Bí mật bất ngờ đằng sau công ty đang gây khó cho Apple tại Trung Quốc
- 15:59 24-06-2016
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tháng trước, Văn phòng sở hữu trí tuệ Bắc Kinh đã đưa ra phán quyết cáo buộc bộ đôi smartphone iPhone 6 và iPhone 6 Plus của Apple vi phạm thiết kế của chiếc smartphone 100C do hãng điện thoại vô danh Trung Quốc Shenzhen Baili sản xuất. Thậm chí, Văn phòng này còn khẳng định “iPhone 6 và iPhone 6 Plus có rất ít sự khác biệt với điện thoại 100C của Baili. Sự khác biệt này quá nhỏ nên những khách hàng trung bình không thể nhận ra, nên điều này là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Hình ảnh chiếc điện thoại 100C của Shenzhen Baili (phải) và iPhone 6 của Apple (trái) mà theo Văn phòng sở hữu trí tuệ Bắc Kinh là 2 sản phẩm quá khó để phân biệt
Trước phán quyết này, Apple có thể đối mặt với nguy cơ bị cấm bán bộ đôi iPhone 6 và 6 Plus tại thị trường Trung Quốc. Trong khi Apple đang tích cực thực hiện các thủ tục để kháng cáo, có thể mất đến vài tháng, thì một sự thật bất ngờ đã được phát hiện, đó là Shenzhen Baili, công ty cáo buộc Apple vi phạm thiết kế sản phẩm của mình, là công ty đã bị phá sản từ lâu và gần như không còn tồn tại.
Bản thân cái tên Shenzhen Baili cũng không được ai biết đến sau sự việc xảy ra với Apple.
Sau sự việc, tờ báo The Wall Street Journal đã thử gọi điện đến số điện thoại liên hệ của công ty này, nhưng không có ai trả lời. Khi tìm đến 3 địa chỉ đã đăng ký của công ty thì không tìm thấy bất kỳ trụ sở nào, trang web của Shenzhen Baili cũng đã ngừng hoạt động từ lâu.
Đáng chú ý, báo cáo tài chính của công ty cho thấy Shenzhen Baili và công ty mẹ Digone đều đã bị vỡ nợ, với số tiền nợ vượt qua tổng số tài sản mà công ty đang nắm giữ.
Năm 2013, hãng công nghệ khổng lồ của Trung Quốc Baidu đã đầu tư một khoản tiền lớn vào Digione và Shenzhen Baili nhằm xây dựng một hệ điều hành di động, tuy nhiên Shenzhen Baili đã sử dụng số tiền này để sản xuất điện thoại di động. Sản phẩm của Shenzhen Baili không thể cạnh tranh trên thị trường, cộng với việc quản lý yếu kém khiến khoản tiền đầu tư của Baidu bị mất trắng, buộc Baidu đã nộp đơn kiện nhằm vào Digone.
Mặc dù đã hầu như bị phá sản và ngưng hoạt động, nhưng theo luật sư của Digione, nhấn mạnh rằng công ty con của mình “vẫn đang hoạt động với những chức năng cần thiết”, đây chính là cơ sở để Shenzhen Baili nộp đơn kiện chống lại Apple.
Đầu năm 2014, khi những hình ảnh đầu tiên của iPhone 6 bị rò rỉ trên Internet, Shenzhen Baili đã nhanh chóng đi trước, sản xuất chiếc smartphone 100C với thiết kế giống hệt hình ảnh bị rò rỉ. Công ty này còn nhanh tay đăng ký độc quyền thiết kế của sản phẩm tại thị trường Trung Quốc. Giờ đây, Shenzhen Baili dựa vào điều này để kiện ngược trở lại Apple nhằm yêu cầu khoản bồi thường từ phía “quả táo”.
Không quá khó để nhận ra, một công ty đang lâm vào khó khăn như Shenzhen Baili đang muốn “làm tiền” từ Apple để có thêm những khoảng kinh phí để trả nợ và tiếp tục duy trì hoạt động. Ngoài ra, đây cũng là một cách để nhiều người biết đến cái tên Shenzhen Baili và Digione.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple gặp rắc rối về thương hiệu và bản quyền thiết kế tại quốc gia này. Trước đó vào năm 2012, Apple đã phải chi ra đến 12 triệu USD để giàn xếp vụ tranh chấp thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc, mà một công ty vô danh của quốc gia này khẳng định đã đăng ký bản quyền thương hiệu iPad tại thị trường Trung Quốc.
Mặc dù Apple luôn là đối tượng bị sao chép và làm hàng nhái tại Trung Quốc, nhưng có vẻ như chính quyền Trung Quốc luôn đứng về phía các công ty của nước nhà trong những vụ kiện tranh chấp về thương hiệu cũng như bản quyền.
Tác giả bài viết: T.Thủy