'Bùa yêu' của chàng trai Ka Tu 4 lần xin cưới cô gái người Kinh
- 16:47 26-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ núi cao của thôn A So (xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), chàng trai người Ka Tu đã không quản ngại đường xa, 4 lần vượt núi, lặn lội trên “con ngựa sắt” băng qua quãng đường hơn 400 km về tận xã Minh Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình xin hỏi cưới cô gái người Kinh.
Chuyện tình đã có kết cục đẹp là đám cưới và những đứa con.
Tấm chân tình bị nhà gái cự tuyệt
Sau những gian truân, trắc trở, câu chuyện tình của chàng trai Hồ Sỹ Hưng (28 tuổi) và cô gái Cao Thị Duyên (25 tuổi) đã có một cái kết thật đẹp. Giờ đây, trong căn nhà nhỏ của đôi vợ chồng trẻ giữa bạt ngàn núi rừng vùng cao, luôn ấm áp và đầy ắp yêu thương.
Hưng kể, lần đầu gặp Duyên, là lúc cả hai cùng làm công nhân may ở một công ty may mặc. Công ty cách trung tâm thành phố đến mấy chục km, Hưng lại có xe máy nên hay ra vào thành phố. Thấy Hưng nhiệt tình, tốt bụng, nên đồng nghiệp thường nhờ mua hàng hóa giúp. Duyên cũng vậy.
“Lần đầu gặp vợ mình bây giờ, mình ngạc nhiên lắm. Mình bảo với bạn, “Chao ơi! Con nớ trắng ghê hè”. Mình thích sự ngây thơ, tinh nghịch của Duyên. Mình yêu, nên mình quyết tâm phải “cưa” bằng được”, Hưng bộc bạch.
Với dáng người cao ráo; nước da màu đồng khỏe mạnh; đôi mắt to tròn sâu hun hút ẩn dưới hàng mi dài cong vút cùng chiếc mũi thẳng tắp, Hưng được xem là “hot boy” ở công ty. Chàng trai người Ka Tu thật thà:
“Không phải họ yêu cái mặt mình mô. Mặt mình đen thui, có chi mà yêu. Họ yêu vì tấm lòng của mình thôi”. Cũng chính sự thật thà, tốt tính ở Hưng, mà ngay từ ngày đầu gặp gỡ, cô bé Duyên tinh nghịch ấy đã “chấm” liền.
Yêu nhau được một thời gian, Hưng cùng người yêu về ra mắt “nhà gái”. Chàng trai vùng cao không ngờ lại bị bố mẹ người yêu phản đối quyết liệt. Họ lo ngại Hưng là người dân tộc Ka Tu, phong tục tập quán khác người Kinh, cuộc sống vợ chồng sẽ dễ nảy sinh mâu thuẫn, bất hòa, không hạnh phúc. Rất nhiều lần, Hưng tìm về nhà người yêu, bày tỏ tấm chân tình, nhưng “phụ huynh” vẫn nhất định cự tuyệt.
Bị ngăn cản, tình cảm của đôi trai gái không hề nhạt phai mà ngày càng thêm mặn nồng hơn. Rồi một ngày, cô gái hoảng hốt thông báo mình đang mang thai. Trước sự lo lắng của người yêu, chàng trai vỗ về, khẳng định: “Có bờ vai của anh, mẹ con em cứ yên tâm dựa vào”.
“Nhà con có nhiều “bùa yêu” không?”
Nhà Duyên có ba chị em gái, hai chị của Duyên đều lấy chồng xa. Đến người con gái út, bố mẹ Duyên muốn con gái lấy chồng gần để có người chạy lui chạy tới khi ông bà ở tuổi xế bóng.
Lần gặp đầu tiên, biết người yêu con gái ở xa, đôi vợ chồng già rất ngại. Hưng kể, bố vợ anh lúc đó cứ nghi chàng trai bỏ “bùa yêu” con gái mình. “Bố hỏi mình: “nhà con có “bùa yêu không?”. Mình cười bảo, “thứ đó nhà con nhiều lắm, có cả gùi. Mình đùa vậy mà bố cũng tin”.
Rồi bố lại hỏi mình: “Ở trên đó, nhà con sống thế nào?”. Mình ngạc nhiên, hóa ra bố chẳng hiểu gì về người Ka Tu của mình cả. Nên mình đùa luôn: “Nhà con sống như trên vô tuyến bố vẫn xem đấy, nhà làm trên cây, ngủ thì treo đầu xuống đất y như dơi vậy”. Không ngờ, bố mình tròn mắt ngạc nhiên, cứ ngỡ là thật”, Hưng kể lại.
Khi biết Duyên mang trong bụng đứa con của mình, Hưng đang làm Trung đội trưởng dân quân cơ động xã Hương Lâm. Chàng trai về thưa với gia đình mình. Bố mẹ Hưng hết lòng ủng hộ con trai thuyết phục nhà gái để rước dâu về.
Bố mẹ Hưng gọi thương lái đến nhà, bán gấp đàn heo, với con bò, được 30 triệu, chuẩn bị để tổ chức lễ cưới. Bọc cẩn thận số tiền vào chiếc túi vải mang theo bên mình, người cha đã cùng con trai vượt quãng đường xa trên chiếc xe máy cà tàng, đi hỏi cưới dâu.
Nhưng bố mẹ Duyên không đồng ý. Hai cha con lủi thủi ra về. Lần thứ nhất. Rồi lần thứ hai. Lần thứ ba. Bao nhiêu chiếc áo của bố con Hưng đã nhuộm đỏ bụi đường, nhưng nhà gái vẫn dửng dưng.
Lần thứ ba, mẹ Duyên đã mềm lòng, nhưng người bố vẫn lắc đầu phản đối. Phải đến lần thứ tư, tấm chân tình của cha con Hưng cuối cùng cũng làm bố Duyên lay động.
Nhận được lời chúc phúc từ bố vợ, chàng trai quen với sương gió chốn núi rừng, cũng mừng vui đến rớt nước mắt. “Mình nói bố yên tâm, mình yêu Duyên, nên sẽ chăm sóc em ấy đến cùng. Bố gật đầu, làm cái bụng mình hân hoan mãi”, Hưng nhớ lại.
Sau khi Duyên sinh con gái tròn một tháng, hai bên gia đình tổ chức lễ cưới. Bố mẹ nhà Duyên lần đầu tiên đặt chân đến nhà con rể, mới hay nhà con rể chẳng khác chi nhà mình.
“Bố vợ mình cảm động lắm, khi đám cưới của mình có đông bà con, hàng xóm láng giềng đến chúc phúc”. Câu chuyện tình trắc trở, hóa thành đặc biệt, khi trong tấm ảnh cưới rạng rỡ của cô dâu chú rể, còn có thêm một thiên thần nhỏ.
Tình yêu vượt lên khó khăn, thiếu thốn
Đến nhà Hưng giữa trưa tháng 6 oi nồng mùi nắng. Từ ngoài ngõ, đã nghe tiếng trẻ con cười nói bi bô, hòa trong tiếng ve ngân rả rích giữa mùa. Nơi góc nhà, Hưng đang vui đùa cùng cô con gái và cậu con trai. Vợ Hưng đang lui cui sau bếp, chuẩn bị bữa trưa cho chồng, để Hưng kịp về phố tham gia buổi học.
Hưng cho biết, anh đang theo học Học viện hành chính tại TP Huế. Mỗi lần về quê, anh thường tranh thủ chút thời gian ít ỏi để chơi cùng con, đỡ đần vợ một tay việc nhà việc cửa.
Duyên cười tươi rói tiếp lời chồng, bảo hồi chưa về làm dâu, cô cũng sợ cuộc sống heo hút chốn núi rừng. Nhưng rồi sống, rồi quen, rồi yêu luôn mảnh đất này từ hồi nào chẳng biết.
Duyên kể, ngày mới về làm dâu, mấy bữa cơm liền, cô chẳng ăn được gì, bởi món nào cũng cay xé ruột xé gan. Suốt ngày cô chỉ ru rú ngồi trong nhà, chẳng dám đặt chân ra vườn vì tiết trời ẩm ướt của mùa mưa, khiến sên, vắt lúc nhúc đầy trên cỏ.
Sống ở chốn thị thành, không quen cảnh chân lấm tay bùn, nên Duyên “xanh mặt” bởi những gùi củi nặng trĩu trên lưng giữa trưa hè đổ lửa. Bố mẹ chồng tinh ý, bảo: “Con dâu đang có con nhỏ, nên ở nhà chăm cháu. Con dâu muốn ăn gì, thì nấu thứ đó, bố mẹ sẽ ăn theo”.
Duyên kể, nhà chồng không có nồi cơm điện, cũng chẳng có bếp ga, lần đầu tiên nấu bếp củi, đến bữa ăn, giở nồi cơm ra mới hay vừa sống vừa nhão. Con dâu luống cuống chẳng biết làm sao. Mẹ chồng nhỏ nhẹ bảo: “Không phải con dâu không biết nấu cơm. Cơm sống không phải tại con dâu, mà tại củi nhà mình. Con dâu cứ học từ từ, rồi sẽ nấu được”.
Nấu lần thứ nhất, cơm sống, nấu lần hai cơm cháy, đến lần thứ ba cơm đã vừa miệng. Nghe bố mẹ chồng khen: “Hôm nay con dâu nấu ăn ngon. Bố mẹ ăn được nhiều cơm lắm”, nàng dâu mừng, mà mắt rưng rưng.
Thương con dâu như con đẻ
Chồng làm xã đội phó, lại đang đi học, lương bổng chẳng nhiều nhặn gì. Duyên bận chăm con mọn, tăng gia sản xuất bằng cách nuôi thêm con gà, con vịt, đàn heo, nhưng cuộc sống cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Những lúc con nhỏ ốm đau, tiền bạc túng thiếu, đến bữa cơm, vợ chồng có tiếng bấc tiếng chì.
Những lúc như thế, bố chồng Duyên lại nhẹ nhàng khuyên: “Ăn cơm không được nói nhau, vì như thế cơm ăn vào sẽ không ngon. Thức ăn dở, không có chi cả, nhưng mọi người vui vẻ, cơm vẫn ngon”. Vợ chồng trẻ hiểu ngay, từ đó mà nhường nhịn nhau trong từng lời ăn tiếng nói.
Cô gái người Kinh và cha mẹ chồng người Ka Tu
Con gái lấy chồng xa, nhiều khi nhớ mẹ, thương cha mà chạnh lòng. Nhưng Duyên vô cùng biết ơn bố mẹ chồng, và thấy mình may mắn, vì gặp được bố mẹ chồng tâm lý. Họ biết cảm thông, ân cần chỉ dạy con dâu mọi thứ.
Và trên hết, họ thương yêu con dâu như chính con ruột của mình. Biết bố mẹ đi làm đồng làm rẫy vất vả, mệt nhọc, nên con dâu ở nhà, cố gắng quán xuyến hết mọi việc trong ngoài.
“Bố mẹ bảo ở nhà chỉ chăm cháu và nấu cơm, nhưng khi con ngủ, em tranh thủ làm cỏ vườn, giặt giũ, nấu cháo heo và cho đàn heo ăn, chăm đàn gà đàn vịt trong nhà. Xoay tới xoay lui, chẳng mấy chốc mà hết ngày”, Duyên cười tươi rói.
Quá trưa, bố mẹ chồng Duyên mới từ ruộng về, tay chân lấm lem bùn đất. Từ trong bếp, người con dâu liền đi ra góc vườn, kéo từng gàu nước trong vắt cho mẹ chồng rửa mặt. Mẹ con tíu tít cười cười, nói nói. Nhìn ánh mắt, nụ cười giữa họ, chẳng hề có một chút khoảng cách giữa người miền xuôi, miền ngược, giữa mẹ chồng, nàng dâu. Giữa họ, như mẹ và con gái.
Bố chồng Duyên tâm sự, khi nhà thông gia giao con gái cho ông, họ đã nói câu gửi gắm: “Con gái tui còn dại. Có gì cháu không biết, nhờ anh chị chỉ dạy giúp”. Con dâu ở xa, lỡ làm gì không phải, mình cũng không la, vì thấy tội. Mình cứ từ từ chỉ dạy cho con dâu thôi”, ông tâm sự.
Trên gương mặt sạm đen vì nắng ấy, luôn nở nụ cười thân thiện, ông bảo từ ngày có con dâu về, cả nhà ông từ trên xuống dưới đều tập nói tiếng phổ thông. “Mình nói tiếng “của mình”, con dâu nghe không hiểu rồi buồn thì tội lắm”, người bố chồng bộc bạch.
Bây giờ, không chỉ nhà chồng của Duyên rành tiếng phổ thông, mà cô cũng thông thuộc tiếng Ka Tu của nhà chồng. Chính sự lắng nghe, thấu hiểu, đã khiến cuộc sống của những con người tưởng khác biệt về lối sống, văn hóa, nhưng lại luôn ngập tràn hạnh phúc, yêu thương.
Chàng trai về thưa với gia đình mình. Bố mẹ Hưng hết lòng ủng hộ con trai thuyết phục nhà gái để rước dâu về. Bố mẹ Hưng gọi thương lái đến nhà, bán gấp đàn heo, với con bò, được 30 triệu, chuẩn bị để tổ chức lễ cưới. Bọc cẩn thận số tiền vào chiếc túi vải mang theo bên mình, người cha đã cùng con trai vượt quãng đường xa trên chiếc xe máy cà tàng, đi hỏi cưới dâu. Nhưng bố mẹ Duyên không đồng ý.
Hai cha con lủi thủi ra về. Lần thứ nhất. Rồi lần thứ hai. Lần thứ ba. Bao nhiêu chiếc áo của bố con Hưng đã nhuộm đỏ bụi đường, nhưng nhà gái vẫn dửng dưng. Lần thứ ba, mẹ Duyên đã mềm lòng, nhưng người bố vẫn lắc đầu phản đối. Phải đến lần thứ tư, tấm chân tình của cha con Hưng cuối cùng cũng làm bố Duyên lay động.
Tác giả bài viết: Hà Lê