Nghệ An 24h

http://nghean24h.vn


3 triệu người Anh yêu cầu bỏ phiếu lại về quyết định rời EU

Giới chuyên gia cho rằng khó xảy ra khả năng Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ hai nhằm đảo ngược kết quả trước đó.

cats 9177 1466914659

 Đơn kiến nghị đã thu được gần ba triệu chữ ký. Theo quy định, nếu đơn kiến nghị thu hút 100.000 chữ ký, vấn đề sẽ được quốc hội Anh xem xét để đưa ra tranh luận. Ảnh chụp màn hình

Gần ba triệu người đã ký vào thư kiến nghị trên trang web của quốc hội Anh, yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về việc Anh đi hay ở EU. Đây là thư kiến nghị thu hút nhiều sự ủng hộ nhất trên trang web này từ trước đến nay.

Người viết bản kiến ​​nghị, William Oliver Healey, cho rằng chính phủ cần tổ chức lại trưng cầu dân ý vì tỷ lệ bỏ phiếu chiến thắng chưa vượt quá 60% và tỷ lệ người đi bầu dưới 75%. Nhiều người Anh cũng bày tỏ sự hối tiếc khi chọn rời khỏi EU vì sẽ mất những đặc quyền và lợi ích mà liên minh cung cấp.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, 17,4 triệu người (51.9%) đã bỏ phiếu rời khỏi EU, so với 16,1 triệu người (48,1%) chọn ở lại, với tỷ lệ người đi bầu 72,2%, theo Ủy ban Bầu cử Anh.

Theo Telegraph, giáo sư Vernon Bogdanor, một trong những chuyên gia hiến pháp hàng đầu của Anh, cho rằng rất khó xảy ra một cuộc trưng cầu thứ hai.

"Tôi cho rằng EU sẽ không muốn 'mặc cả' thêm nữa, họ sẽ xem kết quả cuộc trưng cầu này là lựa chọn cuối cùng", ông nói.

Giáo sư Bogdanor, chuyên gia về lịch sử lập hiến tại King’s College London, cảnh báo rằng chính phủ Anh sẽ rất thận trọng về việc kêu gọi trưng cầu dân ý trong tương lai.

Giáo sư John Curtice, tại Đại học Strathclyde, nói rằng ngay trong nội bộ các chính đảng cũng có quan điểm chia rẽ về vấn này, và những người ủng hộ của các đảng khó có khả năng mở ra được các cuộc vận động, chưa nói đến mở ra thêm một cuộc trưng cầu nữa.

"Bao nhiêu người đã bỏ phiếu ủng hộ ra đi? 17 triệu người đấy", ông nói. "Bây giờ họ ký vào bản kiến nghị cũng chả ích gì, họ nhẽ ra nên làm việc đó trước. Nhưng ngay cả khi đó, những kiến ​​nghị như thế này không phải lúc nào cũng có tác dụng.

"Nếu Boris Johnson (cựu thị trưởng London dẫn dầu chiến dịch đưa Anh rời EU) trở thành người đứng đầu chính phủ và nếu thủ tục cho cuộc chia tay kéo dài, hai năm sau, chúng ta có thể có một cuộc thăm dò cho thấy người dân Anh thực sự muốn đảo ngược quyết định và ở lại với EU", ông nhận xét.

"Sau đó, có thể có tình huống là đảng đối lập trong cuộc tổng tuyển cử sẽ thúc giục tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới", giáo sư nói thêm.

Không ràng buộc

Thực tế, kết quả trưng cầu dân ý không có tính ràng buộc về pháp lý. Về lý thuyết, Thủ tướng Anh có thể bỏ qua kết quả trưng cầu dân ý và đưa câu hỏi ra tranh luận trước quốc hội.

Điều 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU quy định bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể rút khỏi EU. Ông Cameron có thể quyết định khi nào "kích hoạt" Điều 50, tức là thông báo chính thức đến EU rằng Anh muốn rời khỏi liên minh, bắt đầu giai đoạn đàm phán kéo dài hai năm về thỏa thuận cho cuộc chia tay. Ông vẫn có thể bỏ qua kết quả trưng cầu dân ý và không thông báo cho EU. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này rất khó xảy ra.

Ông Cameron đã nói rằng ông sẽ kích hoạt điều khoản ngay lập tức, nếu kết quả trưng cầu cho thấy người Anh chọn rời khỏi EU. Tuy nhiên, có thể ông nói vậy với nghĩa bóng, nhằm nhấn mạnh rằng cuộc trưng cầu 23/6 sẽ là lựa chọn cuối cùng của người dân Anh. Ông Cameron hiện chưa kích hoạt Điều 50.

Khả năng quay lại

Trong trường hợp Anh đã rời EU nhưng sau đó muốn quay lại, họ hoàn toàn có thể làm việc đó. Điều 50 quy định: "Nếu nước đã rút khỏi liên minh muốn tái gia nhập, họ phải tuân theo thủ tục được quy định trong Điều 49".

Điều 49 của Hiệp ước Lisbon quy định các thủ tục cho bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập EU, cho dù trước đó có là thành viên hay không.

Điều khoản này nói rằng nếu một quốc gia châu Âu cam kết thúc đẩy các giá trị "nhân phẩm, tự do, dân chủ, bình đẳng, pháp trị và tôn trọng nhân quyền", họ có thể nộp đơn xin trở thành thành viên của liên minh.

Sau khi nhận được đơn, Hội đồng châu Âu sẽ phải nhất trí về quyết định, sau khi có ý kiến ​​của Ủy ban châu Âu và nhận được sự đồng ý của Nghị viện châu Âu. Quyết định sau đó sẽ cần phải được tất cả các quốc gia thành viên phê chuẩn.

 

Tác giả bài viết: Phương Vũ