ thì giáo viên trong tổ xây dựng và tổ chức, dù Ban giám hiệu cùng giảng dạy chuyên môn đó cũng không nhất thiết phải thao giảng.

Chuyện Ban giám hiệu “vất vả” như thầy Đỗ Tấn Ngọc nói thì chúng ta không phủ nhận. Công việc nào cũng có những khó khăn nhất định, nhất là những người “đứng mũi chịu sào”.

Lo đối nội, đối ngoại, chịu mọi trách nhiệm với cấp trên và lãnh đạo địa phương mà đơn vị mình phụ trách.

Tuy nhiên, ngày nay vẫn có một số lãnh đạo, quản lí trường học chỉ làm tốt vai trò “đối ngoại” mà lơ là công tác “đối nội” và công tác chuyên môn ít chú ý mà thường giao hết cho các Tổ trưởng chuyên môn.

Nhiều người hách dịch, lộng quyền, lấn lướt cấp dưới, nhiều Ban giám hiệu không dự các buổi tập huấn chuyên môn, nhiều kế hoạch được dùng từ năm này sang năm khác, có thay đổi cũng chỉ là ngày, tháng.

Nhiều vị còn xin kế hoạch từ đơn vị khác về chỉnh sửa. Những lãnh đạo, quản lí như vậy rõ ràng chưa làm tốt vai trò, chức năng của mình.

Còn chuyện hồ sơ sổ sách như thầy Ngọc đề cập thực ra cũng không phải là nhiều. Bởi thực hiện quản lí theo cách phân quyền, các Ban giám hiệu chỉ là những người kiểm tra, tập hợp lại mà thôi. Phần lớn giao nhiều cho các bộ phận chuyên môn.

Chúng ta đều biết, người lãnh đạo quản lí nhà trường phải hội tụ nhiều phẩm chất và tài năng. Ban giám hiệu không nhất thiết phải thao giảng hay phải kêu ca công việc của mình làm gì. Tất cả cán bộ giáo viên trong trường học đều quy định chung về số tiết.

Người kiêm nhiệm thì dạy ít tiết nhưng trách nhiệm chung lại nhiều, giáo viên đứng lớp dạy nhiều tiết nhưng ít trách nhiệm chung hơn, hết giờ giảng dạy theo quy định thì có thể đi về nhà. Nhưng Ban giám hiệu thì thường xuyên phải có mặt ở trường.

Tất cả những chức năng, nhiệm vụ được qui định rõ trong Thông tư Số: 12/2011/TT-BGDĐT ban hành điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học nên chúng ta cũng không cần phải bàn luận nhiều.

Vai trò của Ban giám hiệu là bất cứ ở giai đoạn nào cũng rất lớn, đặc biệt là vai trò của người Hiệu trưởng mà theo quan niệm hiện đại thì người Hiệu trưởng phải hội tụ được “5T”, đó là: tầm nhìn; thu hút (đồng sự, thuộc cấp; học trò, nhân dân); tản quyền (phân cấp hợp lí, không ôm đồm); trực cảm (đồng cảm với đồng nghiệp) và Tự đánh giá (bản thân, nhân viên do mình phụ trách).

Nếu người lãnh đạo chỉ lo nghĩ cái lợi ích cho riêng mình, không biết kích thích tập thể làm việc, không chăm lo việc đoàn kết nội bộ thì đừng nói gì đến phát triển giáo dục trong tương lai.

Người lãnh đạo, quản lí giỏi không hẳn là người làm nhiều, mà là người hoạch định ra các kế hoạch và biết phân công thực hiện công việc, biết kiểm tra, đôn đốc công việc thì mới là người lãnh đạo giỏi.

Nếu ai đang làm Hiệu trưởng, phó Hiệu trưởng mà than khó, than mệt thì làm đơn xin nghỉ để người có khát vọng cống hiến đảm nhận.

Tác giả bài viết: Nguyễn Cao